Nhiều giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh

Cập nhật: 18-07-2014 | 00:00:00

 Đó là trả lời của ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trước chất vấn về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mà các đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh quan tâm tại kỳ họp thứ 12, HĐND khóa VIII.

Trả lời câu hỏi chất vấn của ĐB Nguyễn Ngọc Sơn về mục tiêu giữ vững chỉ số PCI, ông Mai Hùng Dũng cho biết, nhận thức tầm quan trọng của PCI trong công tác điều hành, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Bình Dương, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án nhằm từng bước cải thiện chỉ số và góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh cho DN trên địa bàn. Việc phân tích đầy đủ, toàn diện việc sụt giảm chỉ số PCI năm 2013 đã được Sở KH&ĐT trình bày cụ thể tại báo cáo số 130/BC-SKHĐT ngày 8-5-2014 trình Ban Kinh tế Ngân sách tỉnh và cơ quan chức năng.  

Sản xuất bóng đèn cao cấp của doanh nghiệp FDI tại KCN Đồng An

Ông Mai Hùng Dũng giải trình, năm 2013 chỉ số PCI của tỉnh sụt giảm xuống vị trí giữa bảng xếp hạng, giảm từ hạng 19 với 59,64 điểm xuống hạng 30 với 58,15 điểm do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Việc thay đổi tỷ trọng của các chỉ số và sự thay đổi một số chỉ tiêu của từng chỉ số đã ảnh hưởng đến điểm số của các tỉnh, trong đó có Bình Dương. Sự chênh lệch về điểm số giữa các tỉnh, thành năm 2013 đã được thu hẹp hơn so với những năm trước, làm cho thứ bậc các tỉnh chênh lệch nhiều trong khi sự chênh lệch số điểm là không lớn. Bên cạnh 2 nguyên nhân khách quan trên, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các DN tham gia khảo sát đã đánh giá một số chỉ số của tỉnh còn hạn chế là cần có mối quan hệ để có được các tài liệu về phân bổ thu chi ngân sách, các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; vai trò của hiệp hội ngành hàng trong việc tư vấn và phản biện các chính sách của tỉnh còn nhiều hạn chế; thời gian đăng ký thay đổi giấy phép kinh doanh vẫn còn kéo dài…

Để khắc phục những mặt hạn chế nêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung thực hiện một số nhiệm vụ về tiếp tục rà soát, đơn giản hóa bộ thủ tục hành chính liên quan tới DN trong đăng ký kinh doanh, tài nguyên - môi trường, thuế, hải quan… Tỉnh đã chỉ đạo hoàn thiện bộ phận một cửa tại Khu hành chính mở và cơ quan công quyền cấp huyện theo hướng hiện đại, thân thiện, tạo mọi điều kiện cho DN khi liên hệ làm việc. Mặt khác, việc nâng cấp trang thông tin điện tử của tỉnh và của các sở, ban, ngành đã tạo nhiều kênh thông tin để công khai danh mục và nội dung của các tài liệu liên quan đến ngân sách, quy hoạch, kế hoạch của tỉnh cũng góp phần nâng cao chỉ số PCI.

Theo ông Mai Hùng Dũng, bên cạnh đó, tỉnh thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, tập trung vào các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp hành chính, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử cho cán bộ. Các sở, ngành liên quan đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản trị cho chủ các DN, tránh chồng chéo, bảo đảm sự hợp lý về nội dung và thời gian tạo điều kiện cho các DN tham gia. Tỉnh cũng thành lập Hiệp hội DN, nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc cung cấp thông tin về pháp luật, thị trường, cung cấp dịch vụ kinh doanh, hỗ trợ xúc tiến thương mại. Đồng thời, tăng cường mối liên hệ giữa hoạt động của Viện Kiểm sát, Tòa án và Thi hành án Dân sự trong việc giải quyết các tranh chấp, thực hiện các thủ tục giải thể, phá sản của DN.

Một giải pháp khác theo ông Mai Hùng Dũng đã có tác động đến việc nâng cao chỉ số PCI là đã tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các hiệp hội ngành hàng, DN, nhà đầu tư, bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các thành phần DN trong nền kinh tế. “Đa số các chỉ tiêu được khảo sát đều phản ánh DN gặp khó khăn và mất nhiều thời gian để chính thức đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực tế, thời gian thực hiện một số thủ tục liên quan đến đăng ký DN, thay đổi nội dung đăng ký DN, thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn kéo dài so với mức trung bình cả nước. Đây là một hạn chế mà chúng ta tiếp tục khắc phục”, ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.

Về vấn đề “một cửa”, thời gian qua cán bộ “một cửa” am hiểu về chuyên môn, nhiệt tình, thân thiện, cộng với việc ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận “một cửa” đã tạo thuận lợi cho nhiều DN. Tiếp tục đầu năm 2014, từ khi Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh đi vào hoạt động, cơ bản khắc phục được những hạn chế của bộ phận “một cửa” trước đó. Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho DN và người dân, Sở KH&ĐT đã phối hợp cùng Bưu điện tỉnh thực hiện đăng ký kinh doanh qua bưu điện, trả kết quả tận nhà cho người dân và tiếp tục đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận DN qua mạng.

Nói về các giải pháp trong thời gian tới, ông Mai Hùng Dũng cho biết, năm 2014, sở tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị về việc quy định bố trí ngành nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh cho DN, góp phần tạo sự công khai, minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan tới thành lập DN. Ngoài ra, sở thường xuyên tiến hành rà soát, bố trí cán bộ đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, thân thiện, nhiệt tình hỗ trợ DN tại bộ phận “một cửa”.

 HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên