Những mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao

Cập nhật: 06-06-2011 | 00:00:00

Nắm bắt được các tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhu cầu thị trường, thời gian qua, nông dân Bình Dương (BD) đã xây dựng nên những mô hình có giá trị kinh tế cao. Với những lợi thế sẵn có và với những chính sách khuyến khích phát triển, các mô hình kinh tế nông nghiệp BD tiếp tục trên đà phát triển.

Từ các mô hình trồng trọt…

Nổi bật cho các mô hình trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao thời gian qua có thể dễ dàng nhận thấy có sự nổi lên của các mô hình trồng cao su (CS) tiểu điền. Hiện nay diện tích trồng CS của BD là gần 130.000 ha. Diện tích CS tiểu điền hiện nay chiếm khoảng 65% diện tích CS của tỉnh và có 70% diện tích này đang trong thời kỳ khai thác mủ. Tùy vào điều kiện của từng hộ gia đình mà các mô hình trồng CS tiểu điền có diện tích từ vài ha đến hàng chục ha.

Nuôi heo rừng lai tại huyện Phú Giáo

Trong 2 năm trở lại đây, cây CS đã đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn BD. Từ đầu mùa cạo 2011 đến nay, giá mua mủ CS trên địa bàn tỉnh luôn luôn duy trì ở mức trên dưới 900 đồng/độ (tương đương từ 25.000 - 35.000/1 lít mủ tươi, khoảng 40.000 đồng/kg mủ tạp). Nếu được chăm sóc tốt, 1 ha CS trung bình có thể cho thu nhập khoảng 2 triệu đồng/1 ngày cạo. Ông Nguyễn Văn Hùng ngụ tại xã Phước Sang, huyện Phú Giáo cho biết: “Nhiều người trên địa bàn xã tôi đã thật sự đổi đời trong 2 năm trở lại đây. Giá mủ CS liên tục tăng cao đã làm cho người trồng CS yên tâm sản xuất tăng thu nhập cho gia đình”. Cây CS đang đạt độ “chín”, người trồng CS cũng tin tưởng năm nay cũng sẽ là một năm thắng lợi của họ.

Những mô hình trồng cây có múi trong thời gian qua luôn phát triển ổn định và cũng đem lại thu nhập cao cho người trồng. Vùng đất Tân Uyên, Dầu Tiếng có những diện tích trồng cây có múi nổi tiếng và thực tế cho thấy các diện tích này cũng cho thu nhập không thua kém gì so với các diện tích trồng CS. Nổi bật cho các mô hình này là các mô hình trồng bưởi, cam, quýt. Trong thời gian qua nhiều người đã chú ý đến việc thâm canh cây bưởi và đã đạt được kết quả cao. Có thể kể đến một số gương nông dân tiêu biểu đi đầu trong việc trồng thành công cây có múi trên địa bàn tỉnh như các ông: Sáu Xê, Ba Chiến, Ba Thắm, Nguyễn Thế Hoàng (huyện Tân Uyên), bà Nguyễn Thanh Thủy (huyện Bến Cát)...

Tham gia trong lĩnh vực trồng các loại cây trồng có múi như trên, đòi hỏi nông dân phải tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng trang trại đồng bộ, phù hợp và ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: sử dụng hệ thống phun tưới nước tự động, ngăn nước bằng phủ bạt, xử lý cho ra trái nghịch vụ nhằm mang lại giá trị cao hơn cho cây ăn trái... Chính nhờ những ưu đãi từ thiên nhiên và với sự nhạy bén của mình, những người nông dân như thế này đã tạo ra những vườn cây có thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Đến lĩnh vực chăn nuôi

Lĩnh vực chăn nuôi của BD thời gian qua cũng đã đạt được kết quả khả quan. Lĩnh vực chăn nuôi đang khẳng định ưu thế vì phù hợp với tiến trình phát triển của tỉnh và phù hợp với tình hình phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới. Tỷ trọng ngành nông nghiệp cũng liên tục tăng trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.

Hiện nay tổng đàn gia súc của tỉnh đạt 420.780 con, tổng đàn gia cầm đạt 2,8 triệu con. Chăn nuôi gà, heo gia công cho các công ty chăn nuôi lớn đang được nhiều hộ dân quan tâm tham gia. Các mô hình nuôi gà nhà lạnh, nuôi heo có hệ thống máng ăn, hệ thống tắm tự động đang là những mô hình có giá trị kinh tế cao với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Đẹp, ngụ xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo cho biết: “Tôi đã tham gia nuôi gà gia công nhiều năm qua. Hình thức nuôi này cũng phù hợp với những gia đình ít vốn và ít lao động như gia đình tôi; nếu không bị ảnh hưởng của dịch bệnh và được giá thì hàng năm gia đình tôi cũng có thu nhập khá”. Hiện nay nhiều nông dân trên địa tỉnh cũng đã chú trọng vào việc tham gia chăn nuôi các loại vật có giá trị kinh tế cao và các loại đặc sản như: cá sấu, heo rừng, hươu, nai, nhím, rắn, kỳ nhông, rùa, dúi... Tuy các mô hình chăn nuôi kiểu này chỉ ở quy mô nhỏ lẻ và nhiều mô hình mới chỉ dừng ở mức thử nghiệm nhưng nhiều mô hình đã cho thu nhập cao. Các mô hình kiểu này đang được nhiều hộ nông dân quan tâm và hứa hẹn là những mô hình chiếm vị trí quan trọng trong lĩnh vực chăn nuôi trong tương lai.

Thời gian qua, nhiều nông dân BD đã xây dựng thành công những mô hình kinh tế hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Với những chính sách khuyến khích đã và đang thực hiện của UBND tỉnh, các mô hình kinh tế kiểu này sẽ tiếp tục phát triển và góp phần tích cực vào quá trình phát triển của nông nghiệp tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Thế Hoàng, ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên cho biết: Trong thời gian qua, chính quyền các cấp đã tạo ra nhiều chính sách rất thuận lợi cho việc phát triển của kinh tế trang trại. Trong thời gian tới những người làm trang trại như chúng tôi mong muốn được hỗ trợ để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cây ăn trái của mình nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Những năm gần đây năng suất các vườn cây ăn trái kiểu này tương đối ổn định và giá thành cũng luôn duy trì ở mức bảo đảm mang lại lợi nhuận cho người nông dân nên hiện nay hầu hết những chủ trang trại cây ăn trái đều có đời sống khá giả, nhiều hộ đã xây được nhà lầu và mua xe hơi.

ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên