Những giáo viên dạy giỏi “Giải thưởng Võ Minh Đức”: Đều say mê với nghề

Cập nhật: 27-05-2015 | 09:10:58

Hàng năm, Sở Giáo dục - Đào tạo đều tổ chức hội thi giáo viên (GV) dạy giỏi “Giải thưởng Võ Minh Đức”. Hội thi nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy ở các ngành học, cấp học. Qua đó, ngành kịp thời tuyển chọn, phát hiện, biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, xuất sắc trong phong trào thi đua dạy tốt - học tốt. Hội thi năm học 2014-2015 có 65 GV xuất sắc đoạt giải thưởng Võ Minh Đức, trong đó có 6 GV đoạt giải nhất. Báo Bình Dương xin giới thiệu 3 gương mặt trong số 6 GV đoạt giải nhất ở hội thi này.

* Nguyễn Thị Phương Chi: Cô giáo như mẹ hiền

Đoạt giải nhất tại hội thi GV dạy giỏi “Giải thưởng Võ Minh Đức” ở cấp học mầm non, cô Nguyễn Thị Phương Chi, trường Mầm non Sơn Ca (Dầu Tiếng) đã chứng tỏ được năng lực giảng dạy dù tuổi đời của cô còn rất trẻ. Lần đầu dự thi mà đoạt giải cao như vậy là cô đã thành công trên bước đường nghề nghiệp.

Các bé lớp lá của trường Mầm non Sơn Ca coi cô Chi như người mẹ hiền thứ hai của mình. Cô tâm sự, thời gian bé ở trường rất nhiều, nên cô càng phải yêu thương, chăm sóc các cháu từng miếng ăn, giấc ngủ nhiều hơn. “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”, nhưng để các cháu chăm ngoan thì cô phải hiểu tâm sinh lý của trẻ để dạy dỗ cháu khi tuổi còn thơ bé. Dù tuổi còn nhỏ nhưng mỗi bé mỗi tính, nên cô tìm hiểu tâm tính của từng bé để có biện pháp giáo dục phù hợp.

Phụ trách lớp mẫu giáo 5 tuổi, cô càng thấy trọng trách của mình càng quan trọng. Để chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1, cô rèn cháu nhận biết, phát âm và viết được các chữ cái, tư thế ngồi, cách cầm viết, mở sách. Cô còn tập cho cháu có thói quen tự phục vụ, tạo điều kiện cho trẻ có khả năng hợp tác, biết chia sẻ để hình thành tính tập thể.

Năm học 2014-2015, ngành học mầm non đưa chuyên đề “Nâng cao chất lượng phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non” vào giảng dạy. Thực hiện chuyên đề này, cô Chi chú ý cho bé phát triển vận động một cách linh động, khéo léo, không tạo áp lực nặng nề. Qua những trò chơi vận động, các bài múa giúp trẻ mạnh dạn, tự tin, nhanh nhẹn, khéo léo, khỏe mạnh. Qua một năm thực hiện, cô đã rút ra những kinh nghiệm giảng dạy riêng. Tại hội thi GV dạy giỏi năm nay, cô đã thành công ở tiết dạy thể dục và hoạt động vui chơi cho trẻ. Cô tâm sự, đã chọn nghề dạy học thì GV phải không ngừng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo để truyền tải những kiến thức tốt nhất cho trẻ. GV phải có những biện pháp, cách thức lôi cuốn trẻ vào hoạt động, giúp trẻ tiếp thu các hoạt động một cách hiệu quả nhất.

* Nguyễn Thị Liên Hiệp: Đam mê sáng tạo

Tại hội thi GV dạy giỏi “Giải thưởng Võ Minh Đức” năm nay, ở khối tiểu học có 232 GV dự thi lý thuyết, kết quả có 62 GV vào vòng thi thực hành. Trong số này, 2 tiết dạy thực hành của cô Nguyễn Thị Liên Hiệp, GV dạy Anh văn trường Tiểu học Nguyễn Du (TP.TDM) đã thuyết phục được Ban giám khảo, bởi phương pháp dạy sinh động của cô. Ở bài học giáo dục học sinh biết sử dụng đồ ăn, thức uống có lợi cho sức khỏe, cô kết hợp sử dụng nhiều phương pháp như: Bảng Active board, giáo án điện tử, tranh ảnh, thẻ từ… ở tiết dạy về con vật, cô làm mô hình sở thú, cắt cây, hoa, thú cho học sinh thực hành, nên các em tỏ ra thích thú và tham gia tích cực vào bài học. Tiết dạy của cô thành công, các em không chỉ hiểu bài mà còn biết yêu thương và bảo vệ động vật. Cô tâm sự, tham gia cuộc thi cô không bị áp lực về giải thưởng, mà chỉ mong học được những kinh nghiệm từ các đồng nghiệp. Và dù đoạt được giải cao, cô vẫn tiếp tục học tập, rèn luyện để đem đến cho học sinh những giờ học hay, sinh động giúp các em tiếp thu bài tốt nhất.

Tuổi trẻ thường sáng tạo và chịu khó tìm tòi, học hỏi. Với cô Hiệp cũng vậy, thấy được trách nhiệm của người thầy đối với đàn em thân yêu, cô tích cực tự học, tự rèn để nâng cao trình độ chuyên môn. Cô học những kinh nghiệm của những tiền bối đi trước và cũng không ngần ngại học những phương pháp giảng dạy hiện đại của các đồng nghiệp trẻ hơn mình. Cô Hiệp còn thường xuyên tra cứu internet để tìm những phương pháp giảng dạy hay, sau đó áp dụng có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm đối tượng học sinh cô đang giảng dạy. Cô cho biết, cứ sau mỗi tiết dạy, cô tự rút kinh nghiệm, trau chuốt lại để những tiết dạy sau được hay hơn.

Học sinh trường Tiểu học Nguyễn Du rất thích được học với cô Hiệp, bởi cô thường đem đến cho các em những giờ học thoải mái. Trong lớp cô tổ chức các hoạt động, những trò chơi, phương pháp hoạt động nhóm, sơ đồ tư duy và tất cả những phương tiện hỗ trợ khác như giáo án điện tử, bảng Active board, đồng thời làm nhiều đồ dùng dạy học. Tâm huyết với nghề, hàng năm cô Hiệp còn bồi dưỡng học sinh giỏi, mỗi năm đều có học sinh đoạt giải cấp tỉnh, khu vực, quốc gia.

* Cô Cao Trúc Chi: Tỏa sáng từ môn dạy nghề

Nếu như cô Phương Chi và cô Liên Hiệp là những GV giảng dạy văn hóa, thì cô Cao Trúc Chi, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - kỹ thuật - hướng nghiệp TX.Tân Uyên thành công ở lĩnh vực dạy nghề. Bộ môn cô đảm trách là môn thêu. Ở phần thi viết, cô đã thể hiện sự vững vàng về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm; những hiểu biết về chủ trương, chính sách, pháp luật Nhà nước và các nội dung chỉ đạo của ngành về giáo dục thường xuyên. Phần thi thực hành cô đã làm cho Ban giám khảo bất ngờ với phương pháp dạy sinh động. Cứ ngỡ với môn thêu, GV chỉ cần dạy học sinh theo kiểu cầm tay chỉ việc, nhưng cô Trúc Chi ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Từng thao tác cô hướng dẫn cho học sinh được chiếu qua video clip, kết hợp với những hình ảnh minh họa trông rất đẹp mắt.

Cô quan niệm, ở thời nào cũng vậy, con gái cần phải biết may, thêu để sau này chăm sóc cho gia đình. Ngày nay, công nghệ thông tin đã làm cho các em ngại làm quen với những công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ, kiên nhẫn. Để học sinh yêu thích môn học, cô đã đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy, giúp cho học sinh không cảm thấy nhàm chán, khô khan. Khi chính tay làm ra những sản phẩm như: móc khóa, bao viết, khăn tay… các em sẽ tỏ ra thích thú và yêu thích môn thêu. Cuối năm học, những món quà kỷ niệm các học sinh nữ tặng bạn bè là những sản phẩm tự làm, tình bạn càng thêm ý nghĩa và thắt chặt.

Được sự giáo dục và dìu dắt của cô Trúc Chi, một số em đam mê và miệt mài rèn luyện. Hàng năm cô có từ 2 - 3 học sinh đoạt giải ở cuộc thi học sinh giỏi tỉnh, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp nghề đạt 100%. Từ sự thành công của cô Trúc Chi cho thấy, đâu chỉ GV bộ môn mới tỏa sáng, mà GV nghề cũng nổi bật, nếu biết phát huy nghề nghiệp. Mục tiêu của giáo dục là rèn luyện học sinh phát triển toàn diện, ngoài được trang bị kiến thức văn hóa, kỹ năng sống, các em còn được học các môn nghề. Có nhiều học sinh, nhờ được học các nghề: may, thêu, móc đối với nữ và nghề điện đối với nam, mà các em nhận ra năng khiếu của mình đã tiếp tục rèn luyện và thành công trong cuộc sống sau này. Với cô Trúc Chi, biết được ý nghĩa đó, cô đã truyền lửa đam mê học nghề cho học sinh, vì ít nhiều cũng giúp ích cho cuộc sống của các em sau này.

Ông DƯƠNG THẾ PHƯƠNG, Giám đốc Sở GD-ĐT:

Hội thi GV dạy giỏi “Giải thưởng Võ Minh Đức” là môi trường chuyên môn thân thiện, giúp GV giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp. Dù cuộc thi đã khép lại, nhưng cánh cửa thành quả gặt hái, thu lượm được từ cuộc thi không bao giờ đóng mà luôn rộng mở, luôn được gieo nhân và ươm mầm trên các cánh đồng tâm hồn tuổi thơ của các thế hệ con em chúng ta.

 

HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X