Những gia đình cách mạng gương mẫu

Cập nhật: 27-07-2020 | 09:43:54

Trong chiến tranh, họ là những chiến sĩ cách mạng chiến đấu ngoan cường, quyết giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Giờ đây khi đất nước bình yên, họ đã phát huy bản chất của người lính, luôn đi đầu trong các hoạt động địa phương, là những tấm gương điển hình về “người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu”...

 Bà Minh (bìa phải) cho phóng viên xem giấy khen gia đình văn hóa, người công dân kiểu mẫu của các cấp

Chuyện về người công dân kiểu mẫu

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, 17 tuổi, bà Trần Thị Hồng Minh ở phường Phú Chánh thoát ly đi theo cách mạng. 14 năm vào sinh ra tử, bà đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.

Mẹ bà là mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Cộng, đã chiến đấu và hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nối gót mẹ, 2 người chị của bà cũng tham gia kháng chiến. Năm 1961 bà cũng đi theo cách mạng, sau đó người em và một người cháu cũng cầm súng ra trận. Bà nhớ lại, khi còn nhỏ bà nhiều lần chứng kiến cảnh giặc Mỹ càn quét giết hại dân lành, hủy hoại làng xóm, từ đó bà đã nung nấu lòng căm thù giặc, quyết có ngày trả thù cho quê hương. Khi đã trở thành người chiến sĩ cách mạng, bà Minh đã không ngại hy sinh gian khổ, cùng đồng đội chiến đấu oanh liệt trên chiến trường Chiến khu Đ.

2 năm sau bà được tổ chức đưa đi học ngành y, sau đó tiếp tục trở về chiến trường xưa làm nhiệm vụ của người thầy thuốc. Khi đã trở thành y sĩ, mỗi khi trận đánh diễn ra bà cũng ra trận cáng thương binh, đồng thời làm nhiệm vụ cứu chữa cho bộ đội. Chính những lần như vậy, bà Minh không tránh khỏi bom rơi đạn lạc và đã bị thương tật. Dù đã đổ máu ở chiến trường, nhưng khi sức khỏe bình phục, bà Minh vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến ngày đất nước thống nhất.

 Hòa bình lập lại, bà Minh công tác tại Bệnh viện Đồng Nai, sau đó bà nghỉ mất sức. Trở về địa phương, với truyền thống cách mạng của gia đình, bà Minh luôn giáo dục con cháu lý tưởng cách mạng, sống có ích cho xã hội. Hiện tại, bà có một người con là đại tá đang phục vụ trong ngành công an, các con còn lại nối nghiệp bà phục vụ trong ngành y. Tại địa phương, gia đình bà Minh luôn hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào do địa phương phát động, chính vì thế hàng năm gia đình bà đều được công nhận gia đình văn hóa; riêng bản thân bà nhiều năm được công nhận là người công dân kiểu mẫu.

 Ông Chiến và bà Nga kể lại những kỷ niệm chiến đấu với ông Lê Minh Trung, cán bộ lao động - thương binh và xã hội phường Tân Vĩnh Hiệp

Cặp vợ chồng thương binh gương mẫu

Chúng tôi tìm về khu phố Tân An, phường Tân Vĩnh Hiệp thăm gia đình ông Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1941) và bà Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1947). Qua trò chuyện, chúng tôi thật sự cảm động với những kỷ niệm chiến đấu anh dũng của đôi vợ chồng thương binh 4/4 này.

Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Chiến xin nhập ngũ vào đơn vị C7 ở huyện Phước Long. Năm 1964, trong một trận đánh ở Bù Na 1, huyện Phước Long, ông Chiến đã bị thương. Sau 1 năm an dưỡng, ông Chiến được phân làm công tác giao liên. Tuy không còn trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành tốt. Còn bà Nga, nguyên là cán bộ phụ nữ huyện Tân Uyên (nay là TX.Tân Uyên), trong chiến tranh bà Nga làm công tác binh vận tại xã Tân Vĩnh Hiệp (nay là phường Tân Vĩnh Hiệp). Năm 1972, bà Nga và đồng đội bị đột kích trong lúc đang làm nhiệm vụ ở xã Phú Mỹ. Sau thời gian điều trị vết thương, bà Nga tiếp tục tham gia công tác ở xã. Sau ngày giải phóng, bà chuyển về công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện. Với tinh thần quả cảm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cả 2 người đều được Chủ tịch nước khen tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba.

Giờ đây, khi đất nước thanh bình, cả 2 vợ chồng cựu chiến binh gương mẫu này luôn phát huy tốt tinh thần truyền thống cách mạng để truyền lửa cho các con. Những kỷ niệm động viên nhau học tập tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ của ông bà luôn được kể lại để các con có động lực phấn đấu vươn lên trong học tập và trong cuộc sống. Nhờ vậy mà 2 người con của ông bà đều trưởng thành và có cuộc sống ổn định. Chị Nguyễn Thị Cúc, con gái của ông bà là một trong những người tiên phong trong mô hình gia công đan lát sợi nhựa tại địa phương, giúp nhiều hộ gia đình có công ăn việc làm ổn định.

Ông Lê Minh Trung, cán bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phường Tân Vĩnh Hiệp nhận xét, gia đình ông Chiến và bà Nga là một gia đình cách mạng gương mẫu. Hàng năm, gia đình đều thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Nhà nước, tích cực tham gia đóng góp cho các hoạt động phong trào ở địa phương, đạt danh hiệu gia đình văn hóa nhiều năm liền.

 ÁNH SÁNG - MINH HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên