Những bông hoa điển hình ở trường nghề

Cập nhật: 22-11-2010 | 00:00:00

Tạo môi trường thân thiện

Là giáo viên (GV) dạy môn tiếng Anh tại trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore, nhiều năm qua, cô Lý Tú Thanh (SN 1980) luôn để lại ấn tượng khó phai đối với HS. Sau bao năm đứng lớp, cô tâm sự: “Ở các trường nghề, việc dạy và học ngoại ngữ gặp nhiều khó khăn do trình độ tiếng Anh giữa HS chênh lệch rất nhiều. Thậm chí có một số em chưa biết môn tiếng Anh, mặt khác các em HS ít có điều kiện, môi trường giao tiếp bằng ngoại ngữ, thời gian sử dụng tiếng Việt của HS chiếm hầu hết thời gian học tập, sinh hoạt hàng ngày. Hơn nữa, điều kiện phục vụ cho việc dạy và học còn thiếu thốn như hệ thống băng hình, băng tiếng, giáo vụ trực quan. Tuy khó khăn nhưng bằng nghiệp vụ sư phạm và kinh nghiệm vốn có của mình, tôi luôn tìm cách truyền đạt bài giảng một cách sinh động thu hút các em học để hạn chế sự chán nản ở HS”. Để tiết giảng có sức cuốn hút HS, ngoài những bài tập thực hành được biên soạn theo sách giáo khoa, cô Thanh còn lồng ghép các hình ảnh đẹp, những câu chuyện, tình huống giao tiếp vui nhộn, gần gũi, phù hợp với lứa tuổi các em để làm cho giờ học thêm sống động, lôi cuốn, giúp HS tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh tránh khỏi tình trạng căng thẳng, nhàm chán.

  Thầy Hưng (bìa trái) hướng dẫn học sinh tháo ráp máy phay tại xưởng bảo dưỡngTrường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore với nhiệm vụ đào tạo các bậc học cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nhằm cung cấp lực lượng nhân lực kỹ thuật cho tỉnh Bình Dương, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện dại hóa. Do vậy, trong công tác giảng dạy cô Thanh luôn nỗ lực phấn đấu và không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ. Nhờ đó trong 2 năm qua, cô đã liên tục đoạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở.

Luôn có những sáng kiến

Năm 2008, thầy Đoàn Lê Trường Nguyên (SN 1985) là GV khoa Công nghệ - Thông tin tại trường Trung cấp Nghề Việt - Hàn. Bằng những nỗ lực phấn đấu của bản thân, vào tháng 2-2010, thầy được phân công là Phó Trưởng khoa Công nghệ - Thông tin. Trong quá trình công tác, thầy Nguyên luôn phối hợp cùng Phòng Đào tạo lên kế hoạch tổ chức, giảng dạy các lớp tin học dành cho thanh niên nông thôn, bộ đội xuất ngũ, lao động trong diện đền bù giải tỏa, quản lý và giảng dạy các lớp học. Áp dụng kiến thức của mình, thầy hoàn thành việc thiết kế, xây dựng trang web của trường, trang web cho Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Bình Dương. Tích cực tham gia thực hiện cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện viết sổ vàng “Làm theo lời Bác”, tham gia sinh hoạt đoàn thể ở cơ quan và địa phương. Theo thầy Nguyên, một số trăn trở của GV dạy nghề: “Khó khăn của các trường nghề khi tuyển sinh là nhận thức về việc học nghề chưa cao, vẫn còn nặng tâm lý “làm thầy hơn làm thợ”. Học nghề là lao động chân tay và chỉ là giải pháp tình thế đối với một số học viên. Có nhiều trường hợp học viên đăng ký học nghề chỉ là để đối phó với trường hợp nghĩa vụ quân sự”. Thầy Nguyên hy vọng với Thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội về việc học trung cấp nghề sẽ được liên thông lên cao đẳng, đại học sẽ giúp cho công tác tuyển sinh của các trường nghề được cải thiện hơn.

Áp dụng phương pháp giảng dạy mới

Căn cứ vào kế hoạch đào tạo của nhà trường và kế hoạch GV của khoa, năm học 2009-2010, mặc dù GV của khoa Bảo dưỡng công nghiệp của trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore còn thiếu nhưng thầy Mai Quốc Hưng (SN 1973) cũng như đồng nghiệp trong khoa luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, đầu tư soạn giảng, áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, sử dụng thiết bị trình chiếu để nâng cao chất lượng giảng dạy. Chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng của HS trong thực hành, bảo đảm an toàn cho người và thiết bị. Với những cố gắng của bản thân, trong năm qua thầy giảng dạy theo sự phân công và hoàn thành tốt công việc và nhiệm vụ được giao. Thầy Hưng tham gia Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm tỉnh Bình Dương 2010 và đoạt giải ba. Thầy còn tham gia sửa chữa các máy móc thiết bị dạy nghề bị hư và cải tiến các thiết bị dạy nghề khác. Tích cực hỗ trợ chuyên môn cho trưởng khoa trong các lĩnh vực chuyên môn. Theo quan điểm thầy Hưng: “GV dạy nghề phải vững về lý thuyết và giỏi về thực hành. Cơ sở vật chất phải đáp ứng được nội dung đào tạo. Học viên phải được chọn lọc phù hợp với ngành nghề đào tạo tránh chạy theo số lượng và thành tích”. Làm thế nào để đào tạo ra được những công nhân lành nghề đủ năng lực về chuyên môn và ngoại ngữ đáp ứng được nhu cầu của xã hội? Thầy Hưng cho biết: “Đội ngũ GV dạy nghề cần được chuẩn hóa về trình độ, kỹ năng thực hành. Thu hút được những người giỏi, chuyên gia, nghệ nhân giỏi tham gia đào tạo. Làm thế nào để GV sống được bằng chính nghề nghiệp của mình và luôn được đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn theo kịp với sự phát triển của khu vực và thế giới”. Qua đó, thầy Hưng cũng mong muốn: Nhà nước cần có chính sách đào tạo, thu hút những người giỏi, chuyên gia, nghệ nhân giỏi tham gia giảng dạy vì muốn có học trò giỏi trước hết phải có thầy giỏi. Có chính sách khuyến khích học nghề phù hợp để tránh tình trạng thừa thầy thiếu thợ.

Giảng dạy đơn giản, dễ hiểu

Sau khi tốt nghiệp loại giỏi tại trường Công nhân Kỹ thuật Bình Dương (nay là trường Trung cấp Nghề Bình Dương), thầy Hoàng Văn Thắng được giữ lại làm hướng dẫn viên thực hành. Trong thời gian công tác, thầy luôn phấn đấu học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, vững về lý thuyết, giỏi về tay nghề, truyền đạt lại những kiến thức kỹ thuật của người thợ cho thế hệ đàn em. Thầy Thắng tâm sự: Với sự nỗ lực của bản thân và sự quan tâm của nhà trường tạo điều kiện cho thầy có điều kiện học tập để nâng cao trình độ. Năm 2008, thầy đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành tin học. Không dừng lại, đến tháng 8-2010, thầy Thắng thi đậu lớp sau đại học trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Trong công việc chuyên môn, thầy Thắng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với năng lực của mình, vào tháng 5-2010, thầy được bổ nhiệm là Phó khoa Tin học. Thầy lên kế hoạch, tiến độ đào tạo, sắp xếp thời khóa biểu, mời giáo viên thỉnh giảng cho các lớp quản trị mạng. Ngoài ra, thầy còn trực tiếp dạy một số môn như: Tin học văn phòng, Internet, an toàn mạng máy tính, mạng máy tính. Trước khi lên lớp, thầy Thắng chuẩn bị giáo án, giáo trình đầy đủ, chuẩn bị bài và các slide trình chiếu... để giờ học thêm sinh động. Trong khi giảng, nội dung bài giảng luôn được thầy chuẩn bị đầy đủ và phù hợp với yêu cầu đào tạo chương trình. Phương pháp giảng dạy đơn giản, dễ hiểu, luôn xem xét các phương pháp giảng dạy nhằm tìm ra phương án tối ưu sao cho HS tiếp thu tốt nhất. Phương án mà thầy sử dụng là giảng giải kết hợp với hỏi, đáp nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của HS.

TƯỜNG VY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X