Những kỷ vật người lính

Cập nhật: 19-12-2013 | 00:00:00

> Bài 1: Người trong ảnh kể chuyện người trong ảnh

> Bài 2: Chuyện về những chiếc đèn tự tạo

 Bài 3: Bộ tiểu phẫu cứu sống hàng trăm đồng đội

 “Hòa bình lập lại, tôi lưu giữ những hiện vật đã gắn bó với tôi trong những năm tháng trên chiến trường, đặc biệt là bộ tiểu phẫu. Hiện vật ấy là “người bạn tri kỷ” giúp tôi chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm đồng đội. Tuổi già như “chuối chín cây”… và tôi đã hiến tặng nhiều kỷ vật cho Nhà Truyền thống TX.Dĩ An”. Đó là lời bộc bạch của đại tá, bác sĩ - thầy thuốc ưu tú Đặng Sơn Vinh, 72 tuổi, khu phố Đông Tân, phường Dĩ An, TX.Dĩ An.

Kỷ vật và những lần vào sinh ra tử

Sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo tại Dĩ An, gồm 3 anh chị em. Năm 1962, cậu thanh niên Đặng Sơn Vinh gia nhập quân giải phóng tại Chiến khu Đ. Với chút kỹ năng sơ cấp cứu do bản thân tự nghiên cứu, ông được đơn vị cho đi học cứu thương, y sĩ. Năm 1968, ông làm Phó Chủ nhiệm khoa Ngoại của Đội Điều trị K 76C, phục vụ chiến dịch Mậu Thân tại Biên Hòa. Cùng lúc này, chiếc hộp đựng bộ dụng cụ tiểu phẫu được trang bị cho cán bộ quân y cũng theo ông trên suốt chặng đường.    Ông Đặng Sơn Vinh xem lại bộ tiểu phẫu

Trong chiến dịch, ông Vinh và đồng đội đã chăm sóc hàng trăm chiến sĩ bị thương bởi những trận càn ác liệt của Mỹ. Ông Vinh nhớ lại: “Trong 3 ngày chiến đấu ác liệt, địch càn quét dã man nhưng bộ đội ta vẫn xông pha quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trong trận đánh, rất nhiều đồng đội bị thương, do đó quân y luôn túc trực liên tục để cứu chữa kịp thời”.

Từ năm 1972 đến 1975, ông Vinh được đi học bác sĩ tại Quân y miền (Sài Gòn). Vừa học, ông vừa tham gia kháng chiến. Để bảo đảm công tác cứu thương, quân y đi đến đâu đều đào sẵn một đường hầm chăm sóc đồng đội. Nhiều trận đánh ác liệt, trên súng đạn rền trời, dưới hầm những cán bộ quân y vẫn phẫu thuật, dưới ánh sáng của ngọn đèn tự chế, hay đèn pin quéo. Ngoài ra, cán bộ quân y vừa làm công tác cứu thương, vừa bảo đảm lương thực cho chiến sĩ, bởi nhiều trận đánh ác liệt giữa chiến trường, hậu cần không thể chi viện lương thực.

Ông Vinh cùng đồng đội đã băng rừng, lội suối đào củ mài, hái lá cây, săn thú nuôi bộ đội. “Bụng đói nhưng ý chí không bao giờ đói”, câu nói được ông Vinh khẳng định khi nói về tinh thần đấu tranh của đồng đội, đồng chí. Ngày ấy, thiếu thức ăn, thuốc men, những cán bộ quân y đã nghĩ ra những vật dụng, như: Vót tre mang theo để làm nẹp cố định vết thương, ga rô được tạo bằng vỏ xe… hay được sự chỉ đạo của cấp trên, ông đã hướng dẫn đồng đội làm dịch truyền từ đường thủy phân, mỗi ngày tự pha chế 10 - 20 lít, truyền cho thương binh.

Ông Vinh bồi hồi nhớ lại: “Chiến sự ngày càng ác liệt, thương binh nhiều, chúng tôi phải cấp cứu, mổ xẻ thương binh dưới làn bom đạn. Nhiều lúc phải tranh thủ ăn giữa 2 ca mổ, ngủ chập chờn giữa những đợt tấn công. Cấp cứu xong lại phải tổ chức đưa thương binh về tuyến sau. Vừa làm nhiệm vụ thầy thuốc của mình, cán bộ, chiến sĩ quân y vừa phải trực tiếp cầm súng chiến đấu chống càn, vừa làm nhiệm vụ tải thương, tải đạn. Do đó, đi đến đâu, ăn hay ngủ, bộ tiểu phẫu luôn theo sát tôi như “hình với bóng” để kịp thời chữa trị cho thương binh”.

Sau giải phóng, ông về công tác tại Bệnh viện Thủ Đức (TP.HCM). Năm 1977, ông lên đường sang Campuchia để chăm sóc chiến sĩ Việt Nam tham gia chống nạn diệt chủng Pôn Pốt. Tại đây, ông chỉ đạo đưa thương binh về điều trị, chống nạn sốt rét. Cũng từ đó, cái tên Sơn Vinh chống sốt rét ra đời và sau đó ông được phong tặng Thầy thuốc ưu tú vào năm 2001. Ngoài ra, ông còn được nhận danh hiệu Huân chương Chiến thắng hạng I, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng I; nhiều bằng khen, giấy khen từ Trung ương đến địa phương.

Giáo dục y đức thế hệ sau

Mặc dù vào sinh ra tử hàng trăm lần nhưng người chiến sĩ quân y Sơn Vinh luôn nở nụ cười, “vượt” lên mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hòa bình lập lại, ông về làm Phó phòng Quân y tại Quân khu 7. Đối với ông, thời bình hay thời chiến cũng cần đến những người thầy thuốc, người dân cũng cần được chăm sóc sức khỏe. Do đó, một lần nữa bộ tiểu phẫu vẫn tiếp tục gắn bó với ông, nhưng “người bạn ấy” được bổ sung thêm nhiều thiết bị hiện đại. “Là một người thầy thuốc không phải có người gọi mới đến mà luôn ý thức có bệnh là phải chữa, gặp nạn là phải giúp. Do đó, tôi luôn mang theo bộ tiểu phẫu, đồng thời bổ sung thêm những thiết bị cần thiết khi đi ra ngoài”, ông Vinh nói.    Bộ tiểu phẫu theo ông Đặng Sơn Vinh suốt chặng đường kháng chiến

Với chức vụ Phó phòng Quân y Quân khu 7, ông là người hướng dẫn, tập huấn trực tiếp cho các y sĩ, bác sĩ chuẩn bị chuyển công tác ra Côn Đảo, vào phục vụ tại các đơn vị xa của đất nước. Ông “truyền lửa” đam mê công việc, ý thức trách nhiệm một người cán bộ quân y cho từng người, để họ “cảm” được vai trò của bản thân.

Sau nhiều năm cống hiến, trở về địa phương, ông tham gia nói chuyện chuyên đề với các bạn đoàn viên thanh niên TX.Dĩ An, chiến sĩ trẻ các đơn vị đóng quân trên địa bàn thị xã. Ngoài ra, ông còn hiến tặng cho Nhà Truyền thống TX.Dĩ An 15 hiện vật từ những vật dụng sinh hoạt của người lính xưa, dụng cụ chăm sóc sức khỏe cho đồng đội. Những hiện vật đó góp phần giúp thế hệ đi sau biết, hiểu về cuộc sống sinh hoạt, kháng chiến của ông cha để giành lại độc lập. Từ đó, tự ý thức học hỏi, nâng cao trình độ, “sống đúng” để xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

Ông Vinh trăn trở: “Hiện nay, nhiều người “vơ đũa cả nắm” nói nhiều điều không hay về y đức thầy thuốc. Để người thầy thuốc là “người bạn” của dân, bản thân người bác sĩ cần phải có kinh nghiệm, say mê học hỏi. Đối với công tác giảng dạy, người thầy phải chuẩn bị bài giảng thật kỹ, bởi đào tạo ra một bác sĩ kém là ảnh hưởng rất lớn cho xã hội”.

Lặng thầm một tấm lòng

Từng tham gia kháng chiến, hơn ai hết ông thấu hiểu được nỗi đau, sự mất mát của những gia đình có người thân đã hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc. Và càng thấm thía hơn khi những người đồng đội còn nằm sâu trong lòng đất chưa tìm thấy hài cốt. Với tinh thần ấy, ông dành nhiều thời gian vận động đóng góp, xây dựng nhà bia liệt sĩ miền Đông Nam bộ (Lộc Ninh, Bình Phước). Nhà bia ghi danh 2.678 liệt sĩ trên khắp mọi miền đất nước, với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng, bản thân ông đóng góp 15 triệu đồng.

Ngoài ra, ông còn đóng góp tiền, công sức tôn tạo bia ghi danh liệt sĩ ở khu phố Đông Tân, phường Dĩ An (TX.Dĩ An). Để bảo đảm sức khỏe giúp cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, ông Vinh thường xuyên vận động các nhà hảo tâm, kêu gọi bác sĩ trẻ tổ chức khám, phát thuốc và tặng quà cho các đối tượng trên tại các tỉnh, thành trong cả nước; vận động xây dựng 15 căn nhà tình thương cho 15 cán bộ, nhân viên quân y là thương bệnh binh khó khăn về nhà ở.

Cầm bộ tiểu phẫu, ông Vinh trầm ngâm: “Tôi sống mà cứ nghĩ về quá khứ như thế nên có người bảo tôi hơi cứng nhắc và “lẩm cẩm”. Song, tôi muốn nhớ lại để tâm hồn thanh thản những năm tháng cuối đời”. Phải chăng đó là câu nói “lẩm cẩm”? Những người nặng lòng quá khứ như ông mãi mãi là một tấm gương sáng cho tuổi trẻ học tập. Và, càng trân trọng hơn những con người như ông đã tự nguyện giữ gìn và truyền lại những “kỷ vật biết nói” cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Bài 4: Chiếc quần đa năng

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên