Nhọc nhằn với “xe dù”

Cập nhật: 29-01-2011 | 00:00:00

(BDO) Theo dự báo của ngành chức năng tỉnh Bình Dương, Tết này có khoảng gần 500.000 công nhân, lao động ngoài tỉnh đổ về quê. Do nhu cầu đi xe khách tăng đột biến vào những ngày cận Tết, nạn xe dù “bến cóc” được dịp tung hoành càng làm cho đường về quê của những công nhân thêm phần gian nan.

Xe dù, bến cóc trước cổng khu công nghiệp Sóng Thần 2 (Bình Dương)

Ngay từ sáng sớm trên quốc lộ 13, chúng tôi gặp chị Đinh Thị Xuân (quê Hà Nam) là công nhân công ty Shyang Hung Cheng (Cụm công nghiệp An Thạnh, Thuận An) đang chờ đón xe khách về quê. Mặc dù đã rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay chị Xuân xin nghỉ sớm mấy ngày để về quê để đi tàu xe đỡ vất vả. Thế nhưng cũng không tránh khỏi những phiền phức bởi vì chị mua vé xe ở ngay chủ nhà trọ bán hộ vé xe cho đại lý, do vậy người chủ nhà trọ chịu trách nhiệm sắp xếp xe cho khách. Mất ngày đầu, chị Xuân cho biết chủ đại lý giới thiệu cho chị một chiếc xe Bắc – Nam trông rất cũ kỹ, vậy mà nhà xe vẫn hét giá 500 ngàn đồng từ Bình Dương về đến Hà Nam. Do vậy, chờ đến hôm nay chị Xuân bắt xe khác để về, trò chuyện với chúng tôi chị Xuân nói: “Mỗi lần về quê, đi xe khách mà phát sợ, cầu mong làm sao về đến quê an toàn là tốt rồi”. Chị Xuân kể lại thời điểm Tết năm ngoái, do quá cận ngày Tết khi về miễn sao có xe chứ chẳng nghĩ gì đến chất lượng hay mua vé ở đâu. Nào ngờ đi từ 4 giờ sáng đến 11 giờ trưa chiếc xe vẫn quanh quẩn ở Đồng Nai (đoạn ngã tư Dầu Giây), bực bội vì nhà xe chạy lòng vòng câu giờ, nhiều hành khách điện thoại phản đối với chủ đại lý còn bị họ dọa nạt: “Không đi thì xuống xe”.

Một công nhân có kinh nghiệm đi xe dù về Bắc nhiều năm cho biết đi những chuyến xe như vậy thường phải qua nhiều chặng mới về được đến nhà vì nhà xe phải sang xe, dồn đủ khách mới cho xe chạy. Nếu không, xe cứ chạy lòng vòng hết điểm này đến điểm khác. Cùng cảnh khổ, đã gần 16 giờ chiều, anh Phan Công Tú (công nhân xây dựng, quê Phú Yên) đang đứng đón xe cùng với hàng chục công nhân khác trên đường ĐT743 An Phú, Thuận An (Bình Dương) tâm sự: “Bây giờ tụi em phải bắt xe buýt xuống Suối Tiên, sau đó mới bắt xe về quê. Trường hợp không có xe thì đành phải nằm ở lề đường chờ đến hôm sau”. Còn chị Nguyễn Thị Thư (quê Thanh Hóa) thì than thở: “Lúc mới bước lên xe thấy bác tài, phụ xe lịch sự nói ngọt như mía lùi. Vậy mà chỉ sau khi thu tiền xong là mấy ông nhét mình ngồi vào xó xỉnh nào đó rồi còn trợn mắt la mắng”.

Trao đổi với chúng tôi, một chủ đại lý vé xe cho biết hiện nay một số đại lý đã không bán vé xe đi các tỉnh như Hà Nam, Hà Nội… mà chỉ bán các tuyến Hải Phòng, Nam Định, Phú Thọ. Giải thích nguyên nhân, chủ đại lý vé xe nói nếu đi Hà Nam, Hà Nội thì có quá nhiều các hãng xe chất lượng cao, trong khi đó đại lý vé xe đa số bán cho xe tư nhân nên cạnh tranh không lại. Mặt khác, đại lý vé xe làm như vậy chủ yếu muốn khách phải mua vé trọn tuyến với giá cao hơn giá xe đi các tỉnh nói trên để kiếm thêm lợi nhuận.

Bình Dương hiện có gần 700.000 công nhân lao động, trong đó trên 83% là người ngoài tỉnh, do vậy mỗi dịp tết đến hàng trăm ngàn người về quê ăn tết là một vấn đề nan giải và gây sức ép rất lớn cho việc vận chuyển, mua vé tàu xe cho công nhân. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương đã tổ chức thuê xe để đưa rước công nhân về quê, trong đó có cả Liên đoàn Lao động tỉnh, tuy nhiên thực tế vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu. Điều đó có nghĩa là còn rất nhiều công nhân phải nhọc nhằn đi mua vé chợ đen, đi xe dù, bến cóc để về quê ăn tết, đây là thực trạng mà các ngành chức năng cần quan tâm nhiều hơn để người lao động xa quê an tâm đi lại mỗi khi tết đến xuân về.

ĐỖ TRƯỜNG

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên