Những người thầy nơi chiến khu

Cập nhật: 16-11-2013 | 00:00:00

> Bài 1: Lớp lớp giáo viên, học sinh cùng ra trận

Bài 2: Những nhà giáo ngã xuống nơi chiến trường

 Trong chiến tranh, nhiều trường lớp bị phá hủy, nhiều giáo viên đã hy sinh anh dũng, nhưng phong trào giáo dục vẫn duy trì và phát triển trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt. Trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, tỉnh Thủ Dầu Một đã có 29 nhà giáo và cán bộ ngành giáo dục đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập của nước nhà.

   Hàng năm, vào ngày 27-7, các cựu học sinh trường cấp 1, 2 Nguyễn Văn Lên đến viếng, thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh

 Hy sinh vì nghĩa lớn

Phong trào giáo dục tỉnh Thủ Dầu Một phát triển mạnh từ cuối năm 1962 đến 1966, đỉnh cao là 1965-1966. Để tránh bom đạn của kẻ thù, thầy trò phải đào hầm, giao thông hào xung quanh lớp học. Nhưng chiến tranh vốn ác liệt, hơn nữa, trường lớp là mục tiêu địch đánh phá bằng phi pháo nên có nhiều nhà giáo, học sinh đã ngã xuống. Nhắc đến nhà giáo Trần Thị A, xã Thanh Tuyền (Dầu Tiếng), nhà giáo Nguyễn Chín Công, xã Tân Định (Bến Cát), những nhà giáo hoạt động cùng thời không khỏi tiếc thương vì sự ra đi của họ. Thời đó giặc Mỹ sử dụng bom xăng ở một số xã của huyện Bến Cát hòng hủy diệt cách mạng. Trong lúc đang dạy học thì giặc thả bom xăng, làm 2 nhà giáo hy sinh.

Trong giai đoạn này, người chiến sĩ cách mạng, nhà giáo Lâm Thanh Đáo hoạt động ở khu vực xã Hòa Lợi (Bến Cát). Tham gia dạy học nhưng khi có giặc đến là thầy cầm súng chiến đấu. Ngoài mặt trận, thầy chiến đấu gan dạ, dũng cảm, khiến cho quân thù phải khiếp sợ. Trong một cuộc đối đầu giữa ta và địch, chẳng may thầy rơi vào tay giặc. Dù bị giặc đánh đập tàn nhẫn, nhưng thầy vẫn giữ vững khí tiết của người cách mạng. Không moi được tin tức từ thầy, bọn giặc tàn bạo đã cột thầy vào xe tăng và lôi đi cho đến chết.

Hai anh em ông Vũ Hoàng Minh và ông Vũ Hoàng Khanh đều là nhà giáo kháng chiến. Ông Minh làm ở bộ phận in ấn sách giáo khoa phục vụ giảng dạy cho các trường học, còn ông Khanh là Ủy viên Tiểu ban giáo dục. Đầu năm 1968 ông Khanh về Phú Thọ (TP.TDM) hoạt động, chuẩn bị cho chiến dịch xuân Mậu Thân 1968. Chỉ 3 tháng sau ông đã hy sinh vì bị giặc phát hiện hầm bí mật nơi ông trú ẩn. Nhắc về người anh, người đồng chí của mình, ông Minh vô cùng tự hào “anh tôi đã hy sinh vì nghĩa lớn, tôi rất tự hào về anh mình. Ngày nay tôi dạy con cháu sống sao cho xứng đáng với những người đã vì nước quên mình để đem lại hòa bình cho quê hương”.

Nhà giáo kháng chiến Nguyễn Thị Bé Tư, quê ở xã Thanh Tuyền (Dầu Tiếng) cho rằng, mình còn sống được đến ngày nay là may mắn hơn nhiều so với đồng chí, đồng đội. Ngày đó, các nhà giáo ngoài nhiệm vụ dạy văn hóa còn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu khi có giặc. Cô kể, thời đó chiến tranh diễn ra ác liệt lắm, có người trên đường đi công tác đã hy sinh vì bị pháo bắn, bom B52 của địch thả xuống. Khoảng thời gian năm 1963-1965 giặc dồn dân vào ấp chiến lược. Mỗi ấp chiến lược được bao dây kẽm gai, gài chông mìn, có lính canh gác. Vậy mà các nhà giáo không ngại nguy hiểm, đột nhập vào ấp móc nối cơ sở, đưa truyền đơn tuyên truyền phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của giặc Mỹ.

Trong đội ngũ nhà giáo yêu nước, nổi bật nhất là nhà giáo Nguyễn Quốc Phú. Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập, khoảng cuối năm 1965, Hội Nhà giáo yêu nước trực thuộc Tuyên huấn tỉnh được thành lập, ông Nguyễn Quốc Phú được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nhà giáo yêu nước tỉnh. Cuối năm 1966, ông về công tác trong Ban Trí vận mặt trận khu Sài Gòn - Gia Định. Tại đây, ông đã xây dựng lực lượng cách mạng, hình thành đội ngũ hội viên “hội các nhà giáo yêu nước” ở Bình Dương, Củ Chi, Gia Định, Khánh Hội và đông đảo quần chúng cảm tình ủng hộ cách mạng. Tháng 6- 1967, ông Phú bị địch vây bắt ở khu Bàn Cờ (Sài Gòn). Dù bị thương và bị tra tấn dã man cho đến chết, nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết.

Ông Vũ Hoàng Minh nhớ lại, giai đoạn 1967, chuẩn bị cho tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân, một số cán bộ được rút ra chiến trường, họ đã chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng.

Mở trường cho con em liệt sĩ

Năm 1973, dù Hiệp định Paris được ký kết, nhưng địch vẫn ngoan cố lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Dù vậy, phong trào giáo dục ở các địa phương vẫn được duy trì. Tháng 4-1973, Tiểu ban Giáo dục thành lập trường nội trú dạy cho con em cán bộ và gia đình chính sách. Trường đóng ở ấp Giáng Hương (xã An Lập, Dầu Tiếng bây giờ), được làm bằng tranh, tre, nứa lá. Ông Nguyễn Xuân Dũng, nguyên Phó Hiệu trưởng nhà trường còn nhớ: “Tuy là vùng giải phóng, nhưng vẫn có biệt kích, giặc vẫn thả bom, bắn pháo. Để bảo đảm an toàn, thầy trò cùng nhau đào hầm, xây dựng căn cứ để tránh bom. Thời gian đầu lớp học chỉ có khoảng 20 học sinh. Trong chiến tranh, điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn, vừa học, các học sinh vừa sản xuất, tự túc lương thực”.    Ông Nguyễn Xuân Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường Nguyễn Văn Lên kể cho phóng viên Báo Bình Dương nghe về quá trình hoạt động của trường

Thời gian này rất thiếu giáo viên, trường chỉ có 3 giáo viên thay nhau dạy. Lúc này trường chọn và tập huấn sư phạm cho một số học sinh lớn tuổi, có trình độ, để các em dạy lại các em nhỏ. Sau giải phóng trường chuyển về Bến Cát và lấy tên anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Lên đặt tên cho trường, thầy Nguyễn Xuân Dũng được bầu làm hiệu trưởng. Sau đó, trường sáp nhập vào trường bổ túc công nông tỉnh.

Thời kháng chiến, nước ta đối mặt với 3 loại giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Với lòng yêu nước nồng nàn, các thầy cô giáo kháng chiến đã vượt qua mọi khó khăn trở ngại, góp phần bồi dưỡng cho các thế hệ trở thành người có ích, giải quyết việc học tập cho con em vùng giải phóng. Việc mở trường lớp trong chiến khu và các vùng giải phóng đã nâng cao được trình độ văn hóa cho cán bộ, bộ đội, du kích và nhân dân. Và trường nội trú Nguyễn Văn Lên ra đời đã nâng cao trình độ văn hóa cho con em cán bộ chủ chốt, cũng như đào tạo đội ngũ kế thừa.

Cuối cùng, xin mượn mấy câu thơ của Ban liên lạc trường cấp 1, 2 Nguyễn Văn Lên để kết thúc bài viết:

“… Chúng ta lớn khôn trong ngôi trường ấy,

Cùng luyện rèn chí lớn, đạo làm người,

Làm hạt giống cho mùa sau chắc hạt,

Không thẹn lòng với người đã đi xa…”.

 A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên