Nỗi lo học phí!

Cập nhật: 02-07-2010 | 00:00:00

Đối với nhiều phụ huynh, có lẽ thông tin được quan tâm nhất hiện nay là từ 1-7-2010, học phí ở nhiều bậc học, cấp học sẽ tăng. Đây là vấn đề khá nhạy cảm và đã được nhiều lần đưa ra bàn bạc, trao đổi rộng rãi và để tạo sự đồng thuận từ xã hội. Ai cũng biết, trong cơ chế thị trường, học phí là điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục, là nguồn lực cần thiết để hiện đại cơ sở vật chất, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, thực hiện hội nhập với các nền giáo dục nước ngoài có chất lượng cao... Nói cách khác, tăng học phí là tạo điều kiện, tạo động lực để tăng chất lượng giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, với đa số gia đình ở nông thôn, đội ngũ công chức, công nhân... việc tăng học phí sẽ tăng thêm nỗi lo toan cho họ. Bởi họ phải tăng thêm chi phí hàng tháng để lo cho con ăn học. Việc tăng thêm chất lượng giáo dục chưa biết thế nào nhưng điều chắc chắn sẽ tăng thêm mồ hôi, công sức trên lưng áo họ. Mức học phí được đề ra là có căn cứ từ mức thu nhập bình quân hộ gia đình. Tuy nhiên, ở nhiều trường hợp cụ thể, từng địa phương cụ thể cần có quy định phù hợp. Bởi thực tế xã hội hiện nay, trong cơ chế thị trường việc phân hóa giàu nghèo đang diễn ra khá rõ rệt. Ngày càng xuất hiện nhiều hộ gia đình khá giàu nhưng vẫn còn đó nhiều học sinh, sinh viên xuất thân từ những gia đình tạm “đủ ăn”, hộ nghèo, cận nghèo. Có nhiều em ngày học đêm làm thêm, chắt chiu từng đồng, ăn uống đạm bạc để tiếp tục được ngồi trên ghế giảng đường.

Như trên đã nói, việc tăng học phí sẽ góp phần tăng động lực để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, “mặt trái” của việc tăng học phí cũng có thể là “rào cản” với những học sinh, sinh viên, những tài năng tương lai hiện đang phải sống trong những gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nếu thiếu sự quan tâm. Đối với các em trong diện này, cần được giúp đỡ để có thể tiếp tục được đến trường.

Riêng tại Bình Dương, liên sở GD-ĐT, Lao động-TBXH, Nội vụ, Tài chính và Đại học Thủ Dầu Một đã xây dựng đề án mức thu học phí mới từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 và sẽ trình ra HĐND tỉnh cho ý kiến trong kỳ họp sắp tới. Việc xây dựng mức học phí mới sao cho phù hợp với thu nhập bình quân chung của tỉnh và khả năng đóng góp của phụ huynh vừa phù hợp theo Nghị định 47/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Tóm lại, việc tăng học phí luôn đi kèm với chính sách, chế độ miễn giảm, tăng học bổng đối với học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, học giỏi... Tăng cường các chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên nghèo. Và đặc biệt, làm thế nào để không xảy ra tình trạng học sinh, sinh viên nghèo phải bỏ học vì tăng học phí mà không có các giải pháp hỗ trợ để giúp đỡ họ..., đó là những vấn đề cần được tích cực thực hiện song song với việc áp dụng mức học phí mới từ 1-7-2010.

DÂN THƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên