Những biện pháp phòng bệnh tay - chân – miệng

Cập nhật: 16-09-2011 | 00:00:00

Hội LHPN tỉnh vừa phối hợp với nhãn hàng Hapacol thuộc Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang tổ chức Hội thảo “Phòng ngừa và xử trí bệnh tay - chân - miệng (TCM)”. Tại đây, có rất nhiều câu hỏi xoay quanh bệnh TCM đã được Thạc sĩ (Th.s), bác sĩ (BS) Đinh Thạc, chuyên viên tham vấn nhi khoa Bệnh viện Nhi đồng 1 và BS Quách Hoàng Mỹ, Trưởng Khoa kiểm soát dịch bệnh và Vắc-xin thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh giải đáp. Báo Bình Dương xin lược ghi một số câu hỏi được quan tâm nhất. Th.s, BS Đinh Thạc và BS Quách Hoàng Mỹ giải đáp thắc mắc xoay quanh bệnh TCM

- Lứa tuổi nào dễ mắc bệnh TCM nhất?

- Th.s, BS Đinh Thạc: Mọi người đều có thể mắc bệnh nếu tiếp xúc với người bị TCM, nhưng thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi.

- Bệnh TCM có miễn dịch suốt đời không?

- Th.s, BS Đinh Thạc: Bệnh TCM không có miễn dịch suốt đời mà có thể tái phát nhiều lần nếu tiếp xúc với người bị TCM. Nguyên nhân là do bệnh TCM có rất nhiều chủng virus. Người bệnh chỉ miễn dịch với virus này chứ không miễn dịch với virus khác. Vì vậy, cần chú ý phòng bệnh.

- Cách phân biệt bóng nước ở bệnh TCM và một số bệnh tương tự khác?

- Th.s, BS Đinh Thạc: Bóng nước (BN) của bệnh TCM điển hình là những hồng ban nổi gồ lên mặt da, không ngứa, không đau. Vị trí thường gặp là lòng bàn tay, lòng bàn chân. Một số trường hợp có thể thấy BN ở đầu gối, cùi chỏ hoặc mông. Phụ huynh cần phân biệt BN của bệnh TCM với 4 loại bệnh sau: BN ở người mắc bệnh thủy đậu (BN nổi toàn thân và có nhiều kích cỡ khác nhau. BN thường dính thành từng chùm, khi vỡ ra rất ngứa ngáy, khó chịu); BN do nổi mẩn dị ứng (BN nổi thành từng mảng lớn); BN do viêm da dị ứng (ấn vô BN có cảm giác rất đau, cần phải thoa thuốc đề phòng nhiễm trùng); BN do phát ban siêu vi (nổi toàn thân).

- Khi nào bệnh có biểu hiện trở nặng?

- Th.s, BS Đinh Thạc: Các biểu hiện sau đây cho thấy bệnh có thể đã có biến chứng và cần phải đưa đến bệnh viện tái khám ngay: Sốt cao liên tục không hạ được; sốt kéo dài quá 2 ngày; giật mình chới với; run chi hoặc run thân; yếu liệt chi; thở bất thường; ói nhiều; ngủ li bì; co giật; da nổi bông; vã mồ hôi lạnh.

- Trẻ bị bệnh TCM có cử tắm không?

- Th.s, BS Đinh Thạc: Một số phụ huynh nghĩ rằng trẻ mắc bệnh TCM phải kiêng tắm rửa. Thật ra nếu kiêng như vậy sẽ làm cho trẻ khó chịu hơn vì bị ngứa và có thể gây nhiễm trùng da đi kèm. Do đó khi trẻ mắc bệnh, cần phải chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ, cho trẻ mặc thoáng mát, tắm rửa thường xuyên. Riêng về chế độ dinh dưỡng cũng không phải kiêng ăn uống; chỉ đặc biệt chú ý cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, hợp vệ sinh và nhất là không ép trẻ uống các loại nước chua nếu trẻ từ chối vì sẽ làm trẻ đau miệng hơn.

- Biện pháp phòng tránh bệnh TCM?

- Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ: Để chủ động phòng bệnh TCM, điều quan trọng nhất cần phải tập thói quen rửa tay bằng xà phòng cho trẻ cũng như người chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó, thường xuyên lau rửa vật dụng, đồ chơi và khu vực sinh hoạt của trẻ bằng các dung dịch khử khuẩn. Có thể dùng Cloramine B, nước javel pha đúng liều lượng hướng dẫn. Đồng thời cần thực hiện ăn chín uống sôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm bởi không chỉ giúp phòng bệnh TCM mà còn giúp tránh được các bệnh truyền nhiễm khác.

- Có được giặt chung quần áo trẻ bị bệnh TCM với người khác không?

- Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ: Tốt nhất là giặt riêng, phơi riêng quần áo của trẻ bị mắc TCM để cắt đường lây truyền của virus.

Thu Thảo (lược ghi)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=265
Quay lên trên