Những phận đời “ca sĩ đường phố”

Cập nhật: 06-04-2010 | 00:00:00

Ca sĩ biểu diễn trên các sân khấu. Đó là chuyện bình thường. Nhưng cũng có những ca sĩ không có được vinh dự “bình thường” như thế mà họ chỉ hát ở đầu đường góc phố. Vui buồn đời ca sĩ đường phố hầu như đều có cả, nhưng điều quan trọng ở đây là một trong những con đường để họ kiếm tiền mưu sinh cuộc sống.

“Ca sĩ “ Đông đang hát phục vụ mọi người ở “sân khấu” lề đường để mong bán được những cây kẹo kéo“Sân khấu” lề đường

Thấp thoáng trên những cung đường, hầu như trước các quán ăn, quán cà phê lề đường, dưới ánh đèn điện nhập nhòa của con phố về đêm, những người ca sĩ này vẫn miệt mài phục vụ công chúng một cách nhiệt tình. Khi bóng tối vừa tràn về là lúc mà những “ca sĩ” này lên đường “biểu diễn”. Chỉ với một chiếc xe gắn máy, một cặp loa, ampli, đầu đĩa, micro... thế là họ rong ruổi qua các nẻo đường, góc phố, nơi mọi người đang ngồi vui vẻ cùng bạn bè, người thân ở những quán ăn, quán nhậu để hát với tất cả những gì mình có thể, mong làm vui lòng người nghe rồi có thể bán được những cái kẹo kéo. Anh Thanh Nam, quê ở Thanh Hóa cho biết: “Mỗi đêm như thế là chúng em đi làm “ca sĩ”, khá thì kiếm được 50 - 100.000 đồng mỗi đứa, cũng có hôm hát khô cổ mà chẳng bán được cây kẹo nào. Gia đình nghèo, học hành chẳng đến chốn, lông bông mãi chẳng kiếm được việc làm, thế là mấy đứa nghĩ ra cái nghề này, đi hát cho người ta nghe để mong họ mua ủng hộ mình vài cây kẹo”.

Vậy đó, họ lại nhiệt tình hát cho mọi người nghe một cách say sưa bên cái “sân khấu” lề đường, hè phố. Cái sân khấu nhỏ mà không nhỏ ấy đã giúp họ trang trải trong cuộc sống này, mỗi buổi tối như thế cũng có đến vài nhóm “ca sĩ” này tới góp vui. Trong những ngày nóng nực như thế này, mọi người đổ nhau ra đường, phố về đêm càng đông. Vào dịp cuối tuần, các ca sĩ này thường phải chạy sô cật lực để tận dụng cơ hội này mong có nhiều người mua kẹo kéo ủng hộ khi nghe họ hát. Anh Nam chia sẻ: “Mỗi đứa phải vay mượn tiền để đủ tiền sắm được một bộ đồ nghề này chỉ xoàng xoàng mà cũng phải mất từ 3 - 5 triệu đồng, một cái cũng khá quan trọng đối với nghề này nữa là chất giọng”.

Ở TX.TDM, những con đường như CMT8, Thích Quảng Đức, KDC Chánh Nghĩa... là nơi mà chúng ta có thể thấy các ca sĩ này thường lui tới nhất. Vì ở đó có nhiều các quán ăn, quán nhậu. Hầu như góc phố nào cũng đều có những bước chân của các bạn đi mỗi đêm, tiếng hát đã trở thành quen thuộc của rất nhiều người. Tiếng hát trong bóng đêm, dưới ánh đèn, trên hè phố tuy không được như những sân khấu lớn nhưng đó là những gì mà những ca sĩ này có được và mong muốn trao gửi lại cho “khán giả”.

Trường hợp của anh Nguyễn Hữu Đông, quê Bình Thuận thì khác, do không có tiền sắm cho mình bộ đồ nghề này, anh phải đi làm thuê cho chủ ở Gò Vấp (TP.HCM). Cứ trời vừa chập tối là anh cùng đồng nghiệp lên đường. Từ Gò Vấp, anh chạy lên TX.TDM, quanh những quán ăn, quán nhậu làm “ca sĩ”, làm thuê cho người ta, nhưng anh cũng kiếm được thu nhập kha khá từ nghề này. Anh tâm sự: “Tôi bán một đêm cũng được 300 - 400 cây kẹo, tôi được chủ cho hoa hồng 900 đồng/cây (2.000 đồng/cây kẹo), ngày nào bán được nhiều thì tôi được tiền thù lao nhiều, có nhiều khi ngày chỉ bán được vài chục cây thôi”.

Chỉ cần có chất giọng và một chút tự tin khi đứng trước đám đông để có thể hát lưu loát được, tất cả các yêu cầu đó cần thiết cho một nhóm nhạc nghiệp dư được ra đời.

Vui buồn chuyện nghề

Lắm chuyện vui buồn từ cái nghiệp hát rong để bán kẹo kéo này. Những phiền toái khi sân khấu là hè phố, anh Đông kể: “Có những đêm hát khô cả cổ mà không bán được cây kẹo kéo nào, nhiều khi gặp mấy ông say rượu hay gây sự. Trời mưa là khỏi đi hát luôn, nhiều hôm đứng hát ở các công viên, thấy mọi người nghe say sưa, nhưng hát xong ai cũng cười... tủi thân lắm, đã không mua kẹo thì thôi lại còn làm cho người ta ngượng muốn chết luôn”.

Thường mỗi nhóm đi hát có từ 2 - 3 người cùng đi, phân công nhau mỗi người mỗi việc, người chịu trách nhiệm đi hát, người nữa đi theo để bán kẹo, còn một bạn phụ trách phần âm thanh. “Mỗi cây kẹo đến với tay người mua, bọn mình lại thấy vui hơn, tự tin hơn với nghề mình làm, vì mình hát còn có người nghe”, anh Đông tâm sự.

Cũng có nhiều hôm họ phải nghỉ đi hát vì một trong những thành viên nhóm bị bệnh, không hát được, đành phải ở nhà nghỉ dưỡng. Mỗi ngày, họ phải tìm ra những bài hát mới mà công chúng đang yêu thích để hát, cũng phải tùy từng đối tượng người nghe để hát cho phù hợp với độ tuổi thì mới mong bán được kẹo...

Và cứ thế, dưới bóng đèn điện, dưới ánh trăng, dưới các bóng cây... những “ca sĩ đường phố” này luôn nhiệt tình say sưa với cái nghiệp hát rong của mình trước hết là làm vui lòng người nghe, sau mới nghĩ đến việc bán kẹo kiếm tiền mưu sinh cuộc sống. Mỗi cây kẹo kéo bán ra là cả một niềm vui mang tới cho họ, vì vừa có thể bán được kẹo cho mọi người để kiếm thu nhập. Mặc dù tiếng hát không làm giàu như những tiếng hát trên sân khấu lớn nhưng cũng phần nào giúp họ có thể tự nuôi sống bản thân mình.

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên