Nhiều kiến nghị để hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai

Cập nhật: 18-10-2012 | 00:00:00

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo xuyên suốt và định hướng tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời gian tới.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân

Chính sách, pháp luật đất đai quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai, không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân.

 Từ đất nông nghiệp chuyển thành vùng công nghiệp – đô thị trù phú ở Khu công nghiệp Mỹ Phước (Bến Cát) Quy định còn thể hiện rõ ràng, cụ thể hơn các quyền của đại diện chủ sở hữu, quyền thống nhất quản lý của Nhà nước và quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất; đồng thời khích nông dân gắn bó hơn với đất đai và sản xuất nông nghiệp bằng việc tăng thời hạn giao đất, cho thuê đất cho hộ gia đình, cá nhân.

Chính vì thế, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và ban hành cơ chế chính sách đất đai theo hướng phát triển lành mạnh thị trường bất động sản và sử dụng tốt các nguồn lực từ đất đai phục vụ xây dựng và phát triển đất nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về đất đai.

Điều đó cho thấy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh việc khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và hoàn thiện pháp luật về đất đai để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về quản lý và sử dụng đất đai trong điều kiện hiện nay.

Nhiều kiến nghị…

Sau nhiều năm thực hiện, Bình Dương đã rà soát các quy định pháp luật đất đai trong thời gian qua, đồng thời có những kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai trong thời gian tới, cụ thể hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về đất đai ban hành nhiều nhưng vẫn thiếu và còn nhiều chồng chéo, bất cập trong nội bộ lĩnh vực đất đai và giữa lĩnh vực đất đai với các lĩnh vực, ngành khác... gây khó khăn cho việc cụ thể hóa và triển khai áp dụng tại các địa phương. Vì thế, Bình Dương kiến nghị nên thành lập Ban chỉ đạo để rà soát, hoàn thiện khắc phục những nội dung chồng chéo, xung đột của hệ thống pháp luật nói chung và chính sách, pháp luật đất đai nói riêng cho phù hợp theo hướng rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, dễ triển khai thực hiện.

Đồng thời cần xác định rõ phạm vi, mức độ, quy mô diện tích các dự án Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế, có cơ chế hỗ trợ các dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất nhưng thực hiện tự thỏa thuận bồi thường đối với phần diện tích còn lại không thỏa thuận được, hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện việc thu hồi đất, cưỡng chế, bồi thường...

Về giá đất, Trung ương nên thay đổi nội dung, phương pháp, trình tự, thủ tục trong việc xác định giá đất để bảo đảm giải quyết mâu thuẫn trong một bảng giá vừa áp dụng để thực hiện bồi thường, vừa áp dụng để thực hiện nghĩa vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp. Giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính nên ổn định cho nhiều năm, giá đất để thực hiện bồi thường nên linh động giao cho địa phương điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương và cho áp dụng hệ số K để điều chỉnh phù hợp với giá thị trường. Trước mắt vẫn ban hành quy định sửa đổi, bổ sung khung giá của Chính phủ cho phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm sự tương quan giá đất giữa các loại đất, xử lý mối tương quan giá đất giữa các vùng, miền lân cận và ổn định ít nhất 5 năm. Ngoài ra, trình tự, thủ tục thu hồi đất, kiểm kê áp giá, chi trả bồi thường nên rút ngắn thời gian để tránh thay đổi về chênh lệch giá.

Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2003, Bình Dương còn kiến nghị các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn một số nội dung mà từ trước đến nay chưa có văn bản hướng dẫn như: việc cấp giấy chứng nhận đối với tài sản là cây lâu năm; suất đầu tư tối thiểu trên một đơn vị diện tích đất phù hợp với từng loại dự án; kiểm kê bắt buộc đối với các hộ gia đình không hợp tác... và tham mưu sửa đổi, bổ sung các nghị định của Chính phủ có liên quan cho phù hợp với Luật Đất đai năm 2003, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và Luật Khoáng sản năm 2010 và các luật khác có liên quan.

MAI HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên