Nỗi lo... nhóm trẻ gia đình!

Cập nhật: 24-09-2011 | 00:00:00

Sự kiện cháu Hồ Thị Thúy Ngân (3 tuổi) bị bảo mẫu Trần Thị Phụng hành hạ qua clip được phát tán rộng rãi trên mạng cuối năm 2010 đến vụ cháu Phan Văn Bảo Nam (16 tháng tuổi) - con của anh Phan Văn Lợi và chị Trương Thị Dung đều làm công nhân (CN) tại Công ty Gỗ Thái Bình Dương chết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) ngày 15-9 do sơ suất của bảo mẫu đã nhắc nhở các bậc làm cha mẹ, nhất là công nhân lao động (CNLĐ) càng kỹ hơn khi chọn nơi gửi con em mình...

Tìm nơi giữ trẻ

Theo một CN ở phường An Bình, TX.Dĩ An, chúng tôi tiếp cận điểm nhận giữ trẻ giáp đường ray xe lửa thuộc khu phố Bình Đường 3. Vừa gặp tôi, bà Sáu liền hỏi: “Gửi con hả chú?”. Chào hỏi xong, bà giới thiệu nơi giữ trẻ của mình là một căn phòng trọ được thuê lại với diện tích khoảng 20m2. Bên trong có vài món đồ chơi, 2 cái ghế chắn ngang toilet. Các vật dụng nấu ăn được để trên cái kệ ngay phía dưới 5 đứa trẻ đang nô đùa, trong vừa nhếch nhác vừa đầy nỗi lo.

 CNLĐ lo lắng khi gửi con em mình ở nhóm trẻ gia đình không đạt chuẩn (ảnh mang tính minh họa)

Thấy tôi lo lắng, bà nói: “Tôi giữ trẻ đã 10 năm rồi, có nhiều kinh nghiệm, chú cứ yên tâm. Trước đây, từ Cần Thơ lên giữ cháu cho con, sau đó, có thêm vài đứa trẻ là con CN gửi, thế là tôi thuê hẳn cho một căn phòng trọ để vừa ở, vừa giữ trẻ”. “Bao nhiêu tiền một tháng cô?” - tôi hỏi. Bà cho biết, nếu gửi ban ngày 8 tiếng là 1 triệu đồng/tháng, còn nếu con làm tăng ca gửi tối đến đón về thì cô lấy 1,4 triệu đồng/tháng. “Ở đây, tôi thương trẻ lắm, coi tụi nó như con cháu của mình, đứa nào cũng vậy” - bà khe khẽ nói.

Tôi nhẩm tính, 1 triệu đồng/tháng cho một đứa trẻ dưới 2 tuổi, bao gồm tiền ăn thì cũng rẻ bèo nhưng cái lo sợ của tôi là nơi giữ trẻ gia đình của bà không có một chuẩn nào và ẩn chứa nhiều rủi ro. Hiện bà giữ 5 đứa trẻ đều không quá 3 tuổi, trong đó nhỏ nhất 8 tháng tuổi, lớn nhất là 32 tháng tuổi. Có 3 đứa trẻ là con của CN cùng dãy phòng trọ, 2 đứa trẻ khác ở dãy nhà trọ lân cận. Ngẫm nghĩ, tôi lo lắng với nhiều chữ “nếu”... và nghĩ ngay đến trường hợp cháu Nam mà phát lo.

Dạo một vòng các phường Bình Hòa, An Phú (TX.Thuận An), tìm nơi giữ trẻ tương tự chỗ bà Sáu không hiếm. Đa số các điểm giữ trẻ này đều tự phát do nhu cầu của công nhân, chủ yếu hoạt động dưới hình thức người thân, bạn bè giới thiệu. Nói về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa, cán bộ phụ trách mầm non, Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TX.Thuận An cho biết, đối với những nhóm trẻ gia đình gửi từ 2 - 5 cháu, địa phương rất khó quản lý.

Theo chị Hoa, riêng cơ sở không phép, TX.Thuận An có 184 cơ sở nhóm trẻ gia đình không phép với tổng số 2.653 trẻ. Tuy nhiên, đây là những cơ sở được địa phương báo lên phòng, có sức chứa từ 1 - 2 lớp. Còn những cơ sở nho nhỏ từ 2 - 5 đứa do CN gửi bằng hợp đồng “miệng” thì khi đi kiểm tra, người giữ trẻ nói họ giữ giùm con cháu họ thì địa phương cũng bó tay!

Công nhân lo lắng

Len lỏi vào các nhà trọ CN tìm hiểu mới thấu hiểu việc gửi con em CNLĐ thật nhọc nhằn. Chị Nguyễn Thị Nhi (CN Công ty Asama, KCN Sóng Thần, TX.Dĩ An) cho biết: “Em ở trọ tại khu phố Bình Đường 3 từ cuối năm 2008 đến nay. Con em năm nay 15 tháng tuổi. Anh thấy đó, em không gửi con ở nhóm trẻ gia đình tự phát thì gửi ở đâu hả anh? Biết là có nhiều rủi ro nhưng biết làm sao!”. Nói xong, khuôn mặt Nhi buồn buồn... với nhiều nỗi lo khi chúng tôi thông tin mới đây có thêm một vụ cháu bé 16 tháng tuổi chết do sơ ý của bảo mẫu.

Chị Bùi Thị Mỹ Loan, làm việc cho một công ty Đài Loan ở KCN VSIP 1 (TX.Thuận An) có con gửi tại nhóm trẻ gia đình ở phường Thuận Giao tâm sự: “Thu nhập thấp thì không dám nghĩ đến chuyện gửi con ở các trường tư thục đạt chuẩn, còn trường công lập thì đến đâu cũng cho biết, số trẻ ở địa phương còn giải quyết không “xuể” lấy đâu chỗ trống cho con em của CNLĐ nhập cư”. Theo chị Loan, ở địa phương vẫn có nhà trẻ tư thục đạt chuẩn nhưng tiền gửi lên đến 2 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập của em chỉ có 2,3 triệu đồng/tháng thì sao dám gửi, còn chỗ không phép thì chỉ có 800.000 - 1 triệu đồng/tháng, hợp túi tiền hơn.

Chị Hồ Thị Tuyết, phụ huynh có con gửi ở một cơ sở không phép tại phường Bình Hòa (TX.Thuận An) nói: “Mặc dù chúng tôi rất lo lắng khi gửi con vào cơ sở không phép. Tuy nhiên, muốn xin vào một cơ sở chính quy thì đòi hỏi nhiều thủ tục nhiêu khê như xác nhận giấy tờ này nọ, gia đình không đáp ứng đủ nên đành chịu, chứ biết làm sao!” - chị Nhi kể, vừa qua có làm thủ tục xin cho con 20 tháng tuổi vào trường công lập nhưng chạy tới chạy lui có được đâu nên đành gửi tại nhóm trẻ gia đình khu phố Bình Đáng với giá 1 triệu đồng/tháng. Vẫn biết cơ sở này không phép, không đạt chuẩn nhưng tiếp nhận đến hơn 20 đứa trẻ nhưng cũng phải chịu...

Đi tìm lời giải!

Những “nghịch lý” mãi đè nặng trên đôi vai các ông bố, bà mẹ là CNLĐ xa quê “ngày làm, đêm tăng ca”. Chi phí, giờ giấc gửi trẻ là những nguyên nhân khiến con đường đến những ngôi trường công lập, kể cả tư thục của con em CNLĐ nhập cư còn nhiều nhọc nhằn... Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Giao - nơi liên tiếp xảy ra  các vụ việc liên quan đến nhóm trẻ gia đình cho biết, Thuận Giao là phường có hơn 70.000 CN tạm trú, so với dân thường trú thì gấp 7 lần. Với số lượng này lại đặt cho địa phương nhiều cái khó trong công tác quản lý.

Qua đợt khảo sát mới đây, được biết Thuận Giao có 43 cơ sở giữ trẻ hoạt động tự phát, không phép; trong khi toàn phường mới chỉ có 6 cơ sở giữ trẻ mới được cấp phép. Theo ông Anh, giải pháp căn cơ nhất là phường đang ráo riết xúc tiến dự án xây dựng các trường mầm non công nghiệp cho con em CN.

Bà Mai Thị Dung, Thường trực HĐND tỉnh cho rằng, vấn đề nhà trẻ dành cho con em CNLĐ đang là chuyện bức xúc mà HĐND tỉnh rất quan tâm. Theo bà Dung, qua công tác giám sát, đoàn cũng đã có nhiều kiến nghị về vấn đề này. Tuy nhiên, một nghịch lý là số

lao động nhập cư ở Bình Dương vào thời điểm này khoảng trên 700.000 người, hơn 60% số này là nữ. Trong đó, lượng nữ CNLĐ kết hôn, có con nhỏ là rất lớn. CNLĐ ngày càng đông, trong khi các điểm giữ trẻ công lập, tư thục không đáp ứng được nhu cầu nên CNLĐ đành phải gửi trẻ ở các điểm tư nhân. Trong đó số lượng những điểm giữ trẻ không phép hiện nay là rất lớn. Giải pháp căn cơ nhất là ngoài sự quan tâm của ngành GD-ĐT thì tỉnh đang khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng lĩnh vực này. 

Để giải quyết tình trạng thiếu trường lớp cho con em CNLĐ ở độ tuổi mầm non quả là bài toán khó. Bởi hiện nay, trên địa bàn tỉnh có đến 24 KCN đi vào hoạt động, trong đó có rất nhiều con em của đội ngũ CNLĐ nhập cư nhưng tại các KCN này hiện vẫn chưa có nơi nào đầu tư xây dựng nhà gửi trẻ, trường mẫu giáo theo các điều kiện lao động của CNLĐ và chi phí, giờ giấc phù hợp. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều CNLĐ đã đề nghị và mơ ước rằng, lãnh đạo tỉnh cần quan tâm hơn đến vấn đề nhà trẻ dành riêng cho CNLĐ nhập cư để họ yên tâm lao động và làm việc, góp phần vào quá trình xây dựng tỉnh Bình Dương ngày càng vững mạnh.

HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên