Những câu chuyện từ hơn nửa thế kỷ câm lặng

Cập nhật: 12-07-2011 | 00:00:00

Một ấn phẩm mới đây có nhan đề "Sexual Violence against Jewish Women during the Holocaust" (tạm dịch: Phụ nữ Do Thái và bạo lực tình dục trong thảm họa diệt chủng Holocaust) đã trở thành tâm điểm khi tiết lộ những bí mật kinh hoàng trong suốt một thời kỳ đen tối của lịch sử nhân loại. Khi mọi chuyện dần được hé lộ, ngay cả những người tự cho mình là đã "hiểu hết" về thảm họa Holocaust cũng phải giật mình.

  Nava Semel đọc cuốn sách của mình về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em.

Từ những tranh cãi ban đầu…

Holocaust là tên gọi của cuộc tàn sát chủng tộc xảy ra trong Thế chiến thứ hai, được dọn đường bởi các cuộc hành quyết Kristallnacht ngày 8-11-1938 và ngày 9-11-1938 cũng như Chương trình Hành động T-4 (Action T-4), dẫn đến việc sử dụng các toán hành quyết và các trại tập trung quy mô lớn nhằm sát hại những người thuộc các chủng tộc mà Adolf Hitler cùng đồng minh muốn tận diệt. Dân Do Thái chiếm thành phần lớn nhất trong số các nạn nhân của cuộc thảm sát mà Đức Quốc xã gọi là "Giải pháp tối hậu cho vấn đề Do Thái".

Con số ước tính được nhiều người chấp nhận nhất là xấp xỉ 6 triệu nhân mạng, trong khi theo ước tính của một số sử gia, những ghi nhận của chế độ Quốc xã và các nguồn khác, con số này là từ 5 - 7 triệu nếu chỉ giới hạn trong cuộc tàn sát diệt chủng nhắm vào người Do Thái. Nhưng nếu tính cả những nhóm thiểu số, tổng số nạn nhân  lên tới 15 triệu người.

Với tất cả những gì được lưu lại và đem ra bàn luận, người ta tự hỏi trong số những phương thức tàn độc được sử dụng "tiêu diệt" sinh mạng con người mà phụ nữ Do Thái là một đích ngắm, lính Đức quốc xã có "ngẫu nhiên" cưỡng bức các nạn nhân và bỏ mặc họ cho tới chết, hay đó là một phần kế hoạch diệt chủng được vạch sẵn trên giấy tờ.

Lawrence Langer, một học giả ưu tú nghiên cứu về Holocaust, nhận định:  "Tôi không hề hoài nghi về việc phụ nữ đã bị xâm hại, tuy nhiên, nếu muốn coi đó là hành vi "đáng kể" trong lịch sử của cả thảm họa, số nạn nhân đáng lẽ ra phải rất lớn, hàng ngàn thậm chí hàng chục ngàn người. Ấy vậy mà những gì chúng ta có bây giờ thực sự quá ít, và sẽ chẳng bao giờ chúng ta biết được mọi chuyện diễn ra như thế nào". Trên thực tế, đây là chủ đề không mấy được chú ý, hoặc theo chiều ngược lại.

Thậm chí nhiều học giả lo sợ một khi câu chuyện bị phơi bày, tính mạng của những người còn sống sẽ bị đe dọa. "Cứ cho rằng bạo lực tình dục thực sự tồn tại", dẫn lời nhà văn Myrna Goldenberg, "phụ nữ bị tra tấn và xâm hại, thế thì tại sao không một ai dám lên tiếng khẳng định và đứng ra làm chứng?".

Suốt 25 năm, trải qua nhiều cuộc phỏng vấn những người còn sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust, Lawrence Langer chưa hề nhận được một câu trả lời nào đề cập tới xâm hại tình dục. Nhưng theo lý giải của ông, thực chất những nhà chứa ở các trại lính là nơi "mua vui" của binh lính, hoàn toàn do gái mại dâm làm chủ. Cái gọi là bạo hành rồi "chôn xác" tại nghĩa địa đơn thuần chỉ là do những tù nhân nữ bị lây nhiễm các bệnh dịch nguy hiểm như thương hàn và lao, khiến mọi người xa lánh và từ đó họ bị cô lập tới chết. Langer đã mất 5 năm lục tìm tài liệu tại kho lưu trữ hồ sơ về vụ Holocaust tại Đại học Yale nhưng không phát hiện thấy dấu hiệu nào khả quan.

Chuyên gia Lenore Weitzman ước tính "chưa tới 1% số phụ nữ Do Thái bị Đức Quốc xã bắt" bị lạm dụng tình dục. Bà cho rằng nguồn gốc của sự lo lắng tưởng như "rất có căn cứ" này thực chất đang biến những nạn nhân còn sống sót trở thành trò đùa và thậm chí bôi nhọ danh dự của chính họ. "Không phải họ không muốn nhắc tới những gì đau thương trong quá khứ, sự thực là họ không muốn bị làm ô nhục bởi những điều chưa từng diễn ra, bất kể với bản thân họ, chị em gái, mẹ và thậm chí con gái của họ".

Nếu giả sử rằng bạo lực tình dục đã trở thành một hành vi phổ biến trong giai đoạn Holocaust tồn tại, và tới ngày nay khi người ta đem nó ra "mổ xẻ". Hãy nói rằng trong số 6 triệu người là nạn nhân của thảm họa diệt chủng Holocaust, một nửa số đó là phụ nữ. Ngần ấy con người là không đáng kể hay sao? Ấy là chưa tính tới những người còn sống sót. Và có một sự thật khủng khiếp là thời điểm những vụ cưỡng hiếp diễn ra chưa hề được báo cáo. Người ta hoài nghi con số chính xác đằng sau nó phải lớn hơn thế rất nhiều.

... đến những lý giải và bằng chứng được hé lộ

Tại sao trong 25 năm phỏng vấn các nạn nhân còn sống sót, Langer luôn nhận được một câu trả lời duy nhất là "chúng tôi vẫn bình an vô sự"? Có đủ lý do người ta đặt ra để bao biện cho nó.

Nền văn hóa Do Thái luôn nhìn nhận danh dự của con người rất hà khắc. Đối với phụ nữ, việc bị xâm hại tình dục là một nỗi ô nhục rất lớn của cả gia đình, do đó họ sẽ bị ghét bỏ, thậm chí "tẩy chay". Đa số những nạn nhân của loại bạo lực này đều không muốn chia sẻ câu chuyện đời tư của mình, trái lại, họ cố tìm cách quên đi, nhưng vẫn mang trong mình mặc cảm tội lỗi về danh dự và nhân phẩm.

Đa số những người thực hiện phỏng vấn các nạn nhân còn sống sót trong khoảng 40 năm đầu sau chiến tranh là nam giới, nên rõ ràng họ thường không chú tâm tới những câu hỏi liên quan tới xâm hại tình dục. Tuy nhiên, kể từ sau những vụ cưỡng bức hàng loạt tại cuộc chiến Bosnia đầu những năm 90 được công khai, một số nạn nhân bắt đầu lên tiếng chia sẻ những câu chuyện của riêng mình nhưng còn rất hạn chế và bản thân họ phải trốn tránh chính người chồng của mình.

Cùng lúc ấy, nhiều bản thảo viết tay lần lượt được tìm ra, ghi lại chi tiết những hành động của lính Đức Quốc xã đã thực hiện với người Do Thái, bao gồm cả những câu chuyện về những người phụ nữ bị ép buộc phải nhảy múa khỏa thân trước khi bị tra tấn, và cưỡng bức tới chết. Lính phát xít thực hiện kế hoạch đột nhập nhà dân và thực hiện hành vi dã man ngay trước sự chứng kiến của chính cha mẹ, thậm chí chồng con nạn nhân. Những bãi đất chôn cất quy mô lớn được dựng lên, là nơi tập trung thi thể của những người phụ nữ bị bức tử với thân xác bị hủy hoại.

Trên 52.000 thước phim tư liệu cùng 1.700 bản khai được tập hợp dưới sự giúp đỡ của Trường đại học Bắc California được dịch sang 32 thứ tiếng trên khắp 56 quốc gia cung cấp những bằng chứng sống động nhất về những gì còn đang giấu kín phía sau thảm họa diệt chủng Holocaust. Crispin Brooks, phụ trách kho tư liệu cho biết, các vụ cưỡng bức xảy ra rất nhiều và dường như ở khắp mọi nơi: 265 vụ tại các trại lính, 272 vụ tại các trại tập trung...

Một nhân chứng kể lại cảnh một phụ nữ đang mang thai bị lạm dụng trong sự phấn khích, hò reo của những người xung quanh trước khi xác bị ném lên một chiếc xe bò và biến mất ngay sau đó. Nhân chứng khác từng chứng kiến chính em họ của mình bị lính đưa đi, và rồi khi trở về từ trại tập trung, cô gái ấy toàn thân nhuốm máu, với một phần ngực bị cắt bỏ và trở nên câm lặng, giữ lại một bí mật đau đớn không bao giờ có thể nói ra.

"Tôi biết thảm kịch Holocaust đã trở  thành một phần trong cuộc sống của cả bố mẹ tôi, nó vẫn còn hằn sâu trong trí nhớ họ rất nhiều năm qua", Nava Semel, con gái của một nhân chứng còn sống sót kể lại. Cô là một trong số những thế hệ người Do Thái sinh ra và lớn lên trong hòa bình, nhưng chưa từng được nghe kể về Thế chiến thứ hai và những năm trước đó. "Bố mẹ tôi không muốn nói ra tất cả những ký ức kinh hoàng. Họ đang cố gắng bảo vệ chúng tôi trước mối hiểm họa từ chính quá khứ".

Quả thực, bố mẹ Semel chưa từng nhắc lại một sự kiện nào có liên quan tới vụ Holocaust, họ chỉ tập trung vào xây dựng một cuộc sống ở hiện tại và cố quên đi quá khứ. Semel biết được sự thật khi cô phát hiện ra mẹ của mình sống sót nhờ vào một cô gái điếm khác ở trại tập trung. Chính cô gái này sau khi trở thành một quản giáo canh giữ toàn bộ số phụ nữ khác đã cứu sống sinh mạng của họ. Toàn bộ những hồi ức đau buồn của người mẹ được Semel viết thành một tác phẩm mà 40 năm sau chiến tranh, nó vẫn gợi nhắc đến một thời kỳ đen tối của người Do Thái.

Nhân vật chính là những người con đang đấu tranh quyết liệt trong công cuộc khám phá những bí mật còn ẩn sâu trong bức rèm lịch sử. Một cánh cửa mới được hé mở, và chính những người còn sống đã lên tiếng đồng cảm với Semel, họ cảm ơn cô vì đã cho họ một cơ hội để nói lên sự thật. 15 năm sau, khi cuốn sách với nhan đề "And the Rat Laughed" (Tạm dịch: Và khi những kẻ đê tiện cất tiếng cười) được xuất bản, hàng ngàn nạn nhân đã tiết lộ câu chuyện mà Semel kể lại chính là quãng đời mà họ từng trải qua trong suốt Thế chiến thứ 2.

Một cú điện thoại đến vào lúc sáng sớm. Những tiếng nức nở nghẹn ngào trên điện thoại mang tới cho Semel hình dung về cuộc sống bị xâm hại dã man của một nhân chứng khác. Người phụ nữ đó chưa hề chia sẻ câu chuyện với bất kì ai, ngay cả chồng và bác sĩ tâm lý của mình, cô ta luôn cảm thấy dằn vặt và đau đớn. Nhưng bằng sự dũng cảm và nghị lực, cô đã tiết lộ toàn bộ mọi chuyện về bạo lực tình dục và chấp nhận đối mặt với quá khứ đau thương đó khi tâm sự với Semel. “Một khi chúng ta nói lên những điều tưởng chừng như không thể, chúng ta sẽ không còn thấy đơn độc một mình chống chọi với quá khứ, và thậm chí lúc từ giã cõi đời, chúng ta sẽ thấy thực sự bình yên”.

Hơn 20 năm làm việc và nghiên cứu những nhân chứng sau thảm họa diệt chủng Holocaust, Paula David, chuyên gia lão khoa tại Đại  học Toronto cho biết nhiều phụ nữ phải chịu sang chấn tâm lý từ khi còn rất sớm. Bà nhận định họ không còn khả năng sinh nở vì nhiều nguyên nhân "trái với tự nhiên". Đó có thể là một quá khứ khiến họ phải thu mình.

Nhiều nhân chứng mà David từng phỏng vấn lớn lên trong những khu nhà ổ chuột hay vùng xa xôi hẻo lánh, bị cô lập và đầy rẫy những định kiến tôn giáo hà khắc. Cha mẹ họ đã chết trước khi họ đủ lớn để biết về xâm hại tình dục. Một nhân chứng kể lại đã bị cưỡng hiếp nhiều lần mỗi ngày trong suốt 4 năm và phải đấu tranh với lính chiến để tự cứu sống chính mình. Paula David tuyên bố: Một khi họ để cộng đồng biết tới câu chuyện bị chôn vùi hơn nửa thế kỷ qua, từng chi tiết, từng hành động đáng lên án, thì điều đó có nghĩa họ không cần phải e sợ hay cảm thấy áp lực về một phần cuộc đời của mình.

Sẽ vẫn còn nhiều điều bị chôn vùi mãi mãi trong lịch sử, và nạn nhân của bạo lực tình dục sẽ vẫn lặng im trong bóng tối. Nhà tâm lý học người Mỹ Eva Fogelman kêu gọi đã tới lúc những nhân chứng sống của Holocaust lên tiếng, tháo gỡ toàn bộ bí mật 65 năm qua vẫn còn tranh cãi trên giấy mực. "Những phụ nữ từng bị lạm dụng cần được tôn trọng, con người cần thừa nhận những nỗi đau và vết thương họ đã trải qua, và cho họ cơ hội để chữa lành chúng", Fogelman nói.

Trong khi đó, nhiều người khẳng định nói lên sự thật hay tìm lại những bằng chứng về xâm hại tình dục trong thời điểm Holocaust diễn ra không đơn thuần giúp các nạn nhân tìm lại cuộc sống cho mình, mà trên hết, đó là chứng cớ ghi lại những khoảnh khắc kinh hoàng nhất mà chưa một ai biết tới từ Holocaust.

Gloria Steinem, một nhà hoạt động vì phụ nữ nhấn mạnh: "Phải mất hơn 60 năm loài người mới nhận thức được cái gọi là bạo lực tình dục, chỉ khi lần đầu tiên một tác giả công khai viết về nó trong cuốn Phụ nữ Do Thái và bạo lực tình dục trong thảm họa diệt chủng Holocaust. Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta biết rằng hành vi vô nhân tính đó thực sự tồn tại, và có lẽ chúng ta sẽ ngăn chặn được điều tương tự xảy ra ở Congo hay nước Yugoslavia trước đây".

Steinem cũng tham gia một sự kiện giới thiệu sách tại Brooklyn, với nhiều phụ nữ Israel và các nhà hoạt động xã hội vì phụ nữ và các trẻ em gái trên khắp thế giới. Lần đầu tiên, bà được lắng nghe câu chuyện của một phụ nữ Rwanda, công khai với báo chí về câu chuyện từng bị xâm hại tình dục lúc 14 tuổi.

Cùng chung quan điểm với Steinem, Jessica Neuwirth, luật sư vì quyền lợi của phụ nữ hình dung, trong một ngày không xa, những nạn nhân còn lại trong thảm kịch Holocaust sẽ công khai trước LHQ, chia sẻ  toàn bộ những điều còn giữ kín với nhiều thế hệ, những người không cùng tôn giáo, màu da nhưng chung hi vọng tìm lại niềm tin và công bằng cho chính mình. "Chúng ta nói quá nhiều về mọi thứ nhưng không một ai lắng nghe. Giờ đây, chúng ta đang cố gắng tìm cách lắng nghe mọi thứ, nhưng không có ai dám lên tiếng".

Neuwirth sợ rằng đã quá muộn khi những nhân chứng muốn tiết lộ hồi ức của họ đã không còn nữa, trong khi những người còn sống sẽ chẳng bao giờ dám làm điều đó.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên