Những điều cần biết về đột quỵ

Cập nhật: 14-10-2010 | 00:00:00
Đột quỵ, hay tai biến mạch máu não (TBMMN) là tình trạng một phần não bị hư hại đột ngột do mất máu nuôi. Máu mang oxy và chất  dinh dưỡng lên nuôi não. Khi thiếu máu lên não, các tế bào não sẽ ngưng hoạt động và sẽ chết đi trong vài phút. Hậu quả là các vùng cơ thể do phần não đó điều khiển sẽ ngưng hoạt động, dẫn tới yếu liệt, tê mất cảm giác nửa người, không nói được hoặc hôn mê. Nguyên nhân gây thiếu máu nuôi não có thể là tắc hoặc vỡ mạch máu.

Ai dễ bị đột quỵ? Đó là người lớn tuổi; người bị tăng huyết áp (HA); người bệnh tiểu đường; xơ mỡ động mạch; tăng mỡ (cholesterol) trong máu; bệnh tim; hút thuốc lá, nghiện rượu; béo phì, ít vận động...Làm gì khi người thân đột quỵ? Đỡ bệnh nhân (BN) để họ không bị té ngã, chấn thương. Cho BN nằm, nghiêng qua một bên. Nếu BN nôn ói thì móc hết đàm nhớt cho BN dễ thở. Đưa ngay BN đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu bệnh viện gần nhà có đủ điều kiện chữa trị thì không nên chuyển viện đi xa - càng chuyển xa càng có thể làm bệnh nặng hơn. Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ HA hay bất kỳ thuốc nào khác. Không để BN nằm chờ xem có khỏe lại không. Không cạo gió, cắt lể, cúng vái...

Điều trị tăng HA ra sao? Khi chưa bị TBMMN, phải điều trị cao HA tích cực và thường xuyên, liên tục suốt đời. Khi đã bị TBMMN, việc dùng thuốc hạ HA cần thận trọng. Khi TBMMN mới vừa xảy ra, cơ thể phản ứng tăng HA lên để cố gắng đưa máu về nuôi não; nếu dùng thuốc hạ HA mạnh và nhanh quá sẽ làm thiếu máu não nặng hơn. (Do đó, BS chỉ dùng thuốc hạ HA khi HA cao hơn 180/100nnHg - Chỉ dùng các loại thuốc hạ HA từ từ, không dùng thuốc nhỏ dưới lưỡi).

Người nhà có thể phối hợp với bác sĩ để chăm sóc BN lúc ở bệnh viện. Xoay trở, đổi tư thế nằm của BN mỗi giờ để chống loét. Giúp BN làm vệ sinh răng miệng mỗi ngày 2 - 3 lần. Cho ăn theo hướng dẫn để tránh bị sặc, tránh ọc thức ăn: Cho ăn tư thế ngồi (nếu bác sĩ cho phép) hoặc nằm đầu cao 30 độ; dùng muỗng đút từng phần nhỏ thức ăn, đợi BN nhai nuốt được rồi mới cho ăn tiếp. Nếu ăn ống phải để điều dưỡng (y tá) thử ống, cho ăn, cho uống nước và thuốc. Xoa bóp bắp cơ, vận động các khớp tay và chân cho BN để máu lưu thông và tránh cứng khớp, teo cơ. Tập vận động để giúp hồi phục nhanh.

Làm gì sau khi xuất viện? Uống thuốc theo toa. Tái khám đúng hẹn để được điều trị liên tục và điều chỉnh thuốc phù hợp với BN lúc đó. Thảo luận với bác sĩ điều trị lúc xuất viện để chọn nơi tái khám tốt và thuận tiện nhất. Tập vận động tại nhà hoặc tại phòng tập vật lý trị liệu. Cố gắng cho BN tự làm các hoạt động sinh hoạt hàng ngày với sự trợ giúp của thân nhân để có thể hồi phục sớm và sống độc lập. Có thể sửa đổi một số vật dụng để BN dễ sử dụng hơn. Không nên làm thay hoàn toàn cho BN. Cho BN ăn uống theo đúng chế độ được hướng dẫn (ví dụ ăn lạt, cử mỡ với người tăng HA; cử đường, giảm bột với người bệnh tiểu đường). Động viên, khuyến khích BN tập luyện. Theo dõi và điều trị liên tục suốt đời đối với tăng HA, tiểu đường, xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch...

Tránh sai lầm thường mắc là tự ý ngưng điều trị khi thấy trong người khỏe khoắn và cho là đã hết bệnh.

BS. PHẠM VĂN Ý (Trưởng khoa Nội thần kinh BV Chợ Rẫy)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên