Nông dân điêu đứng vì nuôi cá tra

Cập nhật: 23-10-2010 | 00:00:00

 

Sản vật của sông Mê Kông

 

Sông Mê Kông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng xuôi về biển Đông qua các lãnh thổ Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đến địa phận Việt Nam, sông chia thành hai nhánh: sông Hậu và sông Tiền, mỗi dòng sông có độ dài khoảng 220-250km chảy vào đồng bằng sông Cửu Long. Trên dòng sông này, con cá tra được xem là sản vật quí giá mà thiên nhiên ban tặng cho đồng bằng sông Cửu Long.

 Trên thị trường thế giới, cá tra vẫn là mặt hàng chưa có “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp với một loại cá nào khác, vì môi trường nước, khí hậu, thời tiết tại Việt Nam đặc biệt thích hợp và thuận lợi cho cá tra sinh sống, phát triển. Việt Nam luôn có đủ sản lượng để cung cấp ra thị trường, không bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ do cá tra có thể nuôi quanh năm. Hơn nữa, giá thành nuôi cá tra ở Việt Nam rẻ hơn từ 20-30% so với các loại cá khác. Trên thế giới, cá tra là một trong sáu loại thực phẩm không thể thiếu và cũng là một trong những loài cá có giá trị kinh tế cao. Cá tra của Việt Nam được nhiều thị trường trên thế giới ưa chuộng vì thịt trắng, thơm ngon hơn so với các loài cá da trơn khác. Tại Nga, cá tra được xem là một thực phẩm “hot” và tại Mỹ các sản phẩm chế biến từ cá tra của Việt Nam là một trong 10 mặt hàng được ưa chuộng của người tiêu dùng. Thông tin trên được Hiệp hội thủy sản Mỹ đưa ra tại buổi làm việc của hiệp hội này với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 10-9-2010 tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông Lương Lê Phương - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cá tra là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những chương trình quản lý chất lượng từ ao nuôi đến bàn ăn, cùng nhiều văn bản hướng dẫn nhằm kiểm soát tốt chất lượng chế biến các sản phẩm từ cá tra. Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ khoảng 41.000 tấn cá tra với giá trị khoảng 134 triệu đô la Mỹ, chiếm 6,75% tổng giá trị xuất khẩu cá tra (607.000 tấn) trong năm 2009 vừa qua.

 

Gánh nặng của người dân

 

Xuất phát từ hiệu quả kinh tế của con cá tra mang lại trong nhiều năm qua, đặc biệt là giá trị kim ngạch xuất khẩu từ sản phẩm này ngày càng tăng đã làm cho diện tích, sản lượng nuôi, nhà máy chế biến, lĩnh vực tài chính ngân hàng.v.v... phát triển ngày một tăng tốc. Hệ lụy của sự phát triển “nóng” này đang để lại những hậu quả đáng tiếc. Do ảnh hưởng của việc phát triển tự phát, thiếu kế hoạch, thiếu quy hoạch đồng bộ đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa cá tra những năm 2007-2008, để lại hậu quả nặng nề cho năm 2009 và những tháng đầu năm 2010. Thực tế cho thấy nhiều hộ nông dân nuôi cá tra phải “treo” ao nuôi và phải gánh một khoản nợ rất lớn. Tuy thị trường xuất khẩu có những tín hiệu lạc quan, không ngừng mở rộng nhưng đó là những thị trường nhỏ. Từ năm 2008 đến nay, khi xảy ra cuộc khủng hoảng toàn cầu, một số mặt hàng xuất khẩu khác gặp không ít khó khăn nhưng con cá tra vẫn duy trì tốt, nhưng trong thực tế vẫn không kích thích được người nuôi. Việc giảm giá và thừa nguyên liệu liên tục mấy năm nay đẩy người nuôi vào tình trạng thua lỗ kéo dài, lượng người nuôi phá sản ngày càng nhiều. Và điều khó tránh khỏi trong thời gian tới là thiếu nguồn cung cá nguyên liệu cho chế biến, nếu không có những giải pháp hỗ trợ tích cực thì không kích thích người nuôi tái sản xuất, bởi nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất, theo tính toán của người nuôi cá tra, để chuyển hóa được 1kg cá tra nguyên liệu cần 1,8 - 2kg thức ăn. Nếu chỉ tính thức ăn loại 22% đạm, hiện nay khoảng 8.400 đồng/kg thì giá thức ăn cấu thành trong con cá tra đã ở mức 16.400 đồng/kg, chiếm khoảng 80% chi phí (chưa tính đến các chi phí khác như con giống, thuốc thú y thủy sản, nhân công, bơm nước, lãi suất ngân hàng.v.v...). Như vậy, với mức giá cá nguyên liệu hiện nay chỉ còn khoảng 16.500 - 16.800 đồng/kg thì người nuôi cá tra chắc chắn lỗ trên 1.000đ/kg. Để giải quyết vấn đề này, trong cuộc họp ngày 19-10-2010, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc áp giá sàn mua cá tra nguyên liệu là 20.000 đồng/kg và giá xuất khẩu cá tra là 2,8USD/kg. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm bằng hình thức phạt tiền đưa vào quỹ bình ổn giá cả đối với các doanh nghiệp có hành vi gian lận thương mại, cạnh tranh thiếu lành mạnh và có biện pháp “cứng” đối với những doanh nghiệp không có nhà máy chế biến, các doanh nghiệp này thường “mua đi - bán lại” và đã làm đảo lộn thị trường trong thời gian qua bằng việc giảm chất lượng sản phẩm, giảm giá bán dẫn đến ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng và giá trị sản phẩm cá tra Việt Nam. Nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý với đề xuất này thì đây là tín hiệu tốt cho người nuôi cá tra. Thứ hai, những hộ nuôi quy mô nhỏ không còn khả năng tái đầu tư và đã “treo” ao đến 60-70%; một số đã chuyển sang ươm cá giống, nuôi các loại cá khác có giá trị kinh tế thấp, tiêu thụ trong nước và một số hộ đã cho doanh nghiệp thuê ao. Đối với những người nuôi với qui mô lớn thì do giá cả đầu ra bấp bênh, lợi nhuận thấp hoặc không có lợi nhuận nên không mạnh dạn đầu tư. Thứ ba, vốn đầu tư nuôi cá tra khá lớn nên đa số hộ dân phải vay vốn ngân hàng, trong khi đó tỷ suất lợi nhuận rất thấp (1-2%) mà rủi ro lại cao. Thứ tư, việc liên kết giữa bốn nhà (sản xuất - chế biến - khoa học - quản lý) còn nhiều yếu kém. Giữa người nuôi và doanh nghiệp chưa thực sự bền vững, vì thế đã xảy ra tình trạng cung cầu mất ổn định. Việc liên kết giữa sản xuất và chế biến chưa chặt chẽ và nếu có chỉ mang tính hình thức...

 

Lối ra nào cho người nuôi cá?

 

Đối với các sản phẩm về cá tra, chất lượng phải được xem là tiêu chuẩn hàng đầu. Do vậy trong thời gian qua các ban, ngành Trung ương và địa phương đã và đang vào cuộc để quản lý gắt gao về chất lượng sản phẩm. Với tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao, quản lý môi trường tốt sẽ không còn cơ hội cho những thông tin sai lệch, bôi xấu như hiện nay ở một số nước về hình ảnh cá tra Việt Nam. Hơn nữa, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam sớm lên tiếng và đấu tranh mạnh mẽ hơn về vấn đề Mỹ áp thuế chống bán phá giá cá tra của Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm ban hành Luật về hội nghề nghiệp nhằm tạo hành lang pháp lý để các hội nghề nghiệp hoạt động được thuận lợi. Thời gian qua, thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 4%/năm trong gói kích cầu của Chính phủ đã phát huy tác dụng, khôi phục nhanh chóng tình trạng thua lỗ trong nuôi cá tra. Đề nghị Chính phủ xem xét tiếp tục hỗ trợ để người nuôi cá thua lỗ có cơ hội tiếp tục sản xuất. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ về thuế đối với mặt hàng thức ăn thủy sản, cụ thể áp dụng thuế suất bằng 0 cả đầu vào và đầu ra thức ăn thủy sản nhằm giúp cho người nuôi giảm giá thành và hiệu quả sản xuất ổn định. Song song đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xây dựng nghị định về sản xuất và tiêu thụ cá tra Việt Nam, sớm ban hành chính sách về chuỗi liên kết dọc trong sản xuất và tiêu thụ cá tra, quy hoạch lại các nhà máy chế biến, không để phát triển nóng như hiện nay (theo ước tính các nhà máy dư thừa công suất trên 100%). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu tiếp tục hỗ trợ vốn vay và khoanh nợ cho những hộ thua lỗ không còn khả năng về vốn nhưng còn điều kiện vùng nuôi để tiếp tục duy trì sản xuất cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến xuất khẩu tham gia trong các chuỗi liên kết.

 

Để phát triển bền vững nghề nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long, có hai nội dung quan trọng mà chính quyền địa phương cần phải quản lý chặt chẽ hơn nữa là: thứ nhất, không nên phát triển thêm các nhà máy chế biến thủy sản vì các nhà máy đã đạt đỉnh điểm 2 triệu tấn/năm (gấp đôi vùng nguyên liệu). Những nhà máy chưa có vùng nguyên liệu thì phải có sự liên kết để đảm bảo nguyên liệu sản xuất. Còn những nhà máy không có khách hàng (làm gia công, mua đi bán lại) thì các cơ quan chức năng của địa phương cần kiểm soát chặt chẽ, vì trong thời gian qua những nhà máy chế biến này đã làm xấu thị trường xuất khẩu cá tra. Thứ hai, các vùng nuôi, người nuôi cá tra phải được cơ quan nhà nước cấp phép chứng nhận nuôi trồng và các nhà máy chế biến chỉ được mua cá ở những vùng nuôi thì mới có thể quản lý được sản lượng cung - cầu trong năm, đồng thời truy xuất được nguồn gốc của vùng nguyên liệu khi cần thiết.

             

            Theo CA TP.HCM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên