Nhộn nhịp đơn hàng đầu năm

Cập nhật: 06-01-2020 | 08:33:02

Năm 2019, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như dệt may, gỗ, gốm sứ... duy trì mức tăng trưởng khá. Năm 2020, tuy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (DN) nhưng cộng đồng DN trong tỉnh vẫn tin tưởng và lạc quan tiếp tục tăng trưởng khá, ổn định trong năm mới.

Sản xuất gốm tại Công ty Phước Dũ Long. Ảnh: PHÙNG HIẾU

Nhiều DN tăng tốc theo đơn hàng

Không khí sản xuất những ngày đầu năm mới 2020 tại Công ty Gốm sứ Cường Phát rất nhộn nhịp. Năm nay, công ty có lượng đơn hàng nhiều ngay từ đầu năm. Ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc công ty, cho biết năm 2019 gốm sứ tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao, khoảng 15%, đơn hàng dồn vào những tháng cuối năm và quý I - 2020. Theo ông, thị trường xuất khẩu gốm sứ đang được mở rộng tại một số nước Trung Đông và Đông Nam Á. Các DN gốm sứ trong tỉnh an tâm đầu ra sản phẩm cho cả năm.

Tại Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long cũng đang tập trung sản xuất để giao nhiều đơn hàng ngay từ đầu năm. Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc công ty, phấn khởi cho hay, quý I năm nay đơn hàng từ thị trường Mỹ tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Đây là thời điểm công ty tăng tốc và liên tục tổ chức tăng ca để đáp ứng đơn hàng. Hiện nay, dòng gốm sân vườn, trang trí resort, khách sạn công ty sản xuất đang được thị trường Mỹ tin dùng.

Ông Phan Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Bình Dương, nhận định áp lực cạnh tranh ngày một lớn hơn đòi hỏi bản thân các DN phải có sự điều chỉnh trong công tác điều hành, quản lý. Vấn đề các DN dệt may quan tâm hiện nay chính là phải nhanh chóng tăng năng suất lao động. Ưu thế tiền lương người lao động tại Việt Nam rẻ sẽ không còn, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành dệt may, nguồn nhân lực cũng là mối lo của các DN.

Theo nhiều DN dệt may, cạnh tranh nguồn nhân lực đang diễn ra trong nội bộ các DN ngành dệt may và các ngành nghề khác. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc gây ảnh hưởng nhiều đến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, đem lại những thời cơ và cả những thách thức lớn cho cộng đồng DN trong nước.

Chú trọng đưa khoa học - công nghệ mới vào sản xuất

Trên lĩnh vực sản xuất gốm, Công ty TNHH Minh Long I luôn được coi là đơn vị đi đầu trong việc đổi mới sáng tạo, áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào trong sản xuất. Theo bà Dương Thị Tú Trinh, Giám đốc Công ty Máy chế biến gỗ Thượng Nguyên (TX.Dĩ An), để đứng vững và mở rộng thị trường xuất khẩu công ty đã mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc công nghệ sản xuất hiện đại, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Đầu tư máy móc công nghệ giúp công ty nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu lao động chân tay… từ đó tạo ra nhiều sản phẩm có kết cấu, mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng khó tính của thị trường, nhất là đối với mặt hàng cao cấp.

Việc DN mạnh dạn đầu tư máy móc công nghệ hiện đại là điều rất đáng mừng, bởi các DN đều hiểu rõ tầm quan trọng của vai trò đổi mới công nghệ và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Gỗ Lâm Việt, cho hay ngành gỗ có những lợi thế nhất định trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc do Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về giá trị xuất khẩu gỗ, cho dù trong thời gian qua có khá nhiều DN từ Trung Quốc vào Bình Dương hoạt động.

Theo ông Liêm, việc vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào ngành gỗ Bình Dương là chuyện hết sức bình thường, DN nội địa không sợ cạnh tranh bởi mỗi DN đều là một thành viên trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều đáng mừng là ngành gỗ Bình Dương nói riêng và ngành gỗ cả nước nói chung đã liên kết để hình thành chuỗi liên kết trong ngành gỗ từ khâu nguyên liệu, sản xuất tới đầu ra cho sản phẩm gỗ. Thời gian qua, mức tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành gỗ khoảng 18%. Muốn ngành gỗ có sự đột phá đòi hỏi rất nhiều yếu tố như nguồn nhân lực, nguyên liệu, đa dạng hóa của thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh những yếu tố khách quan, các chuyên gia kinh tế cho rằng để phát triển ổn định trên thị trường hiện nay và trong thời gian tới, DN cần nâng cao năng suất lao động; trong tăng trưởng cần được dựa nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo và công nghệ, thay vì các yếu tố sẵn có như lao động, tài nguyên thiên nhiên.

 Năm 2019, ngành dệt may của tỉnh đóng góp gần 4 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm qua, ngành dệt may đã trải qua một năm đầy biến động do ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ - Trung Quốc. Mặc dù vậy, ghi nhận cho thấy hiện nhiều DN dệt may trên địa bàn tỉnh đã có đơn hàng tới tận quý III - 2020.

PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên