Cụ thể, luật sửa đổi theo hướng không giới hạn mục đích thế chấp QSDĐ chỉ để vay vốn sản xuất, kinh doanh (điều 167); đồng thời bổ sung quy định về quyền của người SDĐ đối với trường hợp được miễn, giảm tiền SDĐ, tiền thuê đất; quyền của tổ chức kinh tế nhận góp vốn bằng giá trị QSDĐ; quyền tự đầu tư trên đất hoặc cho thuê QSDĐ, góp vốn bằng QSDĐ của hộ gia đình, cá nhân trong trường hợp đất mà họ đang sử dụng thuộc diện thu hồi để đầu tư dự án có mục đích sản xuất, kinh doanh hoặc xây dựng kinh doanh nhà ở; bổ sung quy định về quyền của đồng bào dân tộc thiểu số SDĐ theo chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất của Nhà nước để duy trì quỹ đất đã hỗ trợ nhằm bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất cho đồng bào và mở rộng quyền cho DN có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài (từ điều 182 đến điều 187).
Luật cũng bổ sung quy định cho DN có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị QSDĐ; quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở ngoài được nhận chuyển QSDĐ ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với QSDĐ ở theo quy định hiện hành còn được nhận QSDĐ ở trong các dự án phát triển nhà ở.
Về thủ tục hành chính về đất đai, gồm 3 điều (từ điều 195 đến điều 197 thuộc chương 12), Luật Đất đai năm 2013 cũng nêu rõ các vấn đề chung của thủ tục hành chính về đất đai gồm: các loại thủ tục hành chính về đất đai, việc công khai thủ tục hành chính về đất đai và trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành, UBND các cấp, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục, người SDĐ và những người có liên quan về việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục…
M.H