KỶ NIỆM 80 NĂM THÀNH LẬP TỈNH ỦY THỦ DẦU MỘT (2.1936 - 2.2016)

Nhớ những ngày sục sôi năm ấy - Bài 2

Cập nhật: 18-02-2016 | 08:06:41

Bài 2: Tỉnh ủy Thủ Dầu Một ra đời

 

 Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất của Đảng (tháng 3-1935) về công tác phát triển Đảng, đồng thời nhằm đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tháng 2-1936, Xứ ủy Nam kỳ đã chỉ định Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một gồm 5 đồng chí: Trương Văn Nhâm, Nguyễn Thị Bảy là 2 cán bộ tăng cường của Xứ ủy và 3 cán bộ của địa phương, trong đó có đồng chí Hồ Văn Cống; đồng chí Trương Văn Nhâm, Xứ ủy viên kiêm bí thư Tỉnh ủy.

 Ấp Thạnh Lộc, làng An Thạnh, quận Lái Thiêu (nay là phường An Thạnh, TX.Thuận An), nơi ra đời Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một. Ảnh: QUỐC CHIẾN

 Trong phiên họp đầu tiên của Tỉnh ủy tổ chức tại nhà ông Sáu Dài ở ấp Thạnh Lộc, làng An Thạnh, quận Lái Thiêu (nay là phường An Thạnh, TX.Thuận An) có đại diện của Xứ ủy: đồng chí Lê Thị Thinh (Lê Thị Hưởng, Hai Hưởng) đại diện Liên Tỉnh ủy miền Đông: đồng chí Trương Văn Bang. Hội nghị đề ra các công tác cấp bách trước mắt là ổn định tổ chức chi bộ, tổ chức và vận động quần chúng đấu tranh. Việc thành lập Tỉnh ủy (lâm thời) vào mùa xuân năm 1936 đánh dấu một bước ngoặt trong phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân Thủ Dầu Một. Từ đây, tỉnh đã có cơ quan đầu não để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh.

Vào đầu tháng 8-1938, Chi bộ Nhà máy Dĩ An lại quyết định phát động một cuộc đấu tranh mới, nhưng do kế hoạch bị lộ, bọn cầm quyền Pháp huy động 3 xe chở đầy lính đến bao vây và ngăn chặn, nên không tiến hành ngay được. Và để hạn chế bớt tổn thất, chi bộ đã phân công một số đảng viên, nữ hội viên Hội Tương tế, lão hội viên Nông hội làm công tác binh vận. Việc làm này đạt được kết quả tốt là một số anh em binh lính hứa sẽ không đánh đập bà con và công nhân, do đó ngày 9-8-1938, dưới sự chỉ đạo và tổ chức của chi bộ, hơn 100 công nhân tiến hành bãi công, xếp hàng kéo đến văn phòng chủ Đề pô, cán bộ công hội vào đưa bản kiến nghị 5 điều, trong đó ngoài những yêu sách cũ, còn có thêm một số điểm mới như: Nghỉ phép hàng năm có lương, đau ốm nằm nhà thương có lương, học nghề trên 6 tháng có lương.

Tại Phú Cường, ngày 29-11-1938 thành lập nghiệp đoàn và vận động hàng trăm thợ cùng anh em xe thổ mộ đòi chủ: Thủ tiêu chế độ làm khoán, mỗi tháng phát lương 3 kỳ, thi hành Luật Lao động. Cuộc bãi công kéo dài suốt 7 ngày mới kết thúc. Lần này có anh em thổ mộ Chợ Thủ tham gia đấu tranh là nhằm hưởng ứng lời hiệu triệu của Ủy ban Sáng kiến xe thổ mộ Chợ Lớn, kêu gọi lập Hội Ái hữu giúp nhau trong nghề nghiệp, trong cảnh nguy nan.

Ở Lộc Ninh, Hớn Quản đang có đồng chí Lê Văn Khương là cán bộ của Ban Đặc ủy phụ trách các đồn điền cao su do Xứ ủy cử đến hoạt động. Qua một thời gian gầy dựng, Hội Ái hữu trong công nhân Lộc Ninh đã có tác dụng làm hạt nhân đoàn kết đưa anh em đi đấu tranh từ thấp lên cao. Ngày 21-12- 1938, tại Lộc Ninh thuộc Công ty Xét xô, có đến 300 công nhân bãi công biểu tình. Ban đại diện đưa yêu sách lên chủ sở đòi tăng lương, làm việc 8 giờ/ngày, giảm phần cạo lót từ 400 cây còn 350 cây/ngày. Công nhân bị bệnh phải có thuốc uống. Họ còn hô khẩu hiệu: “Ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp giành thắng lợi” để bày tỏ thiện chí với nhân dân tiến bộ ở nước Pháp. Chủ tư bản Đờlalăng tỏ thái độ ngoan cố đưa lính đến đàn áp đoàn biểu tình trước văn phòng chánh chủ sở. Bên ta chống lại bằng tay không và kiên trì trụ lại, chủ sở buộc phải chịu nhận 3 điều, còn lại 1 điều khoản về công nhân bị bệnh phải có thuốc uống thì lờ đi.

Đầu năm 1939, phe phát xít Đức, Ý gây chiến, chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bùng nổ ở châu Âu. Nước Pháp do Đalađiê, đảng viên thuộc phái hữu đảng cấp tiến, lên cầm quyền càng đi sâu vào chính sách phản động về đối nội và đối ngoại. Nhận định tình hình mới, Trung ương Đảng đề ra những nhiệm vụ mới qua thông báo khẩn cấp ngày 10-3-1939 và tuyên ngôn 28-3-1939 làm cơ sở ban đầu cho toàn Đảng thực hiện. Tiếp thu chỉ đạo của Trung ương, tháng 4-1939, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một họp hội nghị mở rộng do đồng chí Hồ Văn Cống, Bí thư, chủ trì, để bàn biện pháp thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp do Trung ương nêu ra. Hội nghị đã quyết định nhiều biện pháp trong đó nhấn mạnh vừa phát động quần chúng các quận phía nam đấu tranh, vừa tăng cường công tác công vận ở các đồn điền cao su phía bắc.

Được sự hướng dẫn và chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị Tỉnh ủy, hơn 500 thợ thủ công và nông dân, 300 chị em tiểu thương ở thị xã Thủ Dầu Một, các quận Lái Thiêu, Tân Uyên đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1-5- 1939 dưới nhiều hình thức, biến kỷ niệm thành cuộc mít tinh với các khẩu hiệu: Ban hành các quyền tự do dân chủ, ban bố quyền tự do nghiệp đoàn, giảm tô cho nông dân. Nông dân khai phá đất hoang được quyền sở hữu, giảm thuế môn bài cho tiểu thương, chống khủng bố, chống bắt lính…

Ngày 23-6-1939, 500 công nhân xe lửa Dĩ An lại tiến hành bãi công đòi chủ tăng lương, xóa bỏ cúp phạt bằng lương, nằm nhà thương không trừ lương, đồng thời nêu khẩu hiệu chính trị “Chống chiến tranh, chống phát xít”. Qua phong trào đấu tranh của công nhân Nhà máy Xe lửa Dĩ An trong thời kỳ này, nhiều quần chúng ưu tú xuất hiện và lần lượt được kết nạp vào Đảng, trong đó có các đồng chí: Ký, Chờ, Quý, Sum… đưa tổng số đảng viên của chi bộ lên 20 người.

Trong cao trào cách mạng thời kỳ 1936-1939 Đảng bộ Thủ Dầu Một vừa ra đời đã nhận lấy vai trò trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương trong một thời kỳ rất sôi động và đã giành được những thắng lợi có ý nghĩa sâu sắc. Trong cao trào này, Đảng bộ Thủ Dầu Một rất coi trọng công tác tuyên truyền tư tưởng Mác - Lênin và các chủ trương của Đảng không chỉ trong nội bộ mà cả ngoài quần chúng rộng rãi, mạnh dạn dùng các hình thức tuyên truyền công khai, hợp pháp qua sách báo, diễn thuyết và các cuộc tranh luận với nhóm Tờrốtkít… Nhờ đó uy tín của Đảng trong nhân dân được nâng cao. Nhân dân ngày càng thấy rõ Đảng Cộng sản là một tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật, đấu tranh vì lợi ích của giai cấp công nhân và của dân tộc. Một ưu điểm khác của Đảng bộ là trong đấu tranh đã nêu những khẩu hiệu thiết thực đến đời sống hàng ngày của các tầng lớp xã hội, nhất là các quyền tự do dân chủ, nhờ đó đã thu hút được đông đảo quần chúng tham gia.

Đặc biệt qua việc lãnh đạo phong trào, uy tín và ảnh hưởng của Đảng bộ ngày càng thấm sâu vào tâm trí nhân dân trong tỉnh. Toàn Đảng bộ có 9 chi bộ, cộng với 2 chi bộ ở Tân Uyên thuộc Đảng bộ Biên Hòa và 2 chi bộ ở Dầu Tiếng và Dĩ An thuộc Đảng bộ tỉnh Gia Định. Trong số 13 chi bộ, có 2 chi bộ hoạt động trong công nhân, 2 chi bộ hoạt động trong thợ thủ công, 9 chi bộ hoạt động trong nông dân và nhân dân lao động, phần lớn tập trung ở phía nam, chỉ có 1 chi bộ ở phía bắc, chưa có cơ sở Đảng trong vùng đồng bào dân tộc.

Nhìn chung, trong cao trào đấu tranh dân chủ 1936-1939, Đảng bộ Thủ Dầu Một đã trưởng thành nhanh chóng về các mặt tư tưởng, tổ chức và phương thức hoạt động, kết hợp giữa đấu tranh hợp pháp và đấu tranh không hợp pháp, không đơn thuần đấu tranh hợp pháp, không thủ tiêu hoạt động bí mật, trong lãnh đạo đấu tranh đã quán triệt quan điểm toàn diện, giữ được mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa phong trào ở thị xã, thị trấn với phong trào ở nông thôn, lấy thị xã, thị trấn và vùng công nhân làm trọng điểm nhưng vẫn quan tâm đến việc xây dựng và phát động đấu tranh ở vùng nông thôn. Giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã góp phần xứng đáng vào phong trào chung của cả nước. (Còn tiếp)

P.V (tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên