Nỗ lực bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai

Cập nhật: 25-12-2014 | 08:25:55

Là một trong 11 tỉnh, thành nằm trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã có nhiều nỗ lực cùng với các địa phương khác giảm thiểu nguồn thải ô nhiễm, bảo vệ môi trường (BVMT) một cách bền vững…

Nhiều kết quả khả quan

Ngày 3-12-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020”. Đến tháng 12- 2008, Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai được thành lập nhằm tìm kiếm tiếng nói chung giữa các thành viên. Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai bao gồm 11 tỉnh, thành có sức ảnh hưởng đến khoảng gần 20 triệu người, lại là vùng có hoạt động kinh tế năng động, phát triển nhất cả nước nên rất được chú ý quan tâm.

Trong thời gian qua, Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng UBND 11 tỉnh, thành thành viên bảo vệ, cải thiện môi trường. Ủy ban đã phối hợp lấy ý kiến xây dựng các quy định quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và BVMT; phối hợp chia sẻ thông tin về quan trắc chất lượng nước, nạo vét luồng lạch, thanh tra, kiểm tra và xử lý về vi phạm môi trường… Các điểm nóng môi trường được nêu ra trước đây cũng đã được các địa phương quan tâm giải quyết.

Cải tạo môi trường sông Sài Gòn đoạn qua địa bàn tỉnh, một trong những con sông lớn trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Ảnh: K.VINH

Những hoạt động tích cực, hiệu quả của Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kịp thời bằng những văn bản chỉ đạo hết sức quyết liệt. Đặc biệt, Luật BVMT năm 2014 tiếp tục dành sự quan tâm thích đáng về vấn đề BVMT nước ở lưu vực các sông đã trở thành hành lang pháp lý quan trọng cho ủy ban tiếp tục đặt ra những mục tiêu quan trọng trong thời gian tới.

Đến nay 11 tỉnh, thành thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án BVMT sông Đồng Nai trên địa bàn. Không những thế, tiến độ thực hiện cũng được đẩy nhanh đáng kể khi đề án này nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Trung ương đến địa phương. Thành công lớn nhất của công tác BVMT lưu vực thời gian qua chính là việc các ngành chức năng và địa phương đầu tư mạnh mẽ các nguồn lực xây dựng nhiều trạm quan trắc nước thải tự động và từ đó xác định, đánh giá được hơn 900 nguồn thải ra các sông ngòi, kênh rạch. Đây là tiền đề quan trọng để Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai tiếp tục triển khai nhiều biện pháp BVMT trong thời gian tới.

Bình Dương quyết liệt BVMT

Từ khi triển khai Đề án “Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020” cho đến nay, Bình Dương là một trong những tỉnh đi đầu trong việc triển khai các giải pháp, biện pháp đồng bộ nhằm BVMT bền vững, tạo điều kiện cho nhà đầu tư và môi trường sống trong lành cho nhân dân. Riêng trong năm 2014, Bình Dương đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc triển khai Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015; theo đó Bình Dương đã lập ra kế hoạch chi tiết bao gồm 10 dự án, nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay tỉnh đã triển khai 5 dự án đầu tư trọng điểm. Đối với Dự án hệ thống quan trắc nước mặt tự động, tỉnh đã lắp đặt xong thiết bị, đang vận hành và đưa vào sử dụng trong tháng 12-2014.

Ngoài ra, Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương bao gồm 3 tiểu dự án (khu vực TP.Thủ Dầu Một, khu vực Lái Thiêu, khu vực Bưng Cù) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tiểu dự án 1 vào ngày 31-5-2013 với tổng kinh phí 1.984 tỷ đồng, gồm hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải có công suất 17.560m3/ngày đêm.

Bên cạnh đó, các nhiệm vụ trọng tâm khác đã được UBND tỉnh rốt ráo thực hiện nhằm BVMT một cách bền vững và hiệu quả nhất. Nhiệm vụ đánh giá hiện trạng nguồn thải trên địa bàn tỉnh thải vào lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã hoàn thành và nghiệm thu trong tháng 8-2013 với việc điều tra hơn 3.000 nguồn thải và lấy 300 mẫu nước thoải của các loại hình sản xuất khác nhau. Nhiệm vụ đánh giá khả năng chịu tải của các dòng sông trên địa bàn tỉnh làm cơ sở cho việc cấp phép xả thải đã hoàn thành và nghiệm thu vào tháng 4-2013.

Bình Dương cũng đã xây dựng và ban hành Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh các giai đoạn từ năm 2013-2030; ban hành Kế hoạch tổng thể ứng cứu sự cố môi trường giai đoạn 2011-2020. Một nhiệm vụ khác khá quan trọng là Quy hoạch thoát nước tỉnh Bình Dương đến năm 2020 đã được hoàn thành từ rất sớm. Hiện nay tỉnh đang rà soát, cập nhật theo Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1942/QĐ-TTg ngày 29-10-2014.

Có thể nói, trong thời gian qua Bình Dương là một trong những tỉnh tích cực nhất trong việc chung tay BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Bằng nhiều văn bản hướng dẫn, hành động cụ thể Bình Dương đang thể hiện rõ quyết tâm cao trong việc BVMT, tiếp tục thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, giữ gìn sự trong lành cho môi trường sống của nhân dân.

Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó trưởng Ban chỉ đạo BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, cho biết trong thời gian qua Bình Dương có sự quan tâm, đầu tư rất lớn cho công tác BVMT. Điều này cho thấy Bình Dương rất đề cao nhiệm vụ giữ gìn môi trường ổn định, tiếp tục phát triển thành đô thị văn minh, hiện đại trong thời gian tới. Bình Dương có nhiều kế hoạch, đề án sát sườn, mang tính thực tiễn cao, góp phần cải thiện đáng kể môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

 

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên