Nỗ lực giảm nghèo ở Dầu Tiếng

Cập nhật: 05-12-2019 | 07:39:19

Đầu năm 2019, huyện Dầu Tiếng có 630 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,98%. Với quyết tâm nâng cao mức sống cho người dân, Huyện ủy, UBND huyện, các ngành các cấp đã chung sức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Đến cuối năm nay, toàn huyện có 207 hộ đã thoát nghèo.

 Tặng quà cho hộ gia đình khó khăn có con mắc bệnh hiểm nghèo

 Người nghèo được tạo điều kiện về sinh kế

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo là do người dân thiếu đất canh tác, không biết cách làm ăn, không có tay nghề, đông người ăn theo, ốm đau, thiếu vốn sản xuất... Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia huyện, các xã, thị trấn thực hiện các chính sách hỗ trợ giúp người nghèo an tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người nghèo nói riêng và nhân dân trên địa bàn huyện nói chung.

Muốn thoát nghèo, trước tiên người dân cần có nghề nghiệp ổn định. Bà Ngô Thị Xuyến, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, cho biết trong năm 2019 phòng đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tư vấn học nghề cho người nghèo tại 3 cụm của huyện. Bà con còn được tư vấn học nghề theo Đề án 1956 của Chính phủ, học nghề theo hình thức dựa vào cộng đồng, hỗ trợ sinh kế theo nhu cầu của người nghèo. Để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo, huyện đã tổ chức 10 cuộc đối thoại trực tiếp với hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua đó có hướng giúp đỡ người nghèo về hỗ trợ vay vốn, xây dựng nhà đại đoàn kết, chính sách bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, dạy nghề, giới thiệu việc làm.

Khi đã nắm bắt được nguyện vọng của người nghèo, những người có nhu cầu học nghề được huyện tổ chức các lớp dạy nghề theo năng lực, nhu cầu, đồng thời còn được giới thiệu việc làm. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức 2 lớp dạy sinh vật cảnh cho 52 hội viên. Từ những lớp học trên đã giải quyết việc làm cho 103 lao động vào làm tại các công ty, xí nghiệp; 49 lao động cạo mủ cao su, số còn lại lao động tại nhà đã góp phần giúp hộ khó khăn phát triển kinh tế gia đình.

Ở từng địa phương, các xã, thị trấn cũng luôn đồng hành với các hộ nghèo. Theo bà Phan Hồng Xinh, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hòa, năm nay xã đã giới thiệu việc làm cho 210 lao động vào làm việc tại Nông trường Cao su Long Hòa, Nhà máy Gỗ Long Hòa và các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Địa phương cũng giới thiệu việc làm gia công bán thời gian cho lao động tại nhà, như: Làm hạt đều, may giày... giúp các hộ cải thiện đời sống kinh tế.

Hỗ trợ vốn làm ăn

Dù biết cách làm ăn nhưng nếu không có vốn thì không thể thoát nghèo bền vững, do đó huyện đã huy động các nguồn vốn giải quyết cho các hộ có nhu cầu vay vốn làm ăn. Với ý nghĩa ấy, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên... đều được tạo điều kiện thuận lợi nếu có nhu cầu vay vốn.

Trong năm 2019, huyện đã thực hiện cho vay các chương trình và giải quyết việc làm trên 51,6 tỷ đồng cho 1.394 lượt người vay. Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp hộ nghèo có vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện cho các hộ vươn lên thoát nghèo. Thực hiện cho vay vốn tín dụng đã giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi, làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, thay đổi cơ bản nhận thức, sử dụng vốn vay có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh được hỗ trợ vốn vay, bà con còn được hướng dẫn cách thức làm ăn. Các tổ chức hội, đoàn thể đã tổ chức các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng. Có thể nói, mỗi bước đi của người nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ngành, các cấp dõi theo. Ngoài được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, bà con còn được khám, cấp phát thuốc và tặng quà miễn phí. Những hộ chưa có nhà ở ổn định được huyện xây tặng nhà ở. Đến nay, huyện đã vận động xây dựng bàn giao 33 căn nhà đại đoàn kết, nhân ái, tình thương với trên 2,7 tỷ đồng.

Người nghèo, cận nghèo ở Dầu Tiếng không chỉ được hỗ trợ về vật chất, mà còn được quan tâm đến tinh thần. Hiện tại mỗi xã, thị trấn đều có nhà văn hóa, sân vận động để người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao. Đây cũng là địa chỉ tuyên truyền các kế hoạch của Trung ương, tỉnh, huyện về công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện bằng nhiều hình thức.

“Công tác tuyên truyền về chương trình giảm nghèo được thực hiện sâu rộng trong toàn dân thông qua các ban ngành, đoàn thể của huyện và các xã, thị trấn. Các mô hình kinh tế hiệu quả của các hội, đoàn thể ngày càng được nhân rộng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện các chính sách giảm nghèo có hiệu quả, từng bước nâng cao mức sống của hộ nghèo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa nhóm nghèo và nhóm giàu”.

(Bà Ngô Thị Xuyến, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội)

 HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên