Nỗ lực hoạt động vì mục tiêu mới

Cập nhật: 05-03-2021 | 22:06:21

Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh nỗ lực, quyết tâm duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt.

 Xuất hàng tại Công ty TNHH Tân Nhật (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng)

Giá trị xuất nhập khẩu tăng

Trong tháng 2-2020, do đúng vào thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, kim ngạch xuất khẩu giảm 27,2% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ. Tuy vậy, lũy kế 2 tháng giá trị xuất khẩu tăng 29,6% so với cùng kỳ. Kéo theo đó, kim ngạch nhập khẩu giảm 47,7% so với tháng trước và giảm 22% so với cùng kỳ song giá trị nhập khẩu cũng tăng 16,1% so với cùng kỳ. Hiện nay, thị trường xuất khẩu chính của các DN Bình Dương là Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo bà Nguyễn Minh Trúc Lệ, Giám đốc nhân sự Công ty Gre Alpha Electronics (Khu công nghiệp VSIP 2 mở rộng), các đối tác đánh giá cao sự ổn định của Việt Nam trong việc khống chế dịch bệnh nên nhiều đơn hàng từ nước ngoài đã dịch chuyển về Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu của DN này sẽ tăng trong thời gian tới. “Khách hàng nước ngoài dịch chuyển đơn hàng về Bình Dương cũng một phần là do công nhân lành nghề, chịu khó, có thể làm được các đơn hàng khó, số lượng lớn, bảo đảm thời gian và tiến độ giao hàng”, bà Lệ chia sẻ .

Theo ông Phước Bội Quyền, Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhật (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng), từ cuối năm 2020, ngành sản xuất gỗ đã có sự bứt phá trở lại bằng cách khai thông được đơn hàng của những khách hàng truyền thống và mở rộng thêm các khách hàng mới. Do đó, đến nay công ty bảo đảm được sản xuất, xuất khẩu và tăng trưởng khá so với cùng thời điểm năm trước. Cũng như nhiều công ty khác trên cùng lĩnh vực, Công ty Tân Nhật nỗ lực bảo đảm chất lượng sản phẩm, uy tín để giữ vững và mở rộng khách hàng tại thị trường Hoa Kỳ.

Mới đây, Tổng cục Hải quan đã công bố một con số ấn tượng về ngành gỗ. Năm 2020, trong tổng giá trị xuất khẩu hơn 12 tỷ đô la Mỹ, Bình Dương tiếp tục là tỉnh xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam với giá trị đạt 5,68 tỷ đô la Mỹ, chiếm trên 47,3% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ. Bằng những nỗ lực không ngừng, các DN ngành gỗ đã làm nên những thành quả đáng tự hào. Ngành gỗ duy trì giá trị xuất khẩu ở mức cao, giữ được sự ổn định trong sản xuất và xuất khẩu, tìm kiếm những sản phẩm mới để chinh phục các thị trường lớn, nhanh chóng tiếp cận với khách hàng quốc tế nhờ công nghệ kinh doanh trực tuyến… để duy trì phát triển trong năm 2021.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Xuất khẩu gỗ Bình Dương, năm 2021, mục tiêu của các DN ngành gỗ là duy trì mức độ tăng trưởng và giá trị xuất khẩu và vượt qua năm 2020. Để đạt mục tiêu đó cần có sự chuẩn bị tốt về tâm lý, giải quyết những khó khăn từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, thích nghi với điều kiện mới từ dịch bệnh Covid-19. Đồng thời nhận diện rõ những nguy cơ từ gian lận thương mại và xuất xứ hàng hóa, tạo ra sức đề kháng mới. Ông Phước Bội Quyền cho rằng thách thức hiện nay đối với các DN ngành gỗ đó là bên cạnh việc giải quyết tốt những bài toán nội lực như nguồn nguyên liệu, chất lượng rừng trồng, chuyên môn hóa cao, cố gắng đẩy nhanh đầu tư vào công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, cần kiểm soát các vấn đề về xuất xứ hàng hóa, không cho bên thứ ba lợi dụng nhãn hàng Việt Nam gây thiệt hại cho ngành.

Cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá hiện nay cơ hội đang rộng mở cho các DN. Nếu trước đây, hoạt động xuất nhập khẩu nói chung chỉ dành cho các DN có quy mô lớn, tiềm lực kinh tế tài chính cao. Họ gần như trở thành những “ông lớn” nhờ xuất nhập khẩu và ngược lại nhờ xuất nhập khẩu họ thống trị nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, thương mại điện tử xuyên biên giới đã thay đổi hoàn toàn chiều hướng này. Các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa có cơ hội bình đẳng vươn tới thương mại toàn cầu.

Đối với các DN siêu nhỏ, vừa và nhỏ để thực sự vươn ra được “biển lớn”, cần trang bị đầy đủ những điều kiện cần và đủ. Theo đó, DN cần có sản phẩm đủ khả năng, tiềm năng xuất khẩu với giá thành cạnh tranh; có nhân sự chuyên trách và gian hàng quảng bá chuyên nghiệp. Đặc biệt, do tính cạnh tranh trong thương mại điện tử rất khốc liệt nên DN cần số hóa tất cả điểm tiếp xúc để tương tác với người mua hàng, qua đó hỗ trợ tốt cho các khâu từ marketing đến bán hàng, chăm sóc khách hàng...

Theo Sở Công thương, năm 2021, Bình Dương sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN trong việc kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với các thị trường đã ký kết hiệp định thương mại tự do để hưởng những ưu đãi về thuế quan. Cùng với đó, ngành công thương sẽ nỗ lực sát cánh cùng DN trong việc kiến nghị đến các cấp ngành những vấn đề về quản lý, gỡ khó chính sách thuế, hải quan, logistics… Ngành công thương cũng hỗ trợ DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa trong việc phát triển kênh xúc tiến thương mại trực tuyến, rút ngắn khoảng cách giữa các đối tác, khách hàng và DN thông qua các chương trình giới thiệu sản phẩm Việt, sàn giao dịch thương mại điện tử Bình Dương…

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên