Nhớ một thời “Tiếng hát át tiếng bom” : Chiếc đàn từ vỏ bom

Cập nhật: 16-04-2014 | 00:00:00
> Kỳ 1: Văn nghệ - Món ăn tinh thần của chiến sĩ

> Kỳ 2: Nghệ sĩ mù lấy nhạc cụ làm vũ khí

Kỳ 3: Chiếc đàn từ vỏ bom

Như những thanh niên khác, ông Trần Văn Chẳng (SN 1923, Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) lên đường tham gia kháng chiến. Với năng khiếu âm nhạc, người thanh niên ấy đã “biến” vỏ bom na-pan thành chiếc đàn tranh biểu diễn cho anh em chiến sĩ cùng nghe. Tiếng đàn đã góp phần tạo thêm niềm tin, động lực để anh em chiến sĩ đứng lên đấu tranh giành độc lập tự do cho quê hương, đất nước.

 Ông Ba Rừng cùng cây đàn tranh Mã Đà (bìa trái). Ảnh: T.LÝ

TIẾNG HÁT ANH BA RỪNG

Ba Rừng là tên thường gọi của ông Trần Văn Chẳng. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, từ nhỏ cậu bé Ba Rừng đã sớm giác ngộ tinh thần yêu nước. Những năm 1945-1954, ông đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Với hành trang trên vai, người chiến sĩ ấy không ngại mưa bom, khói lửa xung phong trên mọi mặt trận. Tại chiến khu Đ, ông vừa tham gia kháng chiến, vừa phục vụ văn nghệ. Tiếng hát của ông đã tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội trên con đường hành quân, đối mặt với những cơn sốt rét rừng, hay những buổi tiễn đưa đồng đội về nơi yên nghỉ… Đối với ông, dù trong hoàn cảnh nào, vẫn không để lòng mình chùn xuống, bà Phạm Thị Tro (SN 1928, vợ ông Ba Rừng), kể lại.

Với khả năng thính âm tốt, năm 14 tuổi, gia đình ông tạo mọi điều kiện để con trai được học nhạc. Ông theo học các thầy trong và ngoài tỉnh. Sau một thời gian theo học, ông đã chơi được đàn kìm, đàn ghi-ta, đàn tranh. Những tưởng cậu học trò giỏi âm nhạc sẽ tiếp tục đi theo nghiệp cầm ca, nhưng ông từ bỏ để đến với cách mạng. Trong chiến trường ác liệt, ông đã cùng đồng đội hát vang những ca khúc hào hùng, bài ca chiến thắng. Ông Phạm Ngọc Phú (TX.Dĩ An), bạn chí cốt của ông Ba Rừng, cho biết: “Trong kháng chiến, chúng tôi không có dịp được gặp nhau. Hòa bình lập lại, tôi và ông Chẳng cùng chơi nhạc cụ đàn tranh, kìm, cùng hòa tấu đờn ca tài tử - cải lương nên rất hay gặp nhau để trao đổi kinh nghiệm. Cả cuộc đời, ông cống hiến cho cách mạng, phục vụ nhân dân, đặc biệt đam mê văn nghệ. Trước khi từ giã cõi đời, ông không quên nhắc nhở học trò, phải sống sao để trở thành người “nghệ sĩ” đích thực. Ngoài ra, phải tích cực “tiếp lửa” đam mê nghệ thuật tài tử cho thế hệ trẻ”.

VỎ BOM “HÓA” ĐÀN

Đam mê văn nghệ, nhưng chiến tranh loạn lạc, người chiến sĩ - nghệ sĩ Ba Rừng không thể đem theo cây đàn vào chiến trường. Năm 1947, ông được chuyển về công tác tại Công binh xưởng thuộc Chi đội 1 (Chiến khu Đ), chuyên chế tạo vũ khí. Nhớ nghề, ông sử dụng vỏ bom na-pan để làm chiếc đàn tranh. Ông dùng vỏ đạn na-pan làm khung đàn, 16 “con nhạn” của cây đàn được làm bằng nhôm, bộ trục làm bằng gỗ… Sau 3 tháng sáng tạo, “đứa con” tinh thần chính thức ra đời. Chiếc đàn được ông âu yếm gọi tên Mã Đà, để lưu giữ những kỷ niệm trong suốt quá trình công tác tại Mã Đà. Chiếc đàn Mã Đà giống đàn tranh bình thường nhưng âm thanh không chuẩn xác. Bà Tro, nói tiếp: “Lúc nhỏ ông nức tiếng khắp vùng nhờ ngón đàn tranh tươi mướt, với sự hiểu biết sâu sắc về cổ nhạc và tân nhạc. Vào chiến trường để không quên nghề, ông tạo ra cây đàn, để cùng đồng đội nghêu ngao những bài ca chiến thắng”.

Ông Chẳng sáng tạo ra cây đàn còn nhằm mục đích xóa đi những lời tuyên truyền của địch, “những người làm cách mạng rất khô khan, không tình cảm”. Ngược lại, người cách mạng chính là những người giàu tình cảm, luôn lạc quan dù trong khói bom ác liệt. Đôi khi ông coi cây đàn như “người bạn” cùng ông góp thêm hương, sắc cho phong trào văn nghệ tại chiến khu, giúp chiến sĩ và nhân dân được thưởng thức “món ăn” tinh thần giữa bạt ngàn rừng núi.

Anh Út Dạng (học trò ông), nhớ lại: “Thầy tôi hay nhắc về chiếc đàn tự chế. Nhờ có cây đàn, phong trào văn nghệ tại đơn vị thêm sôi nổi. Những ngày vắng tiếng bom mìn, súng nổ, sau bữa cơm chiếc đàn xóa đi không khí yên tĩnh của rừng. Nhiều anh em biết hát nghêu ngao theo tiếng đàn của ông. Vốn dĩ đờn tranh chỉ chơi hay những bản nhạc mang âm hưởng trầm, buồn, sâu lắng, nhưng với chiếc đàn tự chế, ông biến tấu để có phím đàn với âm thanh vui, sôi động”. Nhờ có ngón đàn tươi mát, sắc sảo, ông được các nhóm, đội, đoàn văn công các xã mời phục vụ, giao lưu văn nghệ. Bởi vậy, cây đàn đã cùng ông thường xuyên đến với bộ đội và nhân dân những vùng kháng chiến thuộc miền Đông Nam bộ, nhất là vùng Chiến khu Đ.

NGÀY SUM HỌP

Tháng 7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ông hồi hương chuyển sang làm công an xã, rồi cán bộ bưu điện. Ngày trở về ông không thể mang theo cây đàn tranh Mã Đà nên gửi lại cho một người dân vùng chiến khu. Từ đó, cây đàn tạm xa rời chủ. Tại địa phương, ông sử dụng cây đàn mới và tiếp tục chơi nhạc, nhưng vẫn cố liên lạc để tìm ra “đứa con” tinh thần của mình. Sau năm 1976, ông quyết tâm đi tìm cây đàn. May mắn thay, cây đàn của ông được một người bạn cất giữ cẩn thận. Hơn 22 năm, thời gian không ngắn để bào mòn đi tất cả, cây đàn của ông cũng chịu ảnh hưởng của quy luật thời gian. Đưa đàn về nhà, ông bắt đầu nghiên cứu, thay con nhạn, chỉnh cung phím.

  Bà Phạm Thị Tro, vợ ông Ba Rừng trầm ngâm ngắm chân dung chồng. Ảnh: T.LÝ

Do cây đàn âm thanh không chuẩn nên ông chỉ sử dụng đàn ở nhà vào những buổi chiều tà, hay đêm trăng thanh vắng cho con cháu, học trò nghe, với mong muốn thế hệ mai sau nhớ, biết, nghĩ về thời kháng chiến hào hùng của dân tộc. Kháng chiến không chỉ có vũ khí mà văn nghệ cũng trở thành vũ khí đánh giặc, hay chính vũ khí làm nên âm nhạc, ông đã tặng cây đàn cho Viện Bảo tàng Quân giới Nam bộ tháng 9-1995, nhân dịp 50 năm truyền thống ngành quân giới. “Để đi đến quyết định tặng đàn, ba tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Ông coi chiếc đàn như người bạn tri kỷ. Ngày nào đi làm về ba cũng mang đàn ra lau, sửa dây và đệm vài bài trước khi làm việc khác. Tuy nhiên, ba lại vui, tự hào khi đóng góp một kỷ vật để thế hệ trẻ trân trọng giá trị lịch sử của dân tộc”, Trần Thị Phương Huyền, con gái ông Ba Rừng, bộc bạch.

Vốn đam mê âm nhạc, nên dù bận rộn với công tác nhưng ông không bỏ một buổi giao lưu, hội diễn, hội thi nào do xã, huyện tổ chức. Thời gian trôi qua, người chiến sĩ - nghệ sĩ ấy cũng bắt đầu mắt mờ, chân yếu nhưng chưa ngày nào ông không đánh vài bản “Nam”, “Oán”. Sau những cống hiến cho kháng chiến, ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất cùng nhiều Huân, Huy chương khác.

Hiện nay, ông Ba Rừng đã qua đời. Theo tâm nguyện của ông, mỗi năm một lần đến ngày giỗ ông, các con ông thay phiên nhau đến Viện Bảo tàng quân đội thăm lại cây đàn. Viết thêm dòng lưu bút để con cháu mình nhớ đến ông và nhớ đến “người bạn” tri kỷ luôn cùng ông vào sinh ra tử.

Kỳ 4: Tiếng hát một thời để nhớ

TỐ TÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên