Nơi thành đôi không cần lễ cưới

Cập nhật: 23-08-2011 | 00:00:00

Không có đám cưới, trai gái yêu nhau, trở thành vợ chồng, sống với nhau hạnh phúc chỉ qua lời “nói chừng” của cha mẹ đôi bên. Giữa thời buổi cưới hỏi xa xỉ, lễ cưới đơn giản ở huyện đảo Phú Quý, hòn đảo thơ mộng, giàu có, cách đất liền 56 hải lý của tỉnh Bình Thuận đúng là hiếm hoi.

 

Lễ cưới đơn giản ở huyện đảo Phú Quý, hòn đảo thơ mộng, giàu có này thật hiếm hoi

“Nói chừng” là cưới nhau

Ở đảo Phú Quý, chuyện yêu đương không phức tạp như đất liền đâu, Thư, anh “cán bộ đường lối” của UBND huyện tâm sự. Trước đây, phần nhiều hai gia đình thân nhau, kết sui gia trước, rồi hướng con cái nên vợ chồng. Bây giờ tự do yêu đương, trai gái không phải chịu việc cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy nữa, nhưng chuyện này vẫn không hiếm và nhiều đôi trẻ cũng mặn nồng với tình duyên do cha mẹ sắp đặt. Bởi đảo nhỏ xíu, trai gái biết nhau từ thuở lên 5 lên 10, lớn lên thành bạn bè, rồi yêu nhau. Tình yêu mộc mạc, ít hẹn hò. “Ở đây đàn ông quanh năm ở biển, phụ nữ ở bờ, chỉ có mùa biển động mới có dịp gặp nhau, nhưng đêm đến con gái không được ra khỏi nhà vì sợ điều tiếng. Muốn tìm hiểu nhau chỉ có cách chàng trai đến chơi nhà cô gái (mà phần nhiều phải hầu chuyện cha mẹ vợ tương lai). Cũng vậy mà tình yêu ở họ hiếm khi gặp trục trặc, giận hờn, vì “đường đi nước bước” đều có cha mẹ “quản”, Thư cho biết.

Yêu nhau đơn giản, cưới nhau càng đơn giản bội phần. Tiên, cô văn thư dễ thương của văn phòng UBND huyện như bắt được nhịp khi nghe hỏi chuyện cưới hỏi. Tục lệ ở đây đơn giản lắm. Trai gái yêu nhau, nếu ưng nhau thì chàng trai về  báo tin với cha mẹ. Cha mẹ chàng trai sẽ chọn ngày lành tháng tốt sang nhà cô gái nói chuyện, mà ở đảo gọi là “nói chừng”. Thế là ngay ngày hôm đó, đôi trẻ nên nghĩa vợ chồng mà không cần lễ vật, tiệc tùng. Ở đảo, con gái lớn lên được cha mẹ cho một phòng riêng và đêm đó chàng trai sang nhà cô gái ngủ, coi như đêm tân hôn của hai vợ chồng.  Điều đặc biệt là sau khi thành vợ chồng, chàng trai vẫn ở nhà mình còn cô gái ở nhà mẹ đẻ. Buổi tối thì vợ chồng được ở với nhau tại nhà cô gái. Và trong khoảng thời gian cô gái còn ở nhà mẹ đẻ, nếu nhà trai có việc hệ trọng (đám tiệc, giỗ chạp, dựng nhà...) thì sang “mượn” con dâu một vài ngày, nhà gái cũng có thể “mượn” con rể. Lộc, phóng viên trẻ của Đài truyền thanh tiếp phát truyền hình huyện Phú Quý giải thích, ở như vậy là để cả hai gia đình còn được nhờ con mình thêm một thời gian. Như Lộc cùng vợ cưới nhau đã hơn 3 năm nay, nhưng đôi vợ chồng trẻ này vẫn hai nơi, mặc dù sáng sáng họ tay trong tay đến công sở. Lộc bảo vợ chồng em vừa đi học vừa đi làm, chưa quyết định có con vội vì vợ mới học xong, muốn để vợ “rảnh tay” giúp gia đình một vài năm trả hiếu cho cha mẹ.

Đôi vợ chồng trẻ cứ mạnh ai ở nhà người ấy cho đến khi nào cha mẹ người con trai thấy cần con dâu về sống chung, hoặc khi đôi vợ chồng trẻ có con thì nhất định phải về nhà trai. Ngày cô dâu về nhà chồng, nhà trai đưa lễ vật gồm trầu cau, rượu, xôi gà cùng ông mai đến nhà gái xin đón con dâu, cháu nội. Thủ tục phải có trong lễ rước dâu, rước cháu là lễ “phạt ông bà”, tức báo cáo với tổ tiên cho phép cô dâu làm thành viên chính thức của dòng họ. Tiên chỉ chiếc nhẫn cưới của mình: Em lấy chồng năm 19 tuổi. Cả em và chồng đều là công chức Nhà nước, nhưng chuyện cưới xin cũng không ngoài tục lệ. Sau khi cha mẹ hai bên “nói chừng” với nhau, vợ chồng em đăng ký kết hôn, rồi trao nhẫn cưới, mà cả việc trao nhẫn cưới cũng chỉ mới có vài năm nay, ở giới công chức. Gần 3 năm cưới nhau, em vẫn ở nhà với cha mẹ, còn chồng em thì ở nhà anh ấy.

Ông Trần Thanh Phong, ở xã Long Hải, huyện Phú Quý, người nhiều năm nghiên cứu, ghi chép lại lịch sử của hòn đảo này cho biết, không có đám cưới không phải là tiết kiệm, vì cuộc sống trên đảo hiện nay rất khá giả, hiện đại. Có lẽ xuất phát từ ngày xưa, cuộc sống còn cơ cực, điều kiện tổ chức lễ cưới như đất liền không có vì đảo xa cách trở nên ông bà cũng chẳng rườm rà chuyện cưới xin, con cái thương yêu nhau thì cho phép về sống chung, sinh con đẻ cái, rồi thành phong tục thôi. Ông Phong cười: mà chuyện không cưới xin bây giờ lại hợp thời. Cưới hỏi tốn kém, nhưng các đôi vợ chồng trẻ về sống với nhau không hạnh phúc thì khổ bội phần. Cần nhất là vợ chồng trẻ yêu thương, có điều kiện làm ăn và sống với nhau hạnh phúc.

Muốn làm đám cưới cũng không dễ!

Mặc dù cưới hỏi vài năm gần đây cũng có diễn ra, nhưng ở giới công chức và một số người có dây mơ rễ má với đất liền. Muốn tổ chức đám cưới, người ta phải đi tàu biển 6-7 giờ vào TP.Phan Thiết chụp ảnh, thuê áo cưới và tất cả các dịch vụ. Ngày cưới cũng chỉ là ngày họp mặt thân mật của bạn bè, người thân và khách mời cùng bắt tay lo cho chú rể cô dâu, từ dựng rạp, tiệc đãi khách cho đến các khâu văn nghệ phục vụ đám cưới. Ngày nay, giới công chức và các bạn trẻ vào đất liền học tập, công tác, khi về đảo vẫn mang theo chuyện cưới hỏi của đất liền. Thế nhưng, nếu hai vợ chồng cùng sinh ra, lớn lên ở đảo thì muốn có một đám cưới cũng không phải đơn giản. Bích Dung, phát thanh viên Đài Truyền thanh tiếp phát Truyền hình Phú Quý khẳng định: Dù sinh ra, lớn lên ở đảo, nhưng với em, em vẫn muốn ngày cưới của mình được tổ chức vui vẻ như bạn bè ở đất liền. Tuy nhiên, đã là tục lệ thì mình khó làm khác. Dung giải thích, nếu nhà gái tổ chức đám cưới, nhưng nhà trai không đồng ý thì cũng không thể thực hiện và ngược lại cũng vậy, nếu nhà trai muốn làm đám cưới, mà cha mẹ em không đồng ý thì phải theo tục lệ thôi.

Tuy không có đám cưới, nhưng ở đảo Phú Quý, các gia đình trẻ sống với nhau rất hạnh phúc và chí thú làm ăn. Cuộc sống trên đảo ngày càng sung túc, ấm no như cái tên Phú Quý vậy. Đảo có 3 xã, khoảng 26.000 dân với đầy đủ các điều kiện vui chơi giải trí, văn hóa, dịch vụ, giao thương cũng ngày càng thuận tiện hơn, nhưng điều đặc biệt của huyện đảo này là không có những cửa tiệm cho thuê đồ cưới lấp lánh như ở đất liền. Gần đây cũng có một tiệm mở ra nhưng cả năm chẳng ai đến thuê áo cưới, dù mỗi ngày trên đảo có vài đôi trai gái nên duyên vợ chồng.

Nói chuyện cưới hỏi, ông Huỳnh Văn Hưng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý vừa buồn vừa vui: Mừng là vì không có những thủ tục cưới xin rườm rà, tốn kém, nhưng các cặp vợ chồng trẻ ở đảo đều sống rất hạnh phúc, chí thú làm ăn. Con cái tới tuổi lao động đi làm biển, vốn liếng góp hết cho cha mẹ. Cha mẹ dù nghèo cũng cố lo cuộc sống bảo đảm cho con trước khi ra riêng. Nhà nào khá thì cho con một đầu hùn ở các tàu thuyền, như hình thức góp cổ phần làm ăn ở đất liền. Khá hơn nữa thì có thêm mảnh đất, căn nhà, những nhà nghèo cũng cố gắng hỗ trợ con trai bằng cách giữ tiền công đi biển để làm của hồi môn cho con. Vì vậy các gia đình nhỏ ở đảo Phú Quý không bị đói khổ, con trai ít thất nghiệp. Tuy nhiên, trong thời buổi hiện đại này, không tổ chức đám cưới cũng có phần thiệt thòi cho các bạn trẻ. Và đáng lo là độ tuổi bình quân kết hôn ở Phú Quý khá thấp. Nhiều gia đình lao động biển cũng không nhớ thủ tục đăng ký kết hôn. Cán bộ cơ sở phải vận động các gia đình đăng ký kết hôn sau nhiều năm chung sống, rồi thủ tục khai sinh cho trẻ trong trường hợp sinh con trước hôn nhân... Độ tuổi kết hôn thấp nên dân số của huyện đảo Phú Quý khá trẻ. Ở đây, trai gái lớn lên, thích nhau thì về ở với nhau, người ta lập gia đình trước khi lập nghiệp nên mọi gánh nặng đè lên vai người đàn ông và tỷ lệ sinh con thứ 3, thứ 4 không phải không có.

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên