Những “người đưa đò” thầm lặng

Cập nhật: 17-11-2020 | 10:08:19

“Công cha, áo mẹ, chữ thầy/ Gắng công mà học có ngày thành danh”. Dạy học là một nghề đặc biệt, luôn được xã hội tôn vinh, quý trọng và gửi gắm cả tương lai con trẻ vì người thầy trực tiếp đào tạo ra nguồn nhân lực, nhân tài cho đất nước. Cũng chính vì điều ấy mà có những người thầy gắn bó trọn đời vì sự nghiệp “trồng người”, luôn hết lòng, hết sức vì học sinh (HS) thân yêu.


Một khi đã chọn nghiệp “trồng người”, đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà luôn tận tâm, chăm lo cho tương lai của các em. Trong ảnh: Cô Phạm Thụy Tâm Hà luôn gần gũi với HS

Những người không ngơi nghỉ

Dịp 20-11 năm nay cũng rơi vào thời điểm tỉnh tổng kết 5 năm thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập. Bình Dương đã thực hiện vượt chỉ tiêu trong việc xây dựng xã hội học tập theo các mô hình học tập. Trong thành quả chung đó, đội ngũ góp phần làm nên thành công ấy đa số là những nhà giáo đã không còn làm nghề “gõ đầu trẻ”, nhưng vẫn muốn góp sức mình chăm lo cho thế hệ trẻ.

Trong số những người có thâm niên trong hoạt động này phải kể ông Nguyễn Văn Tập, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TX.Tân Uyên. Sau nhiều năm cống hiến cho ngành giáo dục-đào tạo, năm 2005, ông Tập nghỉ hưu theo chế độ, nhưng ông vẫn là “người đưa đò” thầm lặng. Ông tâm sự: “Do có thời gian dài là hiệu trưởng một trường tiểu học, tôi nhận thấy Tân Uyên còn nhiều HS khó khăn cần được tiếp sức đến trường. Vừa nhận quyết định nghỉ hưu, tôi đã chuyển sang công tác khuyến học, mong muốn tìm nhiều nguồn tài trợ khuyến học, khuyến tài cho HS, đồng thời phát triển phong trào khuyến học ở cơ sở”.

Nhiều năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, ông Tập đã thầm lặng đưa những chuyến đò HS đến bến bờ thành đạt. Với lợi thế ấy, cùng với uy tín xã hội, ông đã vận động được nhiều tổ chức, cá nhân trao học bổng khuyến học, khuyến tài cho HS giỏi, HS nghèo hiếu học. “Cứ mỗi đợt các em nhận học bổng, niềm vui của tôi được nhân lên, bởi những HS nghèo không còn nguy cơ bỏ học giữa chừng, những HS giỏi được động viên, khích lệ tinh thần học tập”, ông Tập nói.

Nét nổi bật của Hội Khuyến học TX.Tân Uyên đó là hoạt động khuyến học phát triển đều khắp, với 12 hội cơ sở, 108 chi hội ở các khu phố, trường học, cơ quan. Đặc biệt, Tân Uyên là địa phương thực hiện thí điểm xây dựng các mô hình học tập rất thành công. Và trong đó, không thể không kể đến công sức không nhỏ của “thầy giáo già” Nguyễn Văn Tập. Năm nay ông Tập đã 76 tuổi và có đến 16 năm làm công tác khuyến học. Theo lời ông, cuối năm nay ông đành “gác kiếm”, không phải vì tuổi cao sức yếu mà vì quy định về độ tuổi. Thật đáng trân trọng, những đóng góp của ông trong thời gian qua đã tạo nên dấu ấn tốt đẹp trong hoạt động khuyến học của tỉnh nhà.

Bà Ngô Thị Lệ Mi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học huyện Phú Giáo cũng có thâm niên 10 năm gắn bó với sự nghiệp khuyến học. Địa bàn Phú Giáo rộng, bản thân tuổi đã cao vậy mà bà không ngần ngại ngày ngày “lặng lẽ đi về sớm trưa”, đến cơ sở để phát triển hội khuyến học các xã, thị trấn; xây dựng các mô hình: Gia đình học tập, cộng đồng học tập, khu ấp học tập. Những cống hiến của bà tuy thầm lặng nhưng đầy vẻ vang. Trong năm 2020 này, 11/11 cộng đồng học tập của huyện Phú Giáo được tỉnh đánh giá cao.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Hội Khuyến học TP.Thuận An cũng là một điển hình chăm lo cho nhiều thế hệ HS. Khi còn là Phó phòng Giáo dục - Đào tạo, bà cũng là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học của địa phương. Với vai trò ấy, bà đã có sáng kiến vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức tuyên dương, khen thưởng HS hiếu học hàng năm. Hoạt động này được duy trì cho đến ngày nay. “Tôi đã cùng với Ban Chấp hành hội xây dựng các mô hình học tập và từng bước xây dựng xã hội học tập, góp phần duy trì, củng cố kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, giúp đỡ cho các em HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp tục đến trường, qua đó góp phần giảm tỷ lệ lưu ban, bỏ học, cũng như giúp cho các gia đình không vi phạm tiêu chí khống chế của Gia đình học tập”, bà Mai chia sẻ.

Dốc lòng vì đàn em thân yêu

Cùng với những nhà giáo tuy đã nghỉ hưu vẫn không ngơi nghỉ, đội ngũ nhà giáo đang công tác vẫn cần mẫn gieo chữ cho đàn em. Các thầy cô không chỉ dạy các em đức, trí, thể, mỹ mà còn lan tỏa tình yêu thương đến các em. Cô Phạm Thụy Tâm Hà, giáo viên dạy tiếng Anh của trường THCS Chu Văn An (TP.Thủ Dầu Một) là một trong những “con ong cần mẫn” đó. Trong giảng dạy, cô nghiêm khắc nhưng rất tình cảm. Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy của một giáo viên dạy giỏi, cô Tâm Hà linh hoạt trong giáo dục HS, đặc biệt là những HS chưa ngoan, HS cá biệt. Cô Đoàn Thị Thanh Bình, Phó hiệu trưởng nhà trưởng nhận xét: “Nhà trường rất hài lòng khi có những giáo viên như cô Tâm Hà. Cô luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em. Cô đã dùng tình thương như người thân “cảm hóa” những HS có cá tính, đồng thời phối hợp tốt với phụ huynh trong giáo dục HS, giúp các em tiến bộ trong học tập và nhận thức”. Cũng chính vì theo sát học trò nên không ít lần cô đã phát hiện những biểu hiện manh nha không tốt trong HS và đã kịp thời gặp, hòa giải hai bên, giúp các em hiểu nhau, tránh xảy ra xung đột.

Cô Tâm Hà chia sẻ: “Trong lớp, tôi là giáo viên, nhưng khi ra ngoài tôi là chị, là mẹ để các em mạnh dạn tâm sự. Chính điều đó đã tạo sự tin tưởng của HS, các em thường tìm đến tôi mỗi khi gặp khúc mắc trong cuộc sống. Trong quá trình HS học, tôi có lời khen kịp thời ngay khi các em có tiến bộ dù nhỏ. Đó chính là liều thuốc tiếp thêm động lực để HS học tập tốt hơn”. Cô Hà kể tiếp, có lần khi biết một em HS nữ nghỉ học, bỏ nhà đi, biết chuyện, cô đã đến nhà gặp phụ huynh và cam kết sẽ đưa em ấy về nhà, đồng thời có lời khuyên cho cha mẹ em không nên mắng, đuổi con. “Khi tìm được cô học trò đó, tôi đưa đi ăn uống. Cô trò cùng tâm sự, sau đó tôi đưa em về nhà. Đến nay có nhiều trường hợp tôi đã giúp HS quay về, không bị lạc lối bởi những suy nghĩ nông cạn”, cô Tâm Hà bộc bạch. Và thật trân trọng, dù đồng lương còn chật vật, phải lo toan cho gia đình nhưng 4 năm qua, mỗi tháng cô góp 1 triệu đồng cho bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh và hỗ trợ tiền cho một người lớn tuổi khó khăn. Với những HS quá khó khăn, đầu năm học cô mua đồng phục trao tặng.

Ở trường Tiểu học Mỹ Phước (TX.Bến Cát), thầy giáo trẻ Nguyễn Minh Đạt, giáo viên dạy lớp 5 luôn nhận được sự tín nhiệm của Ban Giám hiệu, đồng nghiệp, sự thương yêu của HS trong trường. Là giáo viên nam nhưng thầy Đạt rất tình cảm, dành trọn tình yêu thương cho các học trò nhỏ. Thầy không chỉ truyền đạt kiến thức cho HS mà dạy các em “làm người”; sống biết yêu thương, quan tâm những người xung quanh. Năm nào cũng vậy, đến ngày 8-3, thầy Đạt đều hướng dẫn học trò làm hoa tặng cha mẹ, thầy cô. Dù đồng lương giáo viên còn khiêm tốn, nhưng tết đến, thầy dốc tiền túi làm “cây mùa xuân”, treo phong bao lì xì cho HS, tạo niềm vui cho các em khi mùa xuân về. Lo cho các học trò nhỏ, thầy luôn chuẩn bị sẵn tập, viết tặng cho HS. Những em có hoàn cảnh khó khăn, thầy đề xuất nhà trường có biện pháp giúp đỡ. Chính từ sự quan tâm sâu sát của thầy đối với học trò nên các em rất thích học lớp của thầy Đạt.

Cao quý thay nghề dạy học. Một khi đã chọn nghiệp “trồng người”, đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà luôn tận tâm, chăm lo cho tương lai của các em. Những kiến thức hay, những bài học hữu ích, những chân giá trị quý báu từ cuộc sống đã được người thầy dốc lòng truyền đạt cho các em. Ngày 20-11 năm nay, thêm một lần nữa xã hội tôn vinh nghề dạy học, vinh danh những người thầy đã dạy dỗ HS trở thành người có ích cho xã hội.

 HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên