Kể từ ngày 1-7, TP.HCM (mới) chính thức đi vào hoạt động, vì vậy trang web tạm ngừng cập nhật thông tin để chờ hướng dẫn. Trong thời gian này mọi thông tin liên quan đến địa bàn Bình Dương (cũ) sẽ được cập nhật trên báo Sài Gòn Giải Phóng và các ấn phẩm, nền tảng liên quan. Trân trọng!

Nhiều ý kiến tâm huyết gửi tới đại hội

Thứ sáu, ngày 12/04/2013
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Trước thềm đại hội, cán bộ, hội viên nông dân (ND) đã gửi gắm nhiều tâm tư, tình cảm với mong muốn Hội ND ngày càng làm tốt vai trò của mình, là chỗ dựa vững chắc cho ND.

- Ông LÊ VĂN HÙNG, Chủ tịch Hội ND TP.THỦ DẦU MỘT: Hỗ trợ ND chuyển đổi mô hình theo hướng nông nghiệp đô thị (NNĐT)

Phát triển nền NNĐT ít đất nhưng hiệu quả cao là hướng đi mà lãnh đạo thành phố cũng như Hội ND TP.TDM đang lựa chọn để giúp ND chọn hướng đi mới khi diện tích đất ngày càng thu hẹp. Tuy nhiên, để phát triển NNĐT không hề đơn giản, nhất là trong điều kiện ND chưa được tiếp cận nhiều với những mô hình này, cũng như thiếu vốn, thiếu giống… Trên thực tế nhiều ND đã mạnh dạn đầu tư mô hình mới, tuy nhiên họ đã không thành công, do thiếu những yếu tố trên.

Vì vậy, đại diện cho ND của TP.TDM, tôi mong muốn trong thời gian tới Hội ND tỉnh cần quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực này. Cụ thể, để phát triển NNĐT thì phải đẩy mạnh hơn nữa chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho ND phù hợp với từng nơi, từng điều kiện thổ nhưỡng. Không chỉ riêng hội mà Nhà nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng cần quan tâm nhiều cho nông nghiệp, nhất là ở lĩnh vực nghiên cứu giống, hệ thống thủy lợi. Hội cũng cần quan tâm đến việc hỗ trợ vốn bởi phát triển NNĐT cần một nguồn vốn lớn, tự bản thân ND khó có thể có được. Đồng thời, tìm đầu ra cho sản phẩm. Bởi lâu nay, ND vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn là sản phẩm làm ra khó tiêu thụ dẫn đến việc bị thương lái ép giá, giá trị kinh tế thấp.

- Ông BÙI THANH SƠN, ND sản xuất, kinh doanh giỏi phường Dĩ An, TX.Dĩ An: Cần vốn vay lãi suất ưu đãi cho ND

Cách đây 4 năm, tôi tình cờ được người quen giới thiệu mua chim trĩ đỏ khoang trắng về nuôi. Từ 3 cặp giống ban đầu, đến nay tôi đã có trên 70 con giống các loại. Tôi thấy đây là mô hình chăn nuôi nhiều tiềm năng, thích hợp với khí hậu tại địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, nhiều ND cũng đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay mô hình này vẫn chưa phát triển do ND gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật nuôi, thiếu vốn, thiếu giống, đầu ra sản phẩm.

Vì vậy, tôi kiến nghị, các ngành chức năng liên quan chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay lãi suất ưu đãi và định hướng đầu ra cho sản phẩm để ND an tâm đầu tư. Hiện tại, nguồn vốn 10 triệu đồng/năm của Hội ND cho vay thật sự không đủ để ND có thể đầu tư sản xuất, kinh doanh mà phải từ 30 - 50 triệu đồng mới giải quyết được vấn đề.

T.THẢO - N.NHƯ