Những giải pháp cơ bản cho lao động Bình Dương

Cập nhật: 28-09-2010 | 00:00:00

Phát triển thị trường lao động

Thực hiện Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2005-2010) về giải quyết việc làm và đào tạo nghề, Bình Dương đã đạt nhiều kết quả khả quan. Hàng năm khoảng 46.500 LĐ được giải quyết việc làm (Nghị quyết 35.000 - 40.000 LĐ); tỷ lệ LĐ qua bồi dưỡng, đào tạo nghề đạt 60% (Nghị quyết đến năm 2010 đạt 45%). Từng bước nâng cao số lượng và chất lượng các cơ sở đào tạo nghề. Định hướng phát triển giai đoạn 2011-2015, phấn đấu hàng năm tạo việc làm mới cho khoảng 44.000 LĐ và đến năm 2015 nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo trên 70%.

 

Đến nay, Bình Dương đã tạo việc làm cho gần 700.000 lao động (LĐ), trong đó hơn 570.000 là LĐ ngoài tỉnh; nhu cầu tuyển dụng LĐ hàng năm ở Bình Dương từ 40.000 - 50.000 LĐ. Tuy nhiên, lực lượng LĐ của tỉnh không đáp ứng đủ nhu cầu LĐ của doanh nghiệp (DN). Vì vậy, việc thu hút LĐ ngoài tỉnh vào làm việc tại Bình Dương là hết sức cần thiết. Để giải quyết nguồn LĐ cho các DN, năm 2007, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc phê duyệt kế hoạch liên kết LĐ với các tỉnh giai đoạn 2007-2010, theo mô hình liên kết “tam giác” giữa DN, trung tâm giới thiệu việc làm và tỉnh bạn để giới thiệu và cung ứng LĐ. Đến nay, đã có 30 tỉnh ký kết hợp đồng cung ứng LĐ với tỉnh Bình Dương. Việc liên kết LĐ với các tỉnh đã được thực hiện có hiệu quả, hàng năm ngoài lực lượng LĐ ngoài tỉnh vào Bình Dương làm việc bằng con đường do người thân giới thiệu, DN trực tiếp đến các tỉnh tuyển dụng, đã có hơn 10.000 LĐ ngoài tỉnh đến Bình Dương làm việc bằng con đường liên kết, góp phần thu hút nguồn LĐ ngoài tỉnh và đáp ứng được nhu cầu LĐ của DN. Trong năm 2008, Bình Dương cũng đã khai trương sàn giao dịch việc làm, tổ chức giao dịch mỗi tháng 1 lần. Sàn giao dịch việc làm tỉnh hoạt động ngày càng hiệu quả, thực sự là cầu nối giữa nhà tuyển dụng và người LĐ góp phần giải quyết việc làm ổn định cho người LĐ.

Gắn kết với doanh nghiệp

  Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (bìa phải ) thăm phòng máy của trường Cao đẳng Nghề Việt Nam- Singapore

Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện các chương trình dạy nghề gắn kết với DN, như đưa học sinh đến thực tập tại DN, làm quen với môi trường sản xuất - kinh doanh và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề theo đơn đặt hàng của DN, bình quân mỗi năm đào tạo bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thông qua ký kết hợp đồng trực tiếp với DN cho 1.230 LĐ, với các ngành nghề theo yêu cầu của DN như: nghề vận hành máy thi công cơ giới, nghề vận hành xe nâng hàng, cần trục; nghề chế biến gỗ, chuyên ngành đường sắt... Học sinh ra trường từ các trường nghề, trung  tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh đều tìm kiếm được việc làm và được các DN đánh giá đạt về kỹ năng chuyên môn chuyên ngành đào tạo. Trong thời gian qua, Bình Dương rất quan tâm chú trọng, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh dạy nghề đáp ứng theo nhu cầu DN và thị trường LĐ, chỉ đạo các trường thành lập bộ phận, trung tâm giới thiệu việc làm và quan hệ với DN, tổ chức hội thảo chuyên đề: “Dạy nghề đáp ứng nhu cầu DN và thị trường LĐ”. Qua hội thảo giúp Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tạo cầu nối giữa nhà trường và DN, tổ chức ký kết hợp đồng đào tạo giữa nhà trường và DN và nắm bắt được những ý kiến góp ý từ phía DN để các cơ sở dạy nghề từng bước điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của DN. Hầu hết các học sinh tốt nghiệp từ các trường nghề như: Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore, Cao đẳng Nghề Công nghệ và Nông lâm Nam bộ, Trung cấp Nghề Bình Dương... đều tìm kiếm được việc làm, trong đó 80% làm việc trong các KCN và được các DN đánh giá đạt về kỹ thuật chuyên môn, chuyên ngành đào tạo.

 

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Nguyễn Phùng Trung: Theo dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh  lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015), Bình Dương phấn đấu mỗi năm tạo việc làm mới cho khoảng 44.000 LĐ. Bình Dương đã và đang tích cực thực hiện một số giải pháp cơ bản như: Tổ chức triển khai và xây dựng đề án dạy nghề cho LĐ nông thôn đến 2020 theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tư vấn học nghề cho người LĐ, nhất là LĐ vùng nông thôn, tổ chức thông tin tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng và phối hợp các sở, ngành, đoàn thể thông báo sâu rộng cho người dân am hiểu về nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội đối với công tác dạy nghề; Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa về dạy nghề, khuyến khích việc mở các cơ sở dạy nghề tư nhân; Tổ chức tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề; Tiếp tục đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh; Thiết lập chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo nghề với các DN, KCN để nắm bắt nhu cầu sử dụng LĐ của các DN để có chương trình đào tạo phù hợp...

 

 VĂN SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên