Những nỗ lực cải thiện tình trạng ô nhiễm tại kênh Ba Bò

Cập nhật: 12-11-2010 | 00:00:00

Kỳ 1: Nhận diện “thủ phạm”

Kỳ 2: Tăng cường các giải pháp làm sạch kênh Ba Bò

Tại cuộc họp bàn biện pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò ngay sau đợt khảo sát thực tế, nhiều đại biểu (ĐB) đã thẳng thắn nhìn nhận, nỗ lực thời gian qua của các sở, ngành là đáng ghi nhận, tuy nhiên cần phải tăng cường hơn nữa các giải pháp hữu hiệu để làm sạch kênh Ba Bò, giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm tại con kênh này, góp phần vào sự phát triển bền vững tại địa phương.

Đầu tư thêm dự án xử lý ô nhiễm

Ông Hồ Văn Thông, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương, cho biết thực hiện chủ trương của UBND tỉnh từ cuối năm 2008, đến nay dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải kênh Ba Bò đang lập thủ tục nghiệm thu trước khi trình thẩm định. Dự án này có tổng kinh phí trên 600 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sẽ xây dựng hệ thống thoát nước mưa trên cơ sở bờ kênh hiện hữu, dài 3.100m. Trên dọc tuyến kênh này xây dựng đường bê tông nhựa, lòng đường rộng 6m với vốn đầu tư khoảng 257 tỷ đồng. Giai đoạn 2 của dự án là xây dựng mạng lưới cống thu gom và nhà máy xử lý nước thải với công suất 10.000m3/ngày đêm, đặt tại khu đất giáp ranh cầu Ông Bố, xã Bình Hòa, Thuận An. Tổng mức đầu tư là 350 tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ bảo đảm tốt về môi trường cho cả khu vực kênh Ba Bò và vùng phụ cận.

 

Toàn cảnh kênh Ba Bò được ghi hình và đưa lên màn ảnh rộng để các ĐB trong đoàn giám sát tiện đóng góp ý kiến

Cũng nhằm mục đích giảm thiểu chất thải từ sinh hoạt đổ xuống dòng kênh Ba Bò, UBND tỉnh cũng đã giao cho Sở NN & PTNT làm chủ đầu tư dự án kênh tiêu T6 (thuộc dự án hệ thống tiêu nước thị trấn Dĩ An và KCN Tân Đông Hiệp). Mục đích chính của dự án là phục vụ cho việc tiêu nước sinh hoạt một phần khu vực thị trấn Dĩ An. Dự án được thiết kế bằng bê tông, cốt thép có chiều dài 1.658m (đầu tuyến tiếp giáp đường Lý Thường Kiệt, thị trấn Dĩ An, cuối tuyến đấu nối vào kênh tiêu Suối Nhum). Tính đến nay, dự án này đã hoàn thành phần bê tông tuyến kênh dài 1.483m và toàn bộ các ống qua đường, hố ga, tổng vốn đầu tư trên 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, đoạn còn lại chưa thi công được do vướng 2 hộ chưa giải tỏa xong. Nếu dự án này hoàn thành cũng sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể việc chất thải sinh hoạt đổ xuống kênh Ba Bò.

Cùng với tỉnh Bình Dương, phía TP.HCM cũng đã triển khai cải tạo dự án kênh Ba Bò. Hiện nay, TP.HCM đang triển khai hơn 50% gói thầu của dự án. Các gói thầu còn lại triển khai sau do phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật bổ sung hạng mục hồ xử lý sinh học. 

Tiếp tục tăng cường giải pháp

Nhiều ĐB cho rằng, mục đích chính của chúng ta là làm giảm, tiến tới “xóa hẳn” tình trạng ô nhiễm môi trường tại kênh Ba Bò. Tuy nhiên, phải tính toán làm sao để các dự án khả thi, mang tính bền vững, tránh tình trạng lãng phí. ĐB Nguyễn Minh Giao, Chánh Thanh tra tỉnh đề nghị đơn vị chủ đầu tư các dự án tại kênh Ba Bò cần nhanh chóng triển khai có hiệu quả. ĐB Lê Văn Rum, Giám đốc Sở NN & PTNT, cho rằng hệ thống thoát nước mưa không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề môi trường. Nguyên nhân gây ô nhiễm chính vẫn là chất thải công nghiệp. Do đó, trong quá trình xây dựng dự án cần tính toán sao cho những dự án mang tính lâu dài giải quyết vấn đề ô nhiễm cho cả khu vực chứ không chỉ riêng kênh Ba Bò.

Bà Trần Thị Kim Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị trước mắt UBND huyện Thuận An và xã Bình Hòa cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác và xả nước thải trực tiếp xuống lòng kênh, có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Các cơ quan có trách nhiệm tăng cường công tác giám sát việc xả thải từ các DN trong KCN Sóng Thần 1, 2 và khu vực ven để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các DN không tuân thủ quy trình xử lý chất thải. Các đơn vị chủ đầu tư dự án nhanh chóng hoàn thành các dự án. Bên cạnh đó, Sở TN-MT tỉnh cần kết hợp với Sở TN-MT TP.HCM tổ chức khảo sát nguồn thải từ phía TP.HCM, Quân đoàn 4 và nhanh chóng hoàn thành trạm giám sát nước tự động tại các KCN...

HỒ VĂN

* Đại biểu Nguyễn Văn Khái: “Khoanh vùng xử lý chất thải công nghiệp trước...”

Qua thực tế giám sát, chúng tôi có hỏi người dân thì được biết những lúc trời mưa, dọc kênh này vẫn còn bốc mùi hôi nồng nặc. Điều đó chứng tỏ kênh Ba Bò có giảm nhưng vẫn còn ô nhiễm. Do đó, chúng ta cần tăng cường giải pháp khả thi hơn, nhất là việc nêu cao tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan môi trường trong việc giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xả chất thải chưa qua xử lý xuống dòng kênh. Theo tôi, tại con kênh này nước thải công nghiệp là quan trọng. Do đó, chúng ta cần khoanh vùng xử lý chất thải công nghiệp trước, sau đó mới nghĩ đến việc xử lý chất thải từ các KDC.

* Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn: “Cho doanh nghiệp vay ưu đãi để tự xử lý môi trường...”

Trong thời gian qua, chúng ta đã bỏ hàng tỷ đồng để cải thiện tình trạng ô nhiễm tại kênh Ba Bò, tuy nhiên hiệu quả mang lại không như mong muốn. Theo tôi, cái chính là do cơ quan quản lý không tốt. Tại sao chúng ta vớt được gần 20.000 tấn rác nhưng khi khảo sát, rác vẫn còn dày đặc tại hồ điều tiết? Do vậy, tôi nghĩ để tránh lãng phí, chúng ta cần quản lý tốt nguồn vốn đầu tư vào con kênh này. Nếu có thể, tôi đề nghị tỉnh cần có chính sách cho các DN trong các KCN lân cận kênh Ba Bò vay vốn ưu đãi để họ tự xây dựng hệ thống xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường, vì mục đích chính của chúng ta là xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên