Nông dân xã Chánh Mỹ, TP.TDM: Thực hiện chuyển đổi theo hướng nông nghiệp đô thị

Cập nhật: 14-05-2013 | 00:00:00

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một đã đẩy mạnh việc chuyển đổi các mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học, tập trung sản xuất cây giống, con giống, rau an toàn, hoa kiểng... Nhờ vậy, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị ở xã Chánh Mỹ đã xuất hiện, đạt hiệu quả kinh tế cao và ngày càng được nhân rộng.

Mô hình trồng rau sạch trong nhà kín với công nghệ cao của gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, ấp Mỹ Hảo 1, đem lại hiệu quả kinh tế cao

Chị Tống Thị Ngọc Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chánh Mỹ, cho biết trong vòng 6 năm trở lại đây, diện tích đất nông nghiệp tại xã Chánh Mỹ bị thu hẹp do phải nhường đất cho các dự án, như: Dự án HUD (Khu du lịch sinh thái) và khu đô thị biệt thự vườn Chánh Mỹ. Trước tình hình quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, UBND xã Chánh Mỹ đã khuyến khích bà con nông dân thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với quá trình đô thị hóa; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học để lai tạo giống, nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và khả năng cạnh tranh của nông sản. Cùng với đó, chính quyền xã còn tranh thủ mọi nguồn vốn để hỗ trợ cho người dân vay vốn đầu tư, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2013 đến nay, toàn xã đã có 60 lượt hộ nông dân được duyệt vay 80 triệu đồng với lãi vay ưu đãi để xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị. Trong đó, các mô hình phát triển cây con giống chất lượng cao, sản xuất rau an toàn… được nhiều nông dân tham gia.

Hiện tại, mô hình mà bà con nông dân xã Chánh Mỹ tham gia nhiều nhất là trồng rau. Diện tích đất trồng rau chủ yếu xen với đất ở dân cư, kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình trồng rau sạch trong nhà kín của ông Nguyễn Văn Dũng, ở ấp Mỹ Hảo 1 là một trong những mô hình điển hình. Trao đổi với chúng tôi, ông Dũng cho biết: “Trước đây, gia đình tôi có 1.000m2 đất sản xuất, chuyên trồng rau diếp cá. Sau khi diện tích đất bị thu hẹp và được xã phổ biến dự án của Viện Công nghệ sinh học về trồng rau sạch trong nhà kín, tôi quyết định nhận thực hiện trên diện tích 200m2. Sản xuất rau trong nhà kín bằng công nghệ tưới phun tự động đã giúp tôi tiết kiệm được thời gian, công lao động, mà sản lượng thì tăng cao hơn so với sản xuất truyền thống. Chỉ với cây rau xà lách, bình quân 100m2 đất sản xuất mỗi đợt gia đình tôi thu được khoảng 100kg, giá bán là 30.000 đồng/kg. Còn cà chua, với diện tích như trên có thể thu về gần 200kg, giá bán bình quân 20.000 đồng/kg”.

Ngoài mô hình trồng rau trong nhà kín, tại Chánh Mỹ còn có mô hình thí điểm trồng rau mầm của một số bà con nông dân cũng đạt hiệu quả kinh tế cao. Ông Huỳnh Văn Hùng, ở ấp Mỹ Hào 1 là tổ trưởng tổ sản xuất rau mầm, chia sẻ: “Thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị, Hội Nông dân xã kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hướng dẫn cho bà con chúng tôi thực hiện thí điểm mô hình rau mầm. Tham gia thực hiện mô hình này, chúng tôi đã học được cách trồng và chăm sóc rau mầm sao cho hiệu quả. Mô hình này có khả năng ứng dụng cao đối với những hộ nông dân ít đất canh tác”.

Bên cạnh các mô hình trồng rau, nhiều hộ nông dân ở Chánh Mỹ còn thực hiện các mô hình trồng hoa lan, cây kiểng và nuôi cá kiểng, nuôi dê… Thực tế cho thấy, nhiều hộ nông dân tại Chánh Mỹ đã khá lên nhanh chóng nhờ những mô hình nông nghiệp đô thị nói trên và đã trở thành những gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã và TP.Thủ Dầu Một. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị của xã Chánh Mỹ cũng còn gặp không ít khó khăn do diện tích đất canh tác của nông dân ngày càng bị thu hẹp; lao động nông nghiệp giảm dần và chuyển đổi sang ngành nghề khác; giá cả các loại nguyên nhiên vật liệu, thức ăn gia súc luôn biến động, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành nông sản và hiệu quả sản xuất của nông dân, trong khi các dịch vụ và cơ sở hạ tầng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và nông thôn chậm phát triển.

Để nông dân thực hiện thành công các mô hình nông nghiệp đô thị, thiết nghĩ chính quyền xã Chánh Mỹ cần có nhiều đề án về tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động khuyến nông; chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm tạo đột phá để nhân rộng các mô hình. Nông nghiệp đô thị là hướng đi đúng, nếu thực hiện được các yêu cầu đề ra, việc chuyển đổi theo hướng nông nghiệp đô thị tại Chánh Mỹ sẽ đạt hiệu quả cao hơn, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên