Nơi chắp cánh những ước mơ

Cập nhật: 28-10-2013 | 00:00:00

Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa là đòi hỏi cấp thiết ở Bình Dương. Xác định nhiệm vụ đó, chương trình đào tạo nghề phải có những đột phá, tăng tốc mạnh mẽ trong những năm sắp tới. Vì thế, trường Trung cấp Nghề Bình Dương là một trong những trường trên địa bàn tỉnh đang có nhiều nỗ lực để kịp thời đáp ứng yêu cầu đòi hỏi này…

Ngày càng đáp ứng yêu cầu, chất lượng đào tạo nghề

Trường Trung cấp Nghề Bình Dương là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Từ khi thành lập đến nay, trường đã đào tạo hàng chục ngàn lao động có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Thế mạnh của trường là liên kết với các doanh nghiệp, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, cung ứng lao động cho doanh nghiệp; đồng thời liên kết các trường đại học có uy tín trong và ngoài tỉnh trong lĩnh vực đào tạo nghề và phát triển công nghệ, kỹ thuật cao. Mới đây, trường còn được xác định là trường đào tạo nghề trọng điểm, theo đó trường đã và đang chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy và thực hành, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.   Giáo viên trường Trung cấp Nghề Bình Dương (thứ 2 từ trái sang) hướng dẫn học viên trong giờ thực hành

Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Phinh, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghề Bình Dương, cho biết từ năm 2006 đến nay, trường đã đào tạo cho 1.773 học viên có trình độ trung cấp nghề với các ngành nghề điện dân dụng, điện tử công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, quản trị mạng máy tính, kế toán và 9.467 học viên có trình độ sơ cấp nghề với các ngành nghề lái xe nâng hàng, điện công nghiệp, nâng bậc thợ, may gia dụng, lái xe ô tô các hạng, lái máy cẩu, vận hành cầu trục, hàn, vận hành thiết bị nghiền sàng đá, kỹ thuật lò hơi, vận hành bơm quạt, máy nén khí… Trong suốt quá trình đào tạo, trường luôn gắn chặt lý thuyết với thực hành. Thầy Phinh, nói: “Trường luôn chú trọng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn; dạy nghề gắn với dịch vụ giới thiệu việc làm; cung cấp thông tin thị trường lao động cho người lao động, qua đó cung cấp kịp thời lao động qua đào tạo nghề, công nhân lành nghề cho các thành phần kinh tế và đáp ứng nhu cầu việc làm của người lao động, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

Đề cập đến điều kiện và chất lượng học tập tại trường, các bạn học viên cho biết: “Học tại đây, học viên được thực hành với đầy đủ trang thiết bị. Nhờ thế, học viên ai cũng tự tin về tay nghề của mình ngay lúc còn học trong trường, nên khá vững vàng về tâm lý khi đi xin việc làm sau khi ra trường”. Ngoài việc tổ chức đào tạo hệ chính quy trung cấp nghề, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng, trường còn tổ chức các lớp liên kết đào tạo với trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, trường còn đào tạo dạy nghề thường xuyên cho công nhân của công ty, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.

Đầu tư nghề trọng điểm là cần thiết

Chất lượng đào tạo nghề của trường Trung cấp Nghề Bình Dương ngày càng đáp ứng yêu cầu chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Tuy nhiên, khi hỏi về việc được chọn trường đào tạo nghề trọng điểm với nghề trọng điểm là điện dân dụng, thầy Phinh cho biết thêm, từ lâu, điện dân dụng là một trong những nghề nằm trong danh mục đào tạo. Vì vậy, trang thiết bị dạy nghề cũng được trường đầu tư từ hàng chục năm trước, nhưng cho đến nay, trang thiết bị này đã cũ kỹ, lạc hậu bởi đó chỉ là thiết bị đơn, không đồng bộ nên trước mắt không thể phục vụ đào tạo được cho nghề trọng điểm.

Để giải quyết tình thế này, trường đã kịp thời xây dựng và thông qua Dự án Đầu tư nghề trọng điểm giai đoạn 2011- 2015 nghề điện dân dụng cấp độ quốc gia và được UBND tỉnh ký Quyết định số 1982/ QĐ-UBND phê duyệt. Theo dự án, để nghề điện dân dụng thực sự là nghề trọng điểm, tiếp cận với nền giáo dục dạy nghề tiên tiến trong khu vực và là nghề nổi bật của trường, nhất thiết trường Trung cấp Nghề Bình Dương phải đầu tư thiết bị đồng bộ, chất lượng cao, phù hợp với thực tế sản xuất.

Thầy Phinh đã đưa ra một số mục tiêu của trường là phấn đấu đầu tư cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình và trang thiết bị dạy học theo hướng trường trung cấp nghề đạt chuẩn quốc gia; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có trình độ nghiệp vụ sư phạm, chuyên môn với khả năng đào tạo nghề tương ứng với cấp đào tạo đạt chuẩn quốc gia; phấn đấu đến năm 2015, trường có đủ năng lực đào tạo cho 1.636 học sinh, sinh viên, trong đó có 150 học sinh, sinh viên nghề điện dân dụng đạt cấp độ quốc gia.

Đáp ứng yêu cầu này, cũng theo dự án, trường sẽ xây dựng 22 xưởng thực hành và 5 phòng phục vụ đào tạo; mua sắm trang thiết bị văn phòng và trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề điện dân dụng đạt chuẩn quốc gia, với quy mô công trình cấp II gồm 5 tầng, tổng diện tích sàn 2.788m2 gồm 5 tầng 1,2,3,4 và tầng kỹ thuật song song với các hạng mục gồm các hệ thống điện, chống sét, cấp thoát nước, cấp nước, thoát nước mưa, thoát nước sinh hoạt, phòng cháy chữa cháy… và trang thiết bị phục vụ dạy nghề… Được biết, tổng vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 22,357 tỷ đồng.

Với chiến lược đào tạo nghề dài hạn cùng với những bước đi chắc chắn như thế, trường Trung cấp Nghề Bình Dương sẽ tiếp tục có những bước tiến mang tính đột phá, trở thành một trường trung cấp nghề đạt chuẩn chất lượng cao quốc gia theo hướng công nghệ cao, góp phần đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, khu vực và cả nước.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=348
Quay lên trên