Nỗ lực chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số 

Cập nhật: 03-04-2015 | 08:30:20

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình công tác dân tộc ở địa phương mới đây, ông Giàng Seo Phử, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong việc chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Với những cách làm cụ thể, thực hiện các chính sách giáo dục, tạo việc làm, khôi phục bản sắc… đời sống ĐBDTTS nay đã thay đổi rất nhiều. 

Ông Lê Đình Ngọc, Trưởng phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh cho biết, căn cứ theo tiêu chí hộ nghèo của tỉnh và qua thống kê phân loại, đến nay toàn tỉnh có 838 hộ ĐBDTTS khá giàu, 950 hộ trung bình, còn 56 hộ nghèo, 71 hộ cận nghèo là người ĐBDTTS. Xác định việc học tập nâng cao trình độ cho con em ĐBDTTS là nền tảng, tỉnh đã hỗ trợ miễn giảm học phí, tạo điều kiện về trường lớp, sách vở để con em họ đến trường. Đến nay đã có 3.809 người học cấp 1, 4.030 cấp 2, 2.899 cấp 3, trung cấp chuyên nghiệp 293 người, cao đẳng 312 người và đại học 583 người. Các trường hợp học xong được bố trí những công việc phù hợp.

Ông Giàng Seo Phử, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc làm việc với tỉnh về tình hình công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc ở địa phương. Ảnh: T.LÝ

Với những người không theo học văn hóa, tỉnh tạo điều kiện cho học nghề lao động nông thôn để có tay nghề, tự tạo việc làm, hoặc làm công nhân trong các công ty, xí nghiệp. Song song với việc tạo điều kiện học nghề, tỉnh còn trao “cần câu” để ĐBDTTS có cuộc sống ổn định. Điển hình như cho vay vốn Ngân hàng Chính sách hỗ trợ cây, con giống, cấp đất tái định cư…

Bên cạnh hỗ trợ phát triển kinh tế, Bình Dương luôn quan tâm tạo điều kiện cho ĐBDTTS duy trì và phát triển bản sắc văn hóa, phong tục truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc như duy trì tổ chức rước cộ Bà của dân tộc Hoa, trò chơi vui tết của dân tộc Sán Chỉ ở xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, lễ Ramadan của đồng bào Chăm tại Dầu Tiếng…

Phong trào tập luyện thể dục thể thao được khuyến khích, duy trì và phát triển. Hàng năm, nhiều huyện, thị tổ chức liên hoan văn nghệ, thể dục thể thao; cấp tỉnh tổ chức hội nghị điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi và giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của ĐBDTTS 3 năm/lần.

Các thiết chế văn hóa cũng được chính quyền các cấp quan tâm đầu tư; xã, phường, thị trấn đã xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao để phục vụ nhân dân địa phương nói chung và ĐBDTTS nói riêng. Ông Kho Sanh, Phó Giáo cả (người phụ trách giáo lý) người Chăm ở xã Minh Hòa, Dầu Tiếng cho biết, nhờ các cấp, các ngành hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất, đa số các hộ đồng bào Chăm tại đây đã xây dựng được các mô hình sản xuất nông nghiệp. Mỗi năm đến lễ Ramadan, hay Tết Nguyên đán, người Chăm còn được chính quyền địa phương đến thăm, chúc tết. Con cháu người Chăm được học hành, vui chơi, sinh hoạt tại các ngôi trường khang trang. Từ đó, giáo dục thế hệ trẻ sống đúng chuẩn mực, không vi phạm pháp luật, giữ gìn bản sắc văn hóa.

Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh nói, trong những năm qua, Bình Dương đã thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách đặc thù của Đảng, Nhà nước đối với ĐBDTTS; tập trung huy động mọi nguồn lực hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ kiến thức sản xuất, chăn nuôi, xây mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo. Những chính sách đúng đắn đã góp phần làm cho đời sống ĐBDTTS thêm khởi sắc. Những năm tiếp theo, Bình Dương sẽ đẩy mạnh việc xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chính sách dân tộc. Đặc biệt chú trọng các mô hình phát huy nội lực, giảm nghèo vươn lên làm giàu, khắc phục tư tưởng tự ti, ỷ lại trong ĐBDTTS.

Ông Giàng Seo Phử đề nghị, Bình Dương cần tiếp tục phát huy, quan tâm hơn nữa công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm bắt tình hình thực tiễn, tâm tư nguyện vọng; giải quyết kịp thời những vấn đề khó khăn của ĐBDTTS, góp phần củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc ở địa phương một cách bền vững. Bình Dương cần chuẩn bị chương trình tổng kết theo Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới.

 Toàn tỉnh hiện có 20 DTTS với hơn 17.000 người (đạt 1% dân số toàn tỉnh). ĐBDTTS hầu hết sống đan xen với cộng đồng người Kinh trên khắp các địa phương trong tỉnh.

 

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên