Nỗ lực tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông

Cập nhật: 29-06-2011 | 00:00:00

Xã Lạc An (LA), huyện Tân Uyên trong thời gian qua đã có những nỗ lực trong việc phòng chống sạt lở bờ sông Đồng Nai nhằm tránh những thiệt hại nặng nề cho người dân. Hiện nay LA tiếp tục vận động các hộ dân còn lại trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi tái định cư an toàn.

Những kết quả bước đầu

Đoạn bờ sông Đồng Nai qua trung tâm xã LA từ lâu đã thu hút nhiều người dân đến sinh sống, làm ăn. Trải qua một thời gian dài, các hộ dân ngày càng di chuyển đến sát bờ sông hơn và cùng với đó là mức độ sạt lở của các đoạn bờ sông ngày càng mạnh hơn, tiến sát vào nhà của những hộ dân này.

Ông Kiều Công Đại an tâm với cuộc sống mới tại khu tái định cư

Hầu như năm nào xã LA cũng có các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm của nguy cơ sạt lở phải di dời đến những địa điểm mới an toàn hơn. Hiện nay trên địa bàn xã LA có 2 đoạn bờ sông dài khoảng trên 150m có nguy cơ sạt lở cao. Qua quan sát, chúng tôi thấy nhiều hộ dân đã ở sát với khu vực chịu ảnh hưởng của sạt lở, nhiều nhà chỉ còn cách khu vực sạt lở chưa đến 1m. Tuy nhiên, các hộ dân này vẫn “vô tư” sống trên những ngôi nhà “cheo leo” mà không quan tâm đến các nguy hiểm đang chực chờ.

Thời gian qua, nắm chắc được tình trạng thực tế tại các khu vực sạt lở, chính quyền xã LA đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao. Xã LA cũng đã bố trí điểm dân cư nông thôn, tại đây mỗi hộ dân sẽ nhận được khoảng 300m2  đất để xây nhà. Từ năm 2009 đến nay, tổng số hộ phải di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao của xã LA là 24 hộ. Nhưng cho đến nay, theo báo cáo của UBND xã LA, xã mới vận động di dời được 17 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm và đã xây được nhà cửa khang trang để ổn định cuộc sống, song hiện vẫn còn 7 hộ dân chưa chịu di dời. Trong khi đó 2 đoạn bờ sông bị sạt lở trên địa bàn xã vẫn chưa có cách gì để khắc phục hay hạn chế. Các điểm sạt lở vẫn tiếp tục ăn sâu vào vùng sinh sống của dân cư và các hộ dân sống tại đây cho rằng nếu không có các biện pháp khắc phục thì chỉ cần 4 - 5 năm nữa thôi, các điểm sạt lở sẽ ăn sâu đến con đường trục chính của xã.

Tăng cường tuyên truyền, vận động

Mùa mưa bão năm nay đã cận kề và các điểm sạt lở đang tiếp tục đe dọa đến cuộc sống của các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ cao. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các hộ dân sống tại đây có hoàn cảnh gia đình khá khó khăn. Có nhiều lý do được các hộ dân này đưa ra như do nhà nghèo quá không có tiền để xây nhà, di chuyển đến chỗ mới không có khả năng tìm nghề mới thay thế nghề chài lưới để biện minh cho sự chậm trễ của mình.

Chính quyền xã LA vẫn thường xuyên cử cán bộ xuống vận động tuyên truyền để các hộ dân này di dời. Các hộ dân sinh sống tại đây cũng nhận ra mức độ nguy hiểm khi sống tại các địa điểm này nhưng di dời thì không. Nhiều người cho biết nếu sạt lở có ăn sâu vào hơn nữa thì cũng đành chịu. Không ai muốn ở lại để chịu chết nhưng để di chuyển đến nơi mới thì quá khó khăn đối với họ. Chị Hà Thị Lan - ngụ tại ấp 3 là một trường hợp điển hình. Gia đình chị đã nhận đất tái định cư nhưng không chịu di dời. Chị cho biết, “Gia đình tôi chủ yếu là làm thuê để nuôi con nhỏ ăn học. Gom góp mãi mới có thể dựng nên được ngôi nhà mà bây giờ phải đập đi thì với số tiền hỗ trợ di dời 7 triệu đồng chúng tôi không thể xây dựng được nhà mới. Để có thể di dời được, gia đình tôi cần được nhận được nhiều hỗ trợ hơn nữa”.

Thực tế cho thấy, hạ tầng cơ sở tại điểm dân cư nông thôn tại LA khá hoàn thiện và có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh sống của người dân nếu di dời đến. Nhiều hộ dân sau khi di chuyển đến đây đã thực sự “đổi đời”. Gia đình ông Kiều Công Đại đã chuyển đến điểm nông thôn từ năm 2008 và cho đến nay ông đã xây dựng được ngôi nhà khá khang trang. Không những thế, với diện tích đất được cấp, ông đã có điều kiện xây nhà cho các con trai ra ở riêng, điều mà ông không dám nghĩ đến trước đây khi ở trong vùng sạt lở. Ông tâm sự: “Ngay khi có chủ trương của xã di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, gia đình chúng tôi đã thực hiện ngay. Chuyển ra ngoài này rộng rãi, thoải mái an tâm hơn khi ở trong vùng sạt lở trước đây. Ra ngoài đây gia đình chúng tôi cũng đã có điều kiện phát triển kinh tế gia đình hơn”. Ông Hà Đăng Chiếm - Phó Chủ tịch UBND xã LA cho biết: “Thời gian qua công tác tuyên truyền để di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm có khả năng sạt lở cao luôn được chính quyền xã chú trọng và thực hiện thường xuyên. Chính quyền xã cũng đã có các phương án lâu dài để di dời cho có hiệu quả. Từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện di dời các hộ dân còn lại”.

Được biết một số hộ dân mặc dù đã nhận đất, xây nhà nhưng vẫn còn sinh sống ở các ngôi nhà trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Điều này rất nguy hiểm vì việc sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không thể biết trước. Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi nghề cho các hộ di dời cũng cần phải được chú trọng vì rất nhiều hộ trong điểm dân cư nông thôn vẫn sống bằng nghề chài lưới có thu nhập không ổn định. Nếu thực hiện tốt công tác này thì cuộc sống của các hộ dân di dời sẽ ổn định lâu dài.

ĐÀ BÌNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên