Những nhà giáo thầm lặng

Cập nhật: 19-11-2010 | 00:00:00

Hạnh phúc của người thầy là được xã hội tôn vinh. Riêng ngày 20-11, nhiều thầy, cô giáo được xã hội trân trọng với nhiều hoạt động tri ân, được học sinh thăm hỏi, tặng quà. Nhưng có một nơi, ngày ngày người thầy vẫn âm thầm lặng lẽ dạy nghề cho những người không được may mắn như bao người khác. Dù ít được mọi người biết đến, cũng không cần tôn vinh danh hiệu này, huy hiệu nọ, nhưng những người thầy ấy vẫn có hạnh phúc riêng khi đã góp phần đào tạo nghề cho người tàn tật (NTT), giúp họ hòa nhập với cộng đồng, không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội. Một trong những nơi đó là Trung tâm (TT) Dạy nghề NTT thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh.

  Cô Nguyễn Thị Lợi ân cần chỉ dạy từng học viên

Khác với sự ồn ào náo nhiệt ở những TT, cơ sở giáo dục - đào tạo khác, TT Dạy nghề NTT khá yên ắng. Vậy mà ngày ngày nơi đây vẫn diễn ra các hoạt động dạy nghề: dệt, in lụa, may, điện tử, điện cơ và tin học cho trên 100 học viên (HV). Một điều khác nữa là không có kiểu giáo viên (GV) quát tháo HV, dù họ có lơ đãng trong học tập hoặc tiếp thu chậm. Thay vào đó là những lời nói ngọt ngào, chỉ dạy tận tình theo kiểu cầm tay chỉ việc. Là nơi dạy nghề cho NTT nên mỗi người một kiểu khuyết tật: khuyết tật vận động, thiểu năng trí tuệ, câm, điếc... Dạy nghề cho người khuyết tật khó khăn hơn người bình thường rất nhiều, người khéo léo thì bị khiếm thính, người nghe được thì hay quên. Cách dạy của người thầy cũng phải uyển chuyển theo từng đối tượng. Đó là áp lực đối với người thầy, đồng thời đòi hỏi sự kiên trì nhẫn nại, cùng với tấm lòng thương người vô hạn mới gắn bó được với công việc. Ông Phan Thanh Minh, Giám đốc TT cho biết, trường có 10 GV, trong đó có 4 GV cơ hữu. GV ở đây dạy với cái tâm là chính, thu nhập thấp nhưng nhiều GV vẫn đồng hành với TT trong hành trình đào tạo nghề cho NTT.

 

Có nghề may trong tay, cô Nguyễn Thị Lợi thừa khả năng mở tiệm, nhưng cũng vì nặng lòng với người khuyết tật, cô đã gắn bó với TT từ khi mới thành lập. Mỗi buổi lên lớp cô khá vất vả, vì phải đến từng bàn chỉ dạy tỉ mỉ cho các HV. Nhìn cách dạy của cô cũng khá vui, khi thì cô nói huyên thuyên, lúc lại ra dấu... Thấy có khách đến tham quan, một HV khiếm thính đem một chiếc áo đến đưa trước mặt chúng tôi, ý chừng như khoe họ cũng khéo không thua kém gì người khác. Nhiều năm dạy nghề cho người khuyết tật, cô đã có kinh nghiệm trong việc truyền đạt nghề cho từng đối tượng. Với người khiếm thính, cô dạy cách tính toán các số đo bằng máy tính; còn người nói được - nghe được cô dạy cách tính toán thông thường. Cô tâm sự: “Các em ở đây tội lắm, nhiều em tiếp thu chậm phải dạy đi dạy lại nhiều lần, vậy mà đến hôm sau vô lớp không nhớ gì, tôi phải làm lại từ đầu. Các em vốn mặc cảm với số phận nên dễ giận hờn, nên tôi nhỏ nhẹ chỉ dạy và khen động viên khi các em thực hành tốt”.

 

Nặng nhất là lớp dệt do cô Trần Thị Hoài Dung phụ trách. Ở lớp này, các em đa số bị thiểu năng trí tuệ và hội chứng down, không nói ra cũng đủ biết nhận thức của HV ở đối tượng này. Lớp học khoảng 25 HV, em nào mặt cũng ngơ ngơ ngẩn ngẩn, tôi mới cảm nhận được tấm lòng thương người của cô Dung thật bao la. Công việc còn đòi hỏi ở cô tính nhẫn nại, dịu dàng, bởi sự tiếp thu của HV rất kém. Có HV, ngay cả việc nối 2 sợi chỉ với nhau, nhưng cô dạy đi dạy lại nhiều lần các em vẫn không làm được.

 

Thầy Nguyễn Văn Thinh, dạy môn điện cơ cũng là một trong số những người gắn bó lâu dài với TT. Bản thân thầy bị thương tật nên thầy đồng cảm với hoàn cảnh của các HV và dốc hết sức ra truyền nghề cho các HV để sau này họ có thể tìm được việc làm ổn định, không còn là gánh nặng cho gia đình.

 

HV ở đây không chỉ bị khiếm khuyết bản thân mà đa số có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên họ ít được quan tâm chăm sóc, mặt khác những người này vì mặc cảm bản thân nên tính cách đôi lúc cũng khác thường. Vậy nên, những thầy cô ở đây không chỉ là người thầy dạy nghề, mà còn là người cha, người anh của HV. Thầy Thinh cho biết: “Tôi chấn chỉnh các em từ cách ăn mặc, nói năng, đối xử với người xung quanh. Tôi cũng khuyên các em đừng tự ti mà hãy tự tin khi tiếp xúc với người khác và bản thân mình vẫn có thể làm được những việc của người bình thường nếu có quyết tâm. Nhờ sự khuyên nhủ của tôi, nhiều em học tập chăm chỉ, có em ra trường còn mở được tiệm, có được việc làm ổn định”.

 

Cô Lợi cũng chia sẻ, các em ở đây khuyết tật nhưng cũng tình cảm lắm. Có một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên đối với HV khóa 3. Có lần các em hỏi tôi sinh ngày nào, tôi bảo chỉ nhớ năm, không nhớ ngày. Thế là đến ngày 20-11, các em đặt bánh kem và tổ chức sinh nhật cho tôi. Niềm vui nhân đôi, tôi thật bất ngờ vì không nghĩ các em sâu sắc đến vậy.

 

Ông Phan Thanh Minh còn cho biết, cùng với trang bị kiến thức nghề cho HV, TT đã chủ động tổ chức lớp xóa mù chữ cho HV để các em dễ dàng tiếp thu kiến thức trong việc học nghề. TT còn duy trì sinh hoạt định kỳ để nhắc nhở, rèn luyện cho HV ý thức sinh hoạt tập thể, tính tự lập và những kỹ năng cần thiết khi hòa nhập cộng đồng. Được sự hỗ trợ của TT Văn hóa - Thể thao, Thư viện tỉnh và một số cơ quan - tổ chức khác, TT đã tổ chức lớp cờ vua, xây dựng tủ sách với 300 đầu sách... để HV có điều kiện học tập, giải trí và phát triển năng khiếu, kết hợp rèn luyện phục hồi chức năng. Hàng năm, HV sau tốt nghiệp được TT giới thiệu việc làm. Riêng năm 2010, TT đã giới thiệu cho 25 lượt HV tìm được việc làm trong và ngoài tỉnh, giới thiệu cho 4 HV chuyển sang làm ở cơ sở mới...

 

Chính từ sự quan tâm của toàn xã hội, tình người của cán bộ - giáo viên ở TT đã giúp cho những người khuyết tật trở thành những người có ích, hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng mà trước đó họ không dám mơ đến.

A.Sáng

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X