Những người thợ đam mê sáng tạo

Cập nhật: 06-07-2020 | 08:21:00

Họ không học tiếp lên đại học sau khi tốt nghiệp THPT mà chọn hướng đi học nghề. Sau hơn 10 năm làm việc, họ đã là những công nhân lành nghề, những quản lý giỏi, hàng năm làm lợi cho công ty nhiều tỷ đồng. Đây là những điển hình lao động giỏi, lao động sáng tạo vừa được Công đoàn Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) và công đoàn cấp trên tuyên dương, khen thưởng…

Người quản lý mê sáng tạo

Anh Đỗ Huy Dũng về Bình Dương làm việc tại Công ty TNHH Fujikura, một công ty sản xuất các loại cáp quang tại VSIP từ 2003 đến nay và chưa hề… nhảy việc!

Hơn 10 năm qua, anh làm việc trên vị trí từ người công nhân đến quản lý sản xuất ở bộ phận đông lao động nhất. Anh Dũng cho biết hiện tại anh rất yên tâm với công việc đã chọn với mức thu nhập ổn định cũng như những chế độ đãi ngộ của công ty.

Về hoạt động công đoàn, công ty của anh đang làm là một trong số doanh nghiệp luôn tạo điều kiện cho công nhân lao động tham gia hầu hết các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của đơn vị. Đặc biệt, thỏa ước lao động tập thể được công đoàn làm cầu nối ký kết với lãnh đạo doanh nghiệp hàng năm và tạo điều kiện rất lớn cho người lao động. Theo anh Dũng, không nhất thiết phải theo học đại học mà theo học trường nghề và làm công việc mình yêu thích cũng có thể thành công, hài lòng với cuộc sống. Hàng năm, anh đều có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong công việc để giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng. Anh Đỗ Huy Dũng cũng đã được Công ty TNHH Fujikura khen thưởng vì có thành tích: Thành công trong việc đạt mục tiêu giảm giá bán và tỷ lệ QC trả về của nhóm sản phẩm Panda FOC; giải nhất hoạt động QCC năm 2018- 2019 về chủ đề thực hiện FAA để giảm lỗi Line SUS…

Tri ân vùng đất nghĩa tình

Anh Đỗ Trương Long quê Bến Tre, đã sống và làm việc ở Bình Dương được 15 năm. Anh cũng làm ở Công ty TNHH Fujikura kể từ sau khi có bằng học nghề. Sau 15 năm làm việc, anh Long đã xây dựng gia đình hạnh phúc cho riêng mình trên quê hương Bình Dương. Cuộc sống ở Bình Dương theo anh là “rất hài lòng và tôi tri ân mảnh đất ân tình này”. Hàng năm, có dịp nghỉ là anh cùng vợ con về thăm gia đình và giúp đỡ ba mẹ ở quê. Anh Long cho biết anh học ở trường Trung cấp nghề Bình Dương, sau đó ra trường và đi làm. Anh toàn tâm toàn ý cho công việc bởi anh yêu thích nó và đam mê sáng tạo.

Một trong những cải tiến kỹ thuật của anh Long là cải tiến, lắp CCD camera để kiểm soát phương pháp gá vật tư. Trước khi được cải tiến, trạm soldering tại công ty hoạt động chưa tốt; hàng hư nhiều, năng suất không cao, khoảng 71%. Sau khi anh Long cải tiến, lắp CCD camera để kiểm soát phương pháp gá vật tư, năng suất tăng lên 90%, giảm tỷ lệ hàng hư, tiết kiệm cho công ty hơn 941 triệu đồng. Một sáng kiến nữa mà anh Long được ghi nhận là trước cải tiến, công đoạn chỉnh mắt Panda của fiber thường xuyên làm hư hàng do phương pháp, đồ gá chưa tốt. Sau cải tiến, thiết kế đồ gá mới để phương pháp làm việc chuẩn xác hơn, giảm thiểu tối đa hàng hư tại công đoạn, tiết kiệm cho công ty hơn 135 triệu đồng. Một sáng kiến khác của anh cũng làm lợi cho công ty hơn 72 triệu đồng… Anh còn vinh dự nhận được nhiều giải thưởng của công ty cho những cải tiến, tăng năng suất và chất lượng.

Bằng niềm đam mê và trách nhiệm cao với công việc, các anh Đỗ Huy Dũng và Đỗ Trương Long được lãnh đạo cũng như Ban chấp hành CĐ các cấp đánh giá cao trong quá trình công tác cũng như xây dựng phong trào lao động sáng tạo, cải tiến kỹ thuật. Thành công chỉ đến khi họ biết cống hiến cho công việc bằng tất cả cố gắng, sức sáng tạo và lòng nhiệt tình

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết
Tags
THPT

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên