Những thương hiệu Việt ở Dương Bình vang bóng một thời

Thứ bảy, ngày 04/02/2012

Trong bộ lịch in màu cách nay đúng

nửa thế kỷ (năm 1962), tờ tháng hai,

in hình nữ ca sĩ Kim Chi đang ngắm

các sản phẩm sơn mài cẩn trứng

tinh tế do Thành Lễ sản xuất

Thương hiệu trăm năm...

Theo tài liệu của Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương, Lái Thiêu trước đây là một trong 3 trung tâm tranh kiếng nổi tiếng ở Nam bộ vào đầu thế kỷ XX là Lái Thiêu - Chợ Lớn (Sài Gòn) - Chợ Mới (An Giang). Sản phẩm tranh kiếng Lái Thiêu được bán rộng rãi khắp các tỉnh Nam bộ và xuất khẩu ra các nước lân cận như Lào, Campuchia. Đáng chú ý, theo một khảo cứu của tác giả Trương Ngọc Tường (“Xóm nghề và nghề thủ công truyền thống Nam bộ”, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, NXB Trẻ ấn hành năm 1999), thì làng nghề vẽ tranh kiếng nằm trên địa phận xã Long Điền và Long Điền B, mà những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thường gọi là “Dòng tranh Chợ Mới”, được bắt đầu từ năm 1954 do nghệ nhân Trần Văn Ty (Mười Ty) phổ biến. Trước kia ông học nghề và làm nghề tranh kiếng theo trường phái Lái Thiêu tại... Cần Thơ. Như vậy, có thể thấy rằng tranh kiếng Lái Thiêu không chỉ là một thương hiệu danh trấn thiên hạ, mà còn tạo ra một trường phái sáng tác nghệ thuật cũng như kỹ thuật vẽ tranh trên kiếng.

 

Hiện nay, tại Lái Thiêu chỉ còn mỗi gia đình ông Trương Cung Thơ (địa chỉ 47/2 đại lộ Bình Dương, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An) là còn theo nghề vẽ tranh kiếng với truyền nhân đời thứ ba là bà Trương Mỹ Nga, con gái duy nhất của ông Sáu Thơ. Ông Trương Cung Thơ (tức nghệ nhân Sáu Thơ), có hơn 60 năm trong nghề vẽ tranh kiếng, kể: “Có một dạo, ông nhà văn già Sơn Nam có ghé tui chơi. Ổng nói nghề tranh kiếng có ở Lái Thiêu đâu chừng khoảng 100 năm. Ổng kêu nghề tranh kiếng này quý lắm, tui ráng giữ và truyền lại cho con cháu. Nhưng tui già rồi, nhà chỉ có một cháu gái lại theo nghề kinh doanh. Cái tiệm kiếng, tủ nhôm này là của nó đó. Còn tui cũng chỉ làm chơi chơi thôi... Hồi năm 1957 tui có mở một cuộc triển lãm “Tranh kiếng Mỹ thuật” tại Sài Gòn. Cũng như cha tui (tức nghệ nhân Trương Tường), ngoài vẽ tranh sơn thủy, tranh thờ, tui cũng có tranh kiếng sáng tác. Cuộc triển lãm đó thú vị lắm. Sau đó, trên dưới chục năm, tui không nhớ, tui có làm một cái triển lãm nữa rồi thôi!”.

Mặc dù nghề vẽ tranh kiếng hiện không còn thịnh hành như trước nữa, nhưng với người dân Lái Thiêu nói riêng và Bình Dương nói chung thì nghề vẽ tranh kiếng luôn để lại dấu ấn đẹp trong lòng mỗi người. Ông Sáu Thơ là nghệ nhân duy nhất còn theo nghề. Nếu được các cấp, các ngành quan tâm và tạo điều kiện thì nghề vẽ tranh trên kiếng, biết đâu không những được khôi phục mà còn có thể phát triển như các nghề thủ công khác như gốm sứ, sơn mài, điêu khắc gỗ...

Tự hào hai chữ Bình Dương

Trong bộ lịch in màu cách nay đúng nửa thế kỷ (năm 1962) có tên là “Công nghệ Viêt Nam”, tờ tháng hai in hình nữ ca sĩ Kim Chi đang ngắm một chiếc tô lớn, đĩa và ly chân cao bằng sơn mài cẩn trứng được ghi là do nhà Thành Lễ sản xuất. Lòng tô và đĩa màu vàng nhũ. Họa tiết cánh trúc đơn giản nhưng sang trọng trên nền trứng cẩn trắng ngà rất hài hòa.

Đó là một sản phẩm tiêu biểu của nhà Thành Lễ, một công ty sản xuất hàng mỹ nghệ cao cấp được báo chí thời đó phong tặng là doanh nghiệp sơn mài “khét tiếng của miền Nam” trong suốt hơn 30 năm trước 1975. Đây chính là công ty thành công nhất trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh đồ trang trí nội thất, được bày bán ở hai con đường sang trọng bậc nhất Sài Gòn lúc đó là Tự Do (nay là Đồng Khởi) và Hàn Thuyên. Sản phẩm của Thành Lễ đã tham gia các cuộc triển lãm sơn mài tại Pháp (1952), Thái Lan (1954), Philippin (1956) và Mỹ (1959). Tác phẩm sơn mài Thành Lễ được treo tại những dinh thự, như: Tư dinh Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon, tư dinh vua Hassan II tại thành phố Ifrane (Maroc), lâu đài Tổng thống Pháp Charles de Gaulle tại Colombey les II Eglises (La Boissery), OMS (Organisation Mondiale de la Santa) tại Thụy Sỹ...

Tiền thân của Thành Lễ là xưởng “Thanh & Lễ” do hai ông Trương Văn Thanh và Nguyễn Thành Lễ hợp tác sáng lập năm 1943. Đến đầu những năm 60, ông Nguyễn Thành Lễ tách ra riêng, lập nên xưởng Thành Lễ. Từ đó, bắt đầu một quá trình kinh doanh và sáng tạo lừng lẫy đủ tạo dựng một tên tuổi không phai mờ. Họa sĩ Nguyễn Thành Lễ sinh năm 1919 tại Long Xuyên, học chuyên về sơn mài và chạm trổ, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Thủ Dầu Một khoảng năm 1940 (có tài liệu cho là năm 1938). Khi tách ra, xưởng sơn mài Thành Lễ đặt tại Bình Dương có 12 họa sĩ, 2 nghệ nhân vẽ kiểu, 20 người chuyên làm đồ mộc, 60 người chuyên về sơn, 4 thợ chạm, 1 thợ cẩn xà cừ. Năm 1962, xưởng Thành Lễ mở xưởng dệt thảm len và sát nhập các cơ sở thành xưởng sơn mài - lò gốm - thảm len Thành Lễ. Từ vài chục công nhân ban đầu, sau xưởng có đến 500 công nhân làm việc. Theo các tài liệu, ông Lễ rất ghét các mẫu mã làm theo kiểu rập khuôn, nên luôn yêu cầu các họa sĩ không bắt chước mẫu có sẵn mà phải liên tục sáng tạo cho tới khi đạt giá trị nghệ thuật mới đưa vào sản xuất. Bù lại, ông có chế độ lương và thưởng cao nên các họa sĩ làm cho ông sống thoải mái bằng đồng lương... Sau 1975, gia đình ông Lễ sang định cư tại Pháp. Các thế hệ tiếp nối trong gia đình tiếp tục theo nghề sơn mài tại xứ người, nhưng không được thành công như lúc còn ở Bình Dương.

Các thương hiệu sơn mài Thành Lễ, tranh kiếng Lái Thiêu cho đến nay vẫn còn đọng lại trong lòng mọi người như một hoài niệm, một quá khứ vàng son và đang rất cần được khôi phục. Chia sẻ và học hỏi từ kinh nghiệm Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, một loại hình tương tự ở Bình Dương có thể được thành lập ngay trong mùa xuân này để có thể “bài bản” hơn trong việc tìm lại những tên tuổi từng gắn chặt với hai chữ Bình Dương suốt thế kỷ qua.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, bày tỏ ước nguyện đầu năm: “Tôi có 3 điều ước, là có tiền có sức sẽ xúm tay xây thương hiệu cho 3 sản phẩm kỳ cựu là Thorakao, xà bông Cô Ba và nước mắm Liên Thành. Biết rằng thương hiệu không phải là logo hay hệ thống nhận diện và quảng cáo mà còn là toàn bộ chiến lược kinh doanh, tiếp thị và phân phối nhưng với chất lượng tốt thật và tình cảm rất sâu của người Việt, để mai một những thương hiệu này tiếc quá!”.

NGUYỄN CAO