Những bà mẹ kiên trung

Cập nhật: 26-01-2015 | 08:56:14

Trong kháng chiến, mẹ Đỗ Thị Đẻo và Trần Thị Cớ đã hiến dâng những người thân yêu của mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Để đền đáp công lao to lớn ấy, hai mẹ vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Biến đau thương thành hành động

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà tình nghĩa nằm ven con đường huyết mạch nối Vĩnh Tân với Nhà Đỏ, Cổng Xanh, mẹ ĐỗThị Đẻo cười và thuật lại, mẹ sinh năm 1930, tại Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên, có 9 người con (5 trai, 4 gái), nhưng cả 5 người con của mẹ đều không còn, trong đó có 2 anh là Trần Văn Xự và Trần Văn Liêu đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc khi tuổi còn rất trẻ.

Mẹ tự hào kể: “Trần Văn Xự là đứa con thứ 2 trong gia đình, từ nhỏ đã học rất giỏi. Khi học gần xong bậc tú tài, Xự bỏ học đi theo bạn bè vào chiến khu. Nghe anh em đi cùng kể lại thằng Xự học cao, thông minh, nhưng sống rất hòa đồng, lại dũng cảm hơn người, thường nhận phần việc khó về mình nên được đồng đội quý, tổ chức tin tưởng, đề bạt làm trung đội trưởng”. Mẹ ngước lên bàn thờ nhìn tấm bằng Tổ quốc ghi công rồi nói: “Lần gặp cuối với thằng Xự vào ít giờ trước giao thừa Tết Mậu Thân 1968, gia đình chưa kịp hàn huyên, trò chuyện thì nó phải lên đường chuẩn bị cho trận đánh quyết liệt của bộ đội ta tấn công đồng loạt vào các đô thị, thành phố. Nghe anh em kể lại, trận đó thằng Xự cùng đồng đội đánh thành Xăng Đá, địch chết nhiều. Chúng phải dùng máy bay ném bom hủy diệt, vùi lấp mất xác thằng Xự và nhiều chiến sĩ cách mạng. Hôm đó là mùng 3 tết…” .

Chờ bà nội qua cơn xúc động, anh Trần Thanh Tâm, tiếp lời: “5 tháng sau, bà nội lại đón nhận thêm một hung tin khi bác ba là ông Trần Văn Liêu lại tiếp tục hy sinh trên chiến trường. Nghe ông nội (Trần Văn Xê, SN 1921, mất năm 2009, được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng I, Huy chương Chiến sĩ chiến khu Đ) kể tiếp, bác ba Liêu 17 tuổi đã thoát ly gia đình vào rừng làm cách mạng. “Anh em cùng trang lứa ai cũng lên đường cầm súng chống giặc vì quê hương đất nước thì con làm sao mà ở nhà cho đành”. Nói thế, đến sáng hôm sau, bác ba Liêu đã trốn nhà vào rừng và 7 tháng sau, bác ấy hy sinh” .

Mẹ tiếp lời: “Sau này nghe kể lại, trận ấy thằng Liêu cùng với đồng đội chặn đánh đoàn xe tăng của Mỹ đang bố ráp, bắn giết đồng bào, cách mạng ở khu vực trảng cỏ Thanh An, Dầu Tiếng. Bị lộ, nó anh dũng chiến đấu, gây nhiều thương vong giặc Mỹ cho đến khi ngã xuống do trúng đạn M79 của kẻ thù. Đồng đội phá vòng vây, mang xác về cho cơ sở mật dùng xe bò chở về đình An Hòa. Nửa đêm, chồng mẹ và đứa con trai thứ 5, lựa lúc lính kín sơ hở, cùng với cơ sở đưa xác vào xe phân bò để chở về an táng” .

Nghe chúng tôi hỏi thêm về cuộc đời của mẹ, anh Trần Thanh Tâm, cho biết: “Bà nội không muốn nói về mình, chứ theo lời ông nội, cha (Trần Thanh Long, cũng thoát ly đi cách mạng, sau năm 1975 làm cán bộ công an TX.TDM) và các bác, các cô kể lại thì bà nội là giao liên mật, chuyên đến nhận tin tức từ các hòm thư chết, dùng keo chao vùi trong đống than mà bà gánh đi bán, để liên lạc với các cơ sở mật. Một lần, bà bị giặc bắt tra tấn đủ thứ đòn roi, kể cả đổ nước xà bông vào miệng, trấn nước nhưng bà vẫn không hé răng nửa lời về hoạt động bí mật của các bác, của cơ sở mật và bộ đội trong vùng”.

Nở nụ cười đôn hậu, mẹ nói: “Đánh đập tra tấn đã đời, không có chứng cứ, địch phải thả mẹ về. Bây giờ, mấy đòn tra tấn đó vẫn còn hành hạ mẹ khi nửa đêm về sáng, nhưng không bằng nỗi nhớ về 2 đứa con đã anh dũng hy sinh” .

Một lòng hướng theo cách mạng

Chồng con đi làm cách mạng và hy sinh, mẹ cũng theo chí lớn của chồng và con tham gia làm công tác mật, tiếp tế nuôi quân mong một ngày quê hương giải phóng.

Mẹ Trần Thị Cớ, sinh năm 1930, hiện đang sống tại khu phố 6, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng. Chồng mẹ là ông Phùng Văn Dẫu (SN 1925) là cán bộ huyện hy sinh năm 1972. Mẹ nhớ lại cái ngày mẹ hay tin chồng hy sinh là ngày mẹ cùng con gái đang đi làm mướn, phát rừng chồi bỗng có người đến báo tin chồng mẹ đã hy sinh. Nghe hung tin, mẹ bỏ về. Bọn lính thấy mẹ về liền hỏi: Tại sao bà đang làm lại bỏ về? Mẹ lấy lý do con gái bị đau phải về kiếm thuốc cho con uống. Chồng mẹ hy sinh cách nhà chỉ 3 - 4km mà không nhìn được xác, lòng mẹ đau đớn biết chừng nào.

Mẹ còn có 2 người con tham gia cách mạng. Đó là người con gái thứ hai Phùng Thị Ảnh (SN 1951) tham gia cách mạng năm 1967 và người con trai thứ ba là anh Phùng Văn Đức (SN 1954). Nhà mẹ ở ấp 6 Suối Dứa, xã Định Thành. Chỉ cách cầu Suối Dứa chừng vài trăm mét, nơi mà phía bên đây cầu là vùng của bộ đội ta và phía bên kia là vùng chiếm đóng của lính ngụy. Ở giữa vùng ranh giới đó, anh Phùng Văn Đức đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 16 tuổi, anh Đức đã đặt mìn đánh được chiếc xe Jeep làm chết 2 tên lính ngụy ngay tại ấp nhà mình là ấp 6 Suối Dứa, sau đó, anh liền thoát ly gia đình theo cách mạng, đó là vào năm 1970. Chỉ 1 năm sau, năm 1971 trong một trận đánh ở huyện Bến Cát, anh Đức đã xung phong vào khiêng xác đồng đội, đến người thứ hai thì anh trúng đạn bị thương nặng. Anh đã hy sinh trên đường tải thương.

Từ hồi còn con gái mẹ là người dạn dĩ, gan dạ đã tham gia đi tải thương tải đạn, gánh bánh trái cho bộ đội. Mẹ tiếp tế từng hạt cơm, cái bánh, mắm muối cho bộ đội trong rừng. Đến lúc có chồng con, khi chồng con thoát ly gia đình tham gia cách mạng và hy sinh, mẹ ở nhà vừa làm ruộng vừa tiếp tục chí lớn của chồng con làm công tác mật, nối liên lạc tin tức giữa cán bộ cách mạng ở trong rừng với các gia đình cách mạng sống trong lòng địch. Việc làm của mẹ và chồng con mẹ không tránh khỏi sự nghi ngờ của địch, nên năm 1971, mẹ bị địch bắt và đánh đập nhưng với sự khôn khéo và gan dạ của mẹ, bọn địch không khai thác được gì nên mấy tháng sau phải trả tự do cho mẹ

Mẹ tâm sự, cuộc đời mẹ chỉ một lòng hướng theo cách mạng, việc gì có ích cho cách mạng thì mẹ làm, không làm nhiều thì làm ít chứ chồng con mình đi cách mạng mà mình không làm sao được. Với tâm niệm như vậy, nên cả đời mẹ đã theo chí lớn của chồng con nhiệt tình tham gia làm công tác mật và tiếp tế nuôi quân. Mẹ rất tự hào vì chồng con đã chọn con đường cách mạng. “Niềm mong mỏi lớn nhất của mẹ là quê hương được giải phóng giờ đã thành sự thực. Đóng góp cho hòa bình trên mảnh đất quê hương có một phần xương máu của chồng con. Và giờ đây, khi tuổi đã xế chiều, mẹ cảm thấy ấm lòng vì sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tình cảm trân trọng mà mọi người dành cho gia đình”, mẹ vui mừng cho biết.

 

 CHÍ THANH - ĐỨC LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên