Những nét độc đáo của Tây Tạng tự

Cập nhật: 07-06-2014 | 00:00:00

Chùa Tây Tạng (đường Thích Quảng Đức, phường Chánh Nghĩa, TP.TDM, Bình Dương) là nơi được du khách gần xa đến chiêm bái trong dịp lễ cũng như ngày thường. Chùa tọa lạc nơi ngọn đồi thơ mộng, bờ tường bên đường dẫn lên chùa cây leo phủ kín như tôn thêm nét cổ kính. Chùa Tây Tạng khá độc đáo với kiến trúc xưa…

Dấu ấn đầu tiên của Mật tông

Theo Thượng tọa Thích Huệ Thông, Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trong quyển Sơ thảo Phật giáo Bình Dương thì Tây Tạng tự là ngôi chùa duy nhất ở Nam bộ mang dấu ấn Mật tông Tây Tạng. Tên chùa lấy chữ đầu của 2 câu đối: Tây quy độc diệu thiên chơn bửu/ Tạng xuất hàm linh địa chánh hương (Tạm dịch: Ngọc thật của trời độc diệu từ Tây lại/ Chánh hương của đất chứa linh thiêng do Tạng sinh). Hai câu đối trước cổng chùa này do Thiền sư Minh Tịnh đặt. 

Chùa Tây Tạng nhìn từ trên cao. Ảnh: Q.NHƯ

Tây Tạng là ngôi chùa gắn liền với sư ông thế danh Nguyễn Văn Tạo, tên thường gọi là ông Mười Tạo, sinh năm 1888, ở thôn An Thạnh, TX.Thuận An, Bình Dương. Sư là bậc am tường Đông và Tây học, là công chức của ngành y tế. Sư đam mê Phật giáo từ năm 16 tuổi, sau đó xuất gia với Hòa thượng Ấn Thành - Từ Thiện, chùa Thiên Tôn với pháp danh Chơn Phổ - Nhẫn Tế, thuộc về cây phả hệ của dòng Thiền Lâm Tế đời thứ 40. Sở dĩ sư có thêm pháp danh Minh Tịnh là do cầu pháp học đạo với tổ Huệ Đăng và thọ giới với Hòa thượng Ngộ Định - Từ Phong. Thuận theo hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ thời bấy giờ, sư ông từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một do mặt trận Việt Minh hướng dẫn. Theo tài liệu ghi lại, hội ra mắt tại chùa Hội Khánh vào ngày 23-3-1945 dưới sự chứng nhận của bác sĩ Trần Công Vị, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh của tỉnh Thủ Dầu Một thời bấy giờ.  

Một góc kiến trúc mới của chùa. Ảnh: Q.NHƯ  

Thiền sư Minh Tịnh sau khi nhận trụ trì chùa Bửu Hương đã đổi thành Tây Tạng tự để đánh dấu chuyến đi hành hương xứ Phật và Tây Tạng của mình. Thiền sư cũng là người có công trong phong trào kháng chiến chống Pháp trong giới Phật giáo. Sư ông thường động viên hàng tăng sĩ cũng như phật tử của chùa trực tiếp tham gia kháng chiến, sau này nhiều người đã trở thành đảng viên cộng sản. Thiền sư là bậc cao tăng, đã để lại quyển nhật ký hành trình Tây Thiên Trúc và dịch bộ kinh Lăng Nghiêm Tông Thông. Trong gần 3 năm chiêm bái, nghiên cứu Phật học, Thiền sư Minh Tịnh đã ghi chép rất đầy đủ, khá chi tiết từng sự kiện trong nhật ký hơn 300 trang của mình. Đọc nhật ký sẽ thấy rõ con người bình dị, thanh thoát của Thiền sư Minh Tịnh, ngài đã ghi rõ từng chi tiết ở các nơi của từng địa phương mà ngài đã đi qua. Nhật ký được thể hiện bằng lời văn vừa tri thức vừa bình dị nhưng mang đậm màu sắc nhân văn. Nơi đây còn chứa đựng cả một tâm huyết và ý chí mãnh liệt của bậc chân tu. Cũng theo Thượng tọa Thích Huệ Thông: “Hòa thượng Minh Tịnh đã để lại cho thế hệ chúng ta bài học cao cả, đó là lòng kiên nhẫn, ý chí và tinh thần chiến thắng mọi nghịch cảnh của chính mình”...

Hòa thượng Minh Tịnh viên tịch vào ngày 17-5-1951 (năm Tân Mão), thọ 63 tuổi (1888-1951). Tang lễ của hòa thượng được các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBHCKC, MTLV tỉnh Thủ Biên tổ chức tưởng niệm trọng thể trong khu giải phóng. Để tưởng niệm ân đức của hòa thượng, hàng năm GHPGVN tỉnh Bình Dương thường tổ chức Đại giới đàn Minh Tịnh nhằm tưởng niệm lòng tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay, cũng như nhắc nhở các giới tử luôn noi tấm gương sáng của hòa thượng trên lộ trình tu tập.

Và những dấu ấn trong kiến trúc, phật sự hiện nay

Đại đức Thích Chơn Hạnh, trụ trì chùa Tây Tạng hiện nay, cho biết chùa đang được xây dựng, mở rộng thêm nhiều công trình để phục vụ cho công tác phật sự. Dù xây dựng mới thì vẫn theo kiến trúc độc đáo, riêng biệt. Đó là biểu hiện cho 2 pháp khí của Mật tông Tây Tạng là chum và chày Kim Cang. Phần kiến trúc cũ phía trên cao của mái chùa được tôn trí thánh tượng 5 vị Phật thiền, gọi là ngũ trí Như Lai. Đằng sau tượng là bảo tháp thờ xá lợi, cũng mang sắc thái Tây Tạng. Kiến trúc cũ là nơi dùng cho phần lễ, nơi tụng kinh trì giới... Ở đó có những kỷ vật, hình ảnh, dấu ấn của vị thiền sư khai sinh ra ngôi chùa độc đáo này...

Phần xây dựng mới khá khang trang, đồ sộ dự kiến cuối năm 2014 sẽ hoàn thành. Chùa cho xây dựng phần kiến trúc mới với 7 tầng (2 tầng hầm và 5 tầng lầu) trên diện tích đất là 12x54m. Phía sau chùa còn có khu nhà 3 tầng (10x12m). Theo Đại đức Thích Chơn Hạnh, khi những công trình này xây dựng hoàn tất sẽ tạo thành một khu phức hợp phục vụ cho phần hội họp, giảng đường, thiền đường, thư viện, nhà ăn, tầng hầm để xe... Để xây dựng được công trình quy mô này phần lớn nhờ vào công đức cúng dường của chúng bá tánh gần xa...

Để góp phần giúp ích cho cộng đồng, giúp đỡ người khó khăn, bất hạnh, tăng, ni chùa Tây Tạng cùng phật tử của chùa tổ chức nhiều hoạt động xã hội như mở phòng mạch để khám, chữa bệnh miễn phí; phát gạo hàng tháng cho người nghèo và bếp ăn từ thiện... Hàng tháng, có gần 100 người nghèo đến chùa nhận gạo với 10 kg/người. Các ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày mùng một và rằm (âm lịch), chùa phát cơm từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, giúp người lang thang cơ nhỡ với khoảng 1.600 suất/ tháng. Bên cạnh đó chùa còn tham gia các chương trình từ thiện do Giáo hội Phật giáo Bình Dương vận động như học bổng cho học sinh nghèo, tết cho người nghèo...

Với kiến trúc độc đáo và những sử liệu phong phú, chùa Tây Tạng còn là một trong những điểm du lịch tâm linh cho du khách gần xa đến chiêm bái, cùng chung tay làm việc thiện giúp đời...

Đại đức Thích Chơn Hạnh cũng cho biết chùa Tây Tạng vừa làm lễ khánh tuế (mừng thọ) cho Hòa thượng Thích Tịch Chiếu, hiện được 103 tuổi. Hòa thượng Thích Tịch Chiếu là một vị cao tăng đức độ, đệ tử của Thiền sư Minh Tịnh. Tại buổi lễ khánh tuế, chư tôn đức cùng đông đảo phật tử gần xa đã được nghe trích đọc tiểu sử của Hòa thượng Thích Tịch Chiếu, ôn lại những đóng góp của Hòa thượng Thích Tịch Chiếu cho ngôi chùa Tây Tạng sau Thiền sư Minh Tịnh. Mọi người cùng làm lễ mừng thọ, nguyện cầu cho tứ chúng được an khang, bình yên. Như vậy, tại chùa Tây Tạng Bình Dương, có 3 đời kế thế trụ trì là Thiền sư Minh Tịnh, Hòa thượng Thích Tịch Chiếu và nay quyền trụ trì được giao cho Đại đức Thích Chơn Hạnh bởi Hòa thượng Thích Tịch Chiếu tuổi đã cao.

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên