Những giải pháp đột phá trong Năm An toàn giao thông 2013

Cập nhật: 13-01-2013 | 00:00:00

Với nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận của nhân dân, năm An toàn giao thông (ATGT) 2012 đã đạt kết quả khả quan trong giảm tai nạn giao thông (TNGT) theo Nghị quyết 21 của Quốc hội. Năm qua, lần đầu tiên, số người thiệt mạng do TNGT giảm xuống còn dưới 10 nghìn người.

Trên cơ sở đó, Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục lấy năm 2013 là "Năm ATGT" với chủ đề "Nâng cao tinh thần, trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức của người tham gia giao thông".

TNGT giảm sâu ba tiêu chí

Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT), Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Ðinh La Thăng, năm qua, trên cả nước, TNGT giảm sâu cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Năm 2012, cả nước xảy ra hơn 36.400 vụ TNGT, làm chết gần 9.850 người, bị thương hơn 38 nghìn người; giảm gần 7.500 vụ (hơn 17%), 1.647 người chết (14,33%) và giảm hơn 9.500 người bị thương (20%) so năm 2011; có 40 tỉnh, thành phố trên cả nước TNGT giảm cả ba tiêu chí từ 10%, đặc biệt bốn tỉnh Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Kiên Giang, Hà Tĩnh giảm hơn 30% ở cả ba tiêu chí, 24 tỉnh giảm từ 15 đến 30%. Số điểm ùn tắc giao thông ở TP Hà Nội còn 67 điểm (giảm 46%), TP.HCM còn 76 điểm (giảm 86,6%).

  Cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Láng đưa vào sử dụng góp phần giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô Hà Nội. Tuy các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng giảm, nhưng theo đánh giá, tính chất và mức độ nghiêm trọng, số người chết, người bị thương vẫn còn ở mức cao. Mặc dù nguồn lực đầu tư nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng GTVT còn hạn hẹp, không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện nhưng công tác bảo đảm trật tự ATGT đã chuyển biến mạnh mẽ, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng cao, bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT trên phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP.HCM.

Trên cả nước, xuất hiện nhiều mô hình tốt, cách làm hay được các địa phương áp dụng, một số nơi có sự đổi mới và quyết liệt trong việc gắn trách nhiệm người đứng đầu về bảo đảm trật tự ATGT; quy định trách nhiệm thực hiện kỷ cương trong cán bộ, công chức, chiến sĩ, nghiêm cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc và buổi trưa. Ủy ban ATGT Quốc gia triển khai trên toàn quốc hưởng ứng "Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT", với nhiều hoạt động tưởng niệm, cầu siêu, thăm hỏi gia đình các nạn nhân thiệt mạng vì TNGT, Hội thảo quốc tế về ATGT,... thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội cũng như đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia. Các địa phương cũng có nhiều giải pháp tổ chức lại giao thông, nhất là ở nội đô các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM nhằm hạn chế ùn tắc giao thông,...  Ðiều đó khẳng định các giải pháp mà Chính phủ đã và đang triển khai trong thời gian qua phù hợp thực tiễn, mang tính khả thi cao và cần phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ hơn trong năm 2013 và những năm tiếp theo.

Tiếp tục giảm TNGT 5 - 10%

Phát huy kết quả đạt được trong năm ATGT 2012, Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục chọn năm nay là năm ATGT với chủ đề "Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông". Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp, ngành, địa phương trong bảo đảm trật tự ATGT, chống ùn tắc; tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, đẩy mạnh xây dựng văn hóa giao thông của các tầng lớp nhân dân; tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, trang bị phương tiện, hệ thống giám sát hiện đại trong xử lý vi phạm trật tự ATGT; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực của người thực thi công vụ; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý việc đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện. Ðồng thời, nhân rộng các mô hình hay, kinh nghiệm phòng ngừa tai nạn và ùn tắc giao thông đã thực hiện thành công tại nhiều địa phương, nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp mới tạo sự đột phá trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Mục tiêu năm 2013, cả hệ thống chính trị nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của người thực thi công vụ; việc tuân thủ pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng; cải thiện ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM, giảm ít nhất từ 5% đến 10% số vụ, số người chết và bị thương vì TNGT.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia,  tuy kết quả đạt được trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng của nhân dân năm qua là rất đáng khích lệ, nhưng số vụ TNGT nghiêm trọng, thương tâm vẫn chưa có chiều hướng giảm như kỳ vọng, gây nhức nhối trong dư luận. Ngay trong mấy ngày nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, số vụ TNGT tăng đột biến, do đó, có thể nhận thấy, kết quả giảm TNGT vẫn chưa thật sự vững chắc. Vì vậy, cần rút kinh nghiệm, thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp đột phá, nhân rộng cách làm sáng tạo, mô hình mới của một số địa phương trong việc bảo đảm trật tự ATGT, giảm số vụ TNGT để nhân rộng, triển khai trong năm nay.

Ðể thực hiện có kết quả những yêu cầu, mục tiêu trong Năm ATGT 2013, các lực lượng thực thi công vụ cần vào cuộc mạnh mẽ, đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT và trường hợp tiêu cực; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai sâu rộng Chỉ thị 18/CT-TW của Ban Bí thư đến toàn bộ hệ thống chính trị với các nhiệm vụ cụ thể, phù hợp tình hình địa phương; hạn chế phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực, ngăn chặn hành vi đua xe trái phép trong dịp lễ, Tết. Các bộ, ngành chức năng có sự phối hợp chặt chẽ trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, siết chặt quản lý chất lượng mũ bảo hiểm, hạn chế sử dụng rượu bia trong giờ làm việc,...  Ðây chính là yếu tố quan trọng nhằm giảm TNGT trong năm nay.

Theo Nhân Dân

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên