Mới hôm rồi, gia đình tổ chức lễ 100 ngày anh mất, chúng tôi đến thắp một nén hương để tưởng nhớ đến người bạn, cộng sự tốt, một “nhà báo nông dân” xông xáo. Hơn 14 năm làm phóng viên tại Báo Bình Dương, Hòa Nhân là một tay viết cần cù và chịu khó đi cơ sở. Tính cách của Hòa Nhân, chúng tôi ai cũng hiểu. Anh thích làm những đề tài nóng và mang tính phát hiện từ cơ sở. Do vậy, trong nhiều năm làm báo, Hòa Nhân luôn lặn lội xuống những vùng sâu, vùng xa của tỉnh để tìm kiếm đề tài hay từ người dân cung cấp, phản ánh kịp thời hơi thở cuộc sống.
Anh thật sự là một phóng viên mang vẻ chất phác của người làm nông. Nhiều người dân xã Minh Hòa, Thanh An (Dầu Tiếng) hay xã An Linh, An Long (Phú Giáo) vẫn còn nhớ Hòa Nhân đã về gặp gỡ nông dân và cùng ăn, cùng ở từ cơ sở để nắm chắc thông tin, phản ánh những vấn đề liên quan nông thôn, nông dân. Trong nhiều bài viết của mình, Hòa Nhân luôn nói hộ nông dân, người lao động những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, giúp cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân và đề xuất những giải pháp cho địa phương nhằm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Mới đây, chúng tôi cũng đã trở lại ấp Cà Tong, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, người dân nơi đây vẫn còn nhớ đến anh với hành động dũng cảm, lặn lội trên hồ Cần Nôm vắng tanh để xâm nhập thực tế vào một cơ sở ngược đãi lao động. Sau đó loạt bài đầu tiên phản ánh, bênh vực lẽ phải cho người lao động nghèo đã được đăng trên báo Bình Dương, vụ việc đã được đưa ra ánh sáng. Loạt bài “Địa ngục trần gian bên hồ thơ mộng” của Võ Hòa Nhân đã đoạt giải Khuyến khích Giải báo chí Quốc gia lần thứ VIII-2013 ở thể loại phóng sự điều tra. Tin vui mà sao thấy buồn quá, Hòa Nhân ơi!
HỒ VĂN