Nhiều ứng viên thất bại khi xin việc vì nhà tuyển dụng trọng bằng cấp, thiếu khách quan…
Thất vọng ra khỏi khu vực phỏng vấn tại Ngày hội Việc làm do Trường ĐH Bách khoa TP HCM tổ chức mới đây, Nguyễn Đăng Huy, sinh viên (SV) Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, than thở: “Mới nhìn thấy bìa hồ sơ của tôi ghi tên trường nghề, nhà tuyển dụng (NTD) tế nhị bỏ hồ sơ sang một bên mà không tiến hành phỏng vấn”.
Lao động trẻ tìm việc làm tại Ngày hội Việc làm do Thành đoàn TP HCM tổ chức
Nhìn bằng mà… bắt hình dong
Sắp tốt nghiệp ngành cơ khí chính xác nên Huy luôn cố gắng tìm doanh nghiệp (DN) tuyển nhân viên kỹ thuật để thử sức. Thấy nhu cầu tuyển dụng lao động ngành này tại Ngày hội Việc làm của Trường ĐH Bách khoa TP khá cao nên anh nộp hồ sơ và chuẩn bị rất kỹ để trả lời phỏng vấn. Tuy nhiên, khi vừa lướt qua hồ sơ xin việc của Huy, NTD đã khéo léo từ chối bằng cách nói rằng DN ưu tiên tuyển ứng viên có bằng ĐH. NTD còn nhấn mạnh: “Chúng tôi còn rất nhiều hồ sơ của các bạn SV tốt nghiệp ĐH, CĐ chính quy”. Dù học trường nghề nhưng ngoài kiến thức chuyên ngành, Huy còn có bằng Anh ngữ, bằng nghiệp vụ về quản trị kinh doanh và từng học qua 2 lớp kỹ năng giao tiếp. Nhưng NTD không quan tâm đến những chi tiết này. “Lý do tôi bị loại hết sức vô lý. Dù học trường nghề nhưng tôi vẫn khẳng định mình không thua kém nhiều SV học ĐH, CĐ” - Huy buồn bực.
Tương tự, chị Hoàng Minh Trang (25 tuổi, nhân viên kế toán) cũng từng bị NTD loại ngay từ đầu vì chỉ có bằng trung cấp. Chị Trang nhớ lại cách đây 3 tháng, chị nộp hồ sơ vào 1 công ty truyền thông ở quận 1, TP HCM ở vị trí kế toán viên. Sau khi xem qua hồ sơ, nhân viên phòng nhân sự cho biết tất cả nhân viên của công ty đều có bằng CĐ chính quy trở lên. Chị Trang thổ lộ: “Hiện nay tôi đã tìm được việc. Công ty thừa nhận năng lực của tôi và tạo điều kiện để tôi học liên thông”.
NTD cũng từng loại thẳng tay Phan Khắc Huy, cựu SV Khoa Kinh tế Trường CĐ Nghề TP HCM, vì bằng cấp. Anh Huy kể sau khi tốt nghiệp, anh nộp hồ sơ xin việc vào nhiều DN, trong đó 2 DN đã trả lại hồ sơ vì anh không có bằng ĐH.
Bị hồ sơ xin việc chi phối
Tại hội thảo “Sức mạnh của sự phù hợp công việc” do Công ty Profiles International Việt Nam vừa tổ chức, nhiều NTD khẳng định trong nhiều trường hợp, NTD đã bỏ qua ứng viên giỏi do bị phân tán bởi bề ngoài và hồ sơ của ứng viên.
Theo ông Trần Quốc Huy, đại diện Công ty Profiles International Việt Nam, ông đã từng chứng kiến một số NTD nhìn bằng cấp và bề ngoài để phán đoán khả năng của ứng viên. “Có trường hợp khi đọc hồ sơ xin việc của lao động kỹ thuật, NTD đã định hình trong đầu ứng viên này không biết gì về kinh tế. Tuy nhiên, thực tế quá trình phỏng vấn chứng minh ngược lại. Ứng viên không những giỏi chuyên môn mà còn hiểu biết các vấn đề kinh tế - xã hội” - ông Huy nói.
Bà Nguyễn Lâm Hoàng Ái, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Jia Hsin, cũng thừa nhận trong quá trình phỏng vấn, bà thường bị bề ngoài và bằng cấp của ứng viên “đánh lừa”. Dù đọc kỹ hồ sơ của ứng viên nhưng NTD vẫn chưa khách quan trong quá trình phỏng vấn. Bà cho biết: “Nhiều lần, tuy chưa gặp trực tiếp nhưng tôi đã vô tình định hình sẵn về điểm mạnh, yếu của ứng viên do những thông tin được thể hiện trong hồ sơ xin việc. Khi bước vào phỏng vấn, tôi luôn bị chi phối bởi ý nghĩ đó”. Thực tế, kiến thức và năng lực của ứng viên thể hiện không nhiều qua hồ sơ mà sẽ được kiểm định trong cả quá trình tuyển dụng. “Nhằm khắc phục nhược điểm trên, phòng nhân sự của công ty thường phối hợp với các phòng, ban khác trong quá trình duyệt hồ sơ, phỏng vấn để có được nhận định toàn diện nhất, giúp ứng viên không thiệt thòi” - bà Ái cho biết thêm.
Đôi bên đều thiệt
Theo khảo sát được Công ty Profiles International Việt Nam công bố, ở những công ty có số lao động nghỉ việc chiếm 75%/năm thì chi phí tìm người mới sẽ chiếm 40% doanh thu trong năm đó. “Sai lầm của các NTD không chỉ khiến ứng viên mất cơ hội việc làm, DN mất người tài mà còn khiến năng suất và hiệu quả làm việc của NTD giảm sút rõ rệt” - ông Trần Quốc Huy nhận xét.
Theo NLĐ