Nhiều nhiệm vụ đặt ra cho ngành ngân hàng

Cập nhật: 28-03-2013 | 00:00:00

Tình hình hoạt động của ngành ngân hàng (NH) trong năm 2013 còn bộn bề khó khăn, thách thức và phải làm thế nào để cân bằng giữa lãi suất huy động phù hợp với lạm phát (6 - 8%) từ đó làm cơ sở đưa lãi vay về mức 10- 13%/ năm, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Vấn đề xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng… là những định hướng trọng tâm mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình phát biểu tại buổi làm việc với ngành NH trên địa bàn tỉnh vào ngày 26-3 vừa qua.

 “Cứu” DN là “cứu” NH

Báo cáo với Thống đốc Nguyễn Văn Bình những con số ấn tượng về kết quả kinh doanh của 3 chi nhánh NH Vietcombank (VCB) tại Bình Dương, bao gồm VCB Bình Dương, VCB Khu công nghiệp Bình Dương và VCB Sóng Thần, Giám đốc NH Ngoại thương Bình Dương Nguyễn Đình Phục, cho biết tổng huy động và tổng dư nợ của 3 đơn vị chiếm 15 đến 16,3%/tổng huy động và tổng dư nợ trên địa bàn, nợ xấu chiếm 0,54%... Riêng Phòng giao dịch VCB Mỹ Phước, chỉ sau một thời gian ngắn thành lập đã đạt số dư huy động 1.120 tỷ đồng, dư nợ cho vay 1.000 tỷ đồng. Mặc dù hoạt động hiệu quả trên một địa bàn đầy tiềm năng như vậy, nhưng khi xúc tiến nâng cấp phòng giao dịch này lên chi nhánh và phát triển thêm 4 phòng giao dịch trực thuộc, thì VCB vướng Quyết định 13 (về tổ chức mạng lưới NH thương mại). “Tình hình chung của thị trường tài chính tuy gặp một số khó khăn, nhưng việc mở rộng thêm mạng lưới sẽ tạo điều kiện để khách hàng khu vực phía bắc của tỉnh có điều kiện tiếp cận với dịch vụ NH”, ông Phục đề xuất. Trình bày về một khó khăn khác, ông Phục đề nghị, NHNN xem xét kéo giãn thời gian thực hiện Thông tư 02 đến năm 2014, vì khi trích dự phòng rủi ro tăng đồng nghĩa các chi phí sẽ tăng thêm, bản thân DN đang khó khăn thì NH cũng ít nhiều bị hệ lụy, tỷ lệ nợ xấu sẽ gia tăng.  

Mang đến hội nghị những kiến nghị tương tự VCB, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Nguyễn Thị Dung trực tiếp nêu vấn đề liên quan đến phí truy xuất thông tin từ Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) cao khiến chi phí kinh doanh tăng đáng kể, phí thẩm định giá tài sản thế chấp còn quá cao. “Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, nếu DN phải gánh chịu thêm chi phí này thì khó khăn sẽ tăng gấp bội, còn NH cũng không kham nổi”, bà Dung nêu ý kiến và cho rằng, NHNN nên xem xét giảm mức phí CIC đối với trường hợp không cần thuê tổ chức định giá tài sản nếu tài sản đó đã có khung giá theo chuẩn quy định pháp luật hiện hành.

Tuy phấn khởi với quyết định NHNN điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống còn 7,5%/năm từ ngày 26-3, nhưng Giám đốc NH Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Bình Dương Nguyễn Ngọc Việt, vẫn nêu băn khoăn: “Mặc dù đã hạ lãi suất huy động xuống 8%/năm nhưng thực tế vẫn có rất ít DN tiếp cận vốn vay. Do vậy, NHNN nên tiếp tục giảm thêm lãi suất huy động trong thời gian tới đồng thời thực hiện áp dụng trần lãi suất cho vay. Đến nay, NHNN chỉ áp dụng trần lãi suất cho vay cho 4 đối tượng ưu tiên mà không áp dụng rộng rãi cho tất cả các đối tượng. Khi hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, sức mua thị trường thấp, khả năng hấp thụ vốn yếu thì việc giảm lãi vay cho mọi đối tượng khách hàng là cứu DN và cũng là cứu NH”.

Xử lý nợ xấu là trách nhiệm của NH và DN

Trả lời kiến nghị mở rộng chi nhánh của các NH trên địa bàn tỉnh, Thống đốc NHNN cho rằng việc mở rộng hệ thống là thực tế khách quan mà NHNN Việt Nam luôn ủng hộ, tuy nhiên việc phát triển mạng lưới vẫn phải bảo đảm tính pháp lý chung, ưu tiên ở những địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa nhằm mục đích hỗ trợ khu vực nông nghiệp nông thôn. Còn tại khu vực thị xã, thành phố tạm thời chưa nên phát triển thêm các tổ chức tín dụng. Thống đốc cũng lưu ý vấn đề tái cơ cấu NH, trong đó không loại trừ khả năng sẽ có một “làn sóng” sáp nhập, hợp nhất một số NH có hoạt động yếu kém. Thống đốc cho rằng việc tăng nhanh sự hiện diện các TCTD trong thời gian qua đã gây nhiều bất ổn hệ thống NH, thanh khoản kém, tăng trưởng nóng tín dụng đã để lại nhiều hậu quả...

Thông tin về việc giải quyết nợ xấu, Thống đốc NHNN cho biết tính đến cuối năm 2012, đã có khoảng 260.000 tỷ đồng nợ đã được cơ cấu lại cho các DN khó khăn tạm thời theo Quyết định 780 của NHNN. Nếu so với con số 277.000 tỷ đồng tổng dư nợ tín dụng của toàn ngành NH thì đây là con số “khủng”. Như vậy Quyết định 780 có là “cứu cánh” tích cực cho NH và DN? Câu trả lời là có nhưng theo Thống đốc, nó cũng có mặt trái là nợ vẫn còn đó, nếu cứ kéo dài mãi thì sẽ càng xấu thêm. Do đó, xử lý nợ xấu vẫn là trách nhiệm chính của NH và DN, còn NHNN chỉ hỗ trợ một phần. Ông ví von cục “quả tạ” nợ 260.000 tỷ đồng vẫn treo lơ lửng và có thể đứt dây bất cứ lúc nào! Do đó, Thông tư 02 là chiếc gương để NH tự soi rọi để có bước đi tốt hơn.

Sau khi trả lời một số vấn đề phía các NH đề xuất, Thống đốc cũng cho biết một số thông tin về đề án xử lý nợ xấu, thành lập Công ty Quản lý tài sản quốc gia và dự thảo hướng dẫn cho vay hỗ trợ thị trường bất động sản. Trong đó, NHNN sẽ “bung” cho vay từ 20.000 - 40.000 tỷ đồng với lãi suất vay ưu đãi phục vụ vay mua nhà ở xã hội…

 “Mục tiêu lạm phát đề ra năm nay khoảng 6 - 8%. Trong khi đó, lãi suất đầu vào hiện ở mức 7,5% là rất khó cho người gửi tiền. Nếu trong quý III, CPI giảm thêm thì may ra lãi suất huy động mới giảm thêm. Mục tiêu của NHNN hiện nay là phải tiếp tục giảm lãi vay để chia sẻ với DN nhưng đồng thời vẫn bảo đảm NH có lợi nhuận để duy trì hoạt động hiệu quả”.

(Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình)

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên