Những nẻo đường Xuân Tây Bắc

Cập nhật: 15-01-2011 | 00:00:00
Nhiều người chỉ cần nghe thấy những địa danh như nóc nhà Đông Dương, A Pa Chải hay cao nguyên đá Hà Giang, chợ tình Sa Pa, chợ phiên Si Ma Cai, chợ tình Khâu Vai; rồi những Xín Mần, Phong Thổ, Dào San, Mù Căng Chải, Tả Sìn Thàng... cũng đã thấy rộn lên khát vọng lên đường. Nhưng không phải ai, không phải lúc nào những chuyến đi ấy cũng được thực hiện. Có những người, dự định cả chục năm nay cho một vòng cung Tây Bắc mà vẫn chưa thành. Có người đã chọn chính những ngày Tết Nguyên đán để khởi hành một chuyến đi đến những miền núi cao thấp thoáng sương giăng ấy. Và nhiều người, quyết tâm ra Giêng ngày rộng tháng dài, để làm một chuyến du hành Tây Bắc. Những con người được đề cập dưới đây có thể trở thành “thổ địa” dẫn đường thú vị. Họ chính là những người bền bỉ và lặng thầm một tình yêu Tây Bắc.   Cảnh Xuân rừng Tây Bắc 1.  Từ Hà Nội, có nhiều con đường đi lên Tây Bắc. Có thể đi theo hướng Hòa Bình, với câu thơ thơm lừng của nhà thơ Quang Dũng: “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.  Còn chúng tôi lại đi theo một hướng khác từ Việt Trì lên Yên Bái – một cửa ngõ khác của Tây Bắc. Người đầu tiên bạn có thể gặp khi vừa đặt chân tới TP. Yên Bái đó là Lý Kim Khoa –  Phó Giám đốc bảo tàng tỉnh. Chỉ thoáng nghe tới “chức vị” ấy, có thể bạn ngại ngần trước một quan chức cấp tỉnh, nhưng khi đã gặp, mới thấy Lý Kim Khoa thật là một người dễ mến. Anh đích thị là một người Dao Văn Chấn, ăn thì chậm nhưng có thể cụng ly rượu thâu đêm mà không say, chỉ “sợ nhất những cú điện thoại vợ gọi về”. Lẽ ấy, có nhiều người quý Lý Kim Khoa nên cứ mỗi lần đặt chân tới Yên Bái, thế nào cũng phải mời anh một đêm nhậu, để “nạp” thêm cho mình chút “tình hình” Tây Bắc, biết thêm một phong tục nào đó của người Thái, người Dao ở Mường Lò, biết thêm một câu chuyện lạ của đồng bào mà chỉ có những người lớn lên ở đó, giờ làm công tác bảo tồn văn hóa mới “ngộ” ra điều thâm thúy. Và gặp Lý Kim Khoa, cũng còn biết xem đường vào Bản Xa hay đường lên Mù Căng Chải mùa này có gì đẹp, dọc đường nên gặp thêm ai... Nếu may mắn gặp tuần Lý Kim Khoa rảnh, anh sẽ nhập đoàn cùng bạn trên cung đường Yên Bái thì không gì vui bằng.   Tây Bắc - một cuộc sống bình yên   2. Không có được cái cơ may ấy, thành ra, từ Yên Bái, tôi phải vượt hơn 80km đèo dốc để tới thị xã Nghĩa Lộ. Khi còn ở thành phố, Lý Kim Khoa đã nhắc tôi tới Nghĩa Lộ đừng quên ghé vào bản Căng Nà thăm cụ Lò Văn Biến – một nghệ nhân người Thái hiếm hoi, dù Căng Nà không còn là một bản với cảnh đẹp nguyên sơ. Tôi đã tới nhà cụ Biến vào một buổi sáng, khi cụ đang nói chuyện với cô học trò nhỏ. Thấy khách đường xa tới, con trâu buộc ở gốc xoài góc nhà sàn bỗng trở mình đứng dậy. Cụ Biến rót rượu mời khách và say mê nói về “rừng hồn trâu” nổi tiếng ở vùng Mường Lò. Rồi cụ kể về lễ hội hoa ban, mới hay, lâu nay nhiều người làm văn hóa đã có sự nhầm lẫn khá nhiều. Nhưng không hiểu sao, tôi cứ nghĩ, cụ Biến là một phần của đất Mường Lò. Nói rằng đến nhà cụ là đến một “địa danh” có thể nhiều người nghĩ tôi nói quá, nhưng những câu chuyện cụ kể thực sự hấp dẫn và cuốn hút, bởi thế, mới rồi một đoàn truyền hình thực tế tới Căng Nà để mời cụ tham gia bằng được. Nhưng không chỉ có một kho chuyện hay, cụ Biến còn trở thành người duy nhất ở Việt Nam tinh thông chữ Thái cổ Mường Lò. Có được điều độc đáo ấy bởi cụ Biến đã dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu bảo tồn chữ Thái cổ. Chính tại căn nhà sàn này, cụ Lò Văn Biến đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu về văn hoá như: “Tài liệu giảng dạy bộ chữ Thái Việt Nam”, “Sách chữ Thái và tiếng Thái cho cán bộ, viên chức công tác tại vùng dân tộc thiểu số”...; đồng thời hướng dẫn nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước làm luận văn về văn hoá người Thái. Mùa xuân này bước vào tuổi 80, nhưng cụ Lò Văn Biến với mái tóc dài bạc như tiên ông vẫn còn nặng lòng với công việc mà mình theo đuổi cả đời. Nụ cười hồn nhiên của cụ dường như đã theo chân tôi, để “tiếp lửa” cho mình thêm yêu Tây Bắc một cách thực tế hơn.       3. Chúng tôi tiếp tục lên đường. Tây Bắc, đi vào bất cứ mùa nào đều bắt gặp vẻ đẹp biến đổi của mỗi cung đường. Nhưng mùa Xuân thì vẻ đẹp có lẽ dễ khiến du khách mềm lòng hơn cả, bởi những vạt hoa rừng. Ngoặt đường tới Sơn La, rồi lại vượt hơn 150km qua con đèo Pha Đin dài nhất Việt Nam để lên Lai Châu theo câu thơ của Trần Mạnh Hảo: “Nơi cuối trời Tây Bắc có Lai Châu”.   Thi sĩ Quang Dũng đã để lại câu thơ thơm lừng mùi cơm nếp ở cửa ngõ Mai Châu (Hòa Bình) giờ muốn gặp cũng không thể vì ông đã là người của... cõi nhớ thương. Còn tới Lai Châu, vang lên trong đầu câu thơ của Trần Mạnh Hảo, nhưng ông thi sĩ nổi tiếng bởi những bài phê bình lại đang lặng lẽ sống ở đất Sài Gòn. Tôi không rõ, khi viết dòng thơ ấy Trần Mạnh Hảo ngồi ở đâu: giữa đất Sài Gòn hay ngay trên chuyến đi giữa mù mịt sương giăng trắng con đường đèo, giăng mờ mịt những cành mơ cành mận như thế này? Nhưng ngồi ở đất Tam Đường - thủ phủ mới của Lai Châu – nhắc tới thơ mà không gọi điện cho thi sĩ Đỗ Thị Tấc thì quả là một thiếu sót. Và người đàn bà của núi cao đã hiện ra, chưa rõ mặt đã thấy tiếng giọng nói ồn ào. Đỗ Thị Tấc là vậy, dù là Chủ tịch của Hội Văn học nghệ thuật Lai Châu, nhưng hễ có “khách Hà Nội” lên bận cỡ nào chị cũng ra mời rượu, “bắn” mấy điếu thuốc lào. Khi men rượu đã ngà ngà, khi mấy cữ thuốc lào đã được rít giòn vang, Đỗ Thị Tấc sẽ đọc thơ. Những vần thơ ướt đẫm sương núi, buồn buồn nhưng luôn ngân vang khiến người ta mềm lòng day dứt, như bài “Chợ rừng một tháng ba phiên”: Một tháng ba phiên  Ông lão đi khắp chợ  Mắt như ánh lửa Nhìn mặt từng người Chỉ dừng bước giữa trưa ăn bát phở Ai mời mua gì cũng lắc  Ai hỏi mua sàng không bán Hết chợ lại gọi người cho  Rồi đến cái ngày:  Tóc ông Râu ông Lông mày, lông mi Bạc trắng. Ông vẫn đi khắp chợ, nhìn mặt từng người Luôn mồm lẩm bẩm: “Em hẹn ta góa bụa về già. Nếu thành ma cũng về báo mộng Ta đã góa Người ta bảo rằng em cũng góa. Mộng chẳng thấy Người không về Sàng ơi … Mang theo những vần thơ ấy, tôi tới Sìn Hồ, vào thăm núi Đá Ô - một danh thắng của tỉnh Lai Châu. Duyên nợ thế nào, tôi gặp ngay nhà nghiên cứu văn hóa người Dao Khâu, Tẩn Kim Pu khi ông đang hướng dẫn cho đội văn nghệ bản Giàng Lơn - một bản người Dao – tập một số tiết mục. Ở tuổi 70, nghỉ hưu được gần chục năm nhưng ông Tẩn Kim Pu vẫn là hạt nhân văn nghệ của huyện, vẫn hăng say hướng dẫn chỉ bảo từng lời ca, điệu múa của người Dao cho lớp cháu con... Cứ mỗi dịp huyện chuẩn bị tiết mục đi biểu diễn ở tỉnh là phòng văn hóa lại vời đến Tẩn Kim Pu như là một sự tất yếu. Và mỗi lần như thế, ông lại vượt gần chục kilômét đèo dốc quanh co từ thị trấn về bản Giàng Lơn quê ông - một bản người Dao Khâu tuyệt đẹp - để tập hợp trai gái trong bản thành lập đội văn nghệ, rồi chỉ bảo, chỉnh sửa cho họ từng lời ca, điệu múa... Khi hỏi về những công trình nghiên cứu, những cuốn sách ông viết về văn hóa của người Dao Khâu như “Lễ cưới của người Dao Khâu” và “Lễ tang của người Dao Khâu”, “Chuyện cổ người Dao”... Tẩn Kim Pu khiêm tốn nói rằng, đó chỉ là những điều ông thu lượm được từ ngay chính những phong tục tập quán của của người Dao quê ông và những điều ông đã làm còn rất nhỏ bé so với bề sâu và chiều rộng của văn hóa dân tộc Dao. Có thể điều ông nói là rất đúng, cũng có thể đó là cách không muốn tự đề cao mình. Nhưng tôi biết, Tẩn Kim Pu thực sự là người yêu quê mình. Và Tây Bắc, cần lắm những con người biết âm thầm yêu như thế. Theo Báo Đại Đoàn Kết
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên