Nông nghiệp công nghệ cao ở Bến Cát: Nhiều mô hình có khả năng nhân rộng

Cập nhật: 05-04-2012 | 00:00:00

Là huyện có tốc độ công nghiệp hóa - đô thị hóa nhanh, Bến Cát còn là địa phương có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao cần nhân rộng...

Một trong những nông dân tâm đắc với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào thực tế sản xuất nông nghiệp là ông Nguyễn Văn Khái, ngụ tại xã Lai Uyên. Hiện mô hình tưới phun tự động đã mang lại cho ông những kết quả cao trong sản xuất. Do nhu cầu thực tế và mong muốn tiết kiệm đến mức thấp nhất các chi phí sản xuất mà ông đã tự mày mò xây dựng nên hệ thống tưới phun tự động. Thông thường, một trang trại 25 ha cần ít nhất 2 nhân công để tưới. Mùa nắng có khi 2 người tưới cả ngày mới xong chừng ấy diện tích, lại không thể tưới đều cho tất cả các cây trong vườn cùng một lượng nước như nhau. Từ khi xây dựng hệ thống tưới phun tự động, ông Khái đã tiết kiệm được rất nhiều các chi phí về nhân công, nước, điện năng. Số lượng cây trồng canh tác trên 1 ha diện tích đất sản xuất cũng tăng lên đáng kể, từ 300 cây tăng lên 1.000 cây. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho hệ thống tưới phun tự động của ông cũng rất thấp, chỉ khoảng 7 - 8 triệu đồng. Chi phí lắp đặt hệ thống tưới tự động của ông chỉ bằng 1/10 so với hệ thống của Israel, nhưng hiệu quả tưới đạt mức tương đương. Từ việc ứng dụng cho tưới cây ăn trái, hiện ông còn ứng dụng hệ thống này trong trồng cao su, giúp rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản của vườn cây cao su và đem lại hiệu quả là cây cao su phát triển đồng đều hơn.

 Mô hình trồng cà chua thủy canh của ông Nguyễn Văn Đẹp

Một điển hình nữa trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là mô hình trồng cà chua và dưa leo thủy canh của ông Nguyễn Văn Đẹp tại ấp Bến Liễu, xã Phú An. Trên diện tích đất 2.000m2, ông Đẹp đã xây dựng nhà lưới kín và sử dụng hệ thống tưới nước, bón phân tự động cho cây cà chưa và dưa leo. Hệ thống bón phân, tưới nước tự động của ông có cả máy hẹn giờ, máy đo biên độ phân và độ pH nước đã giúp ông tiết kiệm rất nhiều chi phí sản xuất. Mỗi khi cần tưới nước và tưới phân, ông chỉ cần bật cầu dao điện, hẹn giờ; mọi thứ còn lại đều do máy móc tính toán, xử lý. Bên cạnh đó, việc ứng dụng hệ thống tưới này còn giúp cho các sản phẩm mà ông làm ra có độ đồng đều cao, bóng, đẹp. Hệ thống nhà lưới kín giúp hạn chế sự xâm nhập của các mầm bệnh gây hại từ bên ngoài nên hạn chế được rất nhiều việc sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật. Do vậy, sản phẩm cà chua và dưa leo của ông Đẹp làm ra có chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng.

Theo ông Đẹp, mô hình nông nghiệp công nghệ cao của ông có chi phí đầu tư ban đầu khoảng từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, nhưng chỉ sau 3 năm thì có thể thu hồi vốn. Trong khi các nguyên vật liệu xây dựng mô hình rất dễ mua và có thời gian sử dụng lâu dài. Ông Đẹp cho biết thêm, làm nông nghiệp công nghệ cao ngoài việc đòi hỏi bỏ ra số vốn ban đầu lớn, còn đòi hỏi người nông dân phải có lòng đam mê và tìm tòi học hỏi. Bù lại sản phẩm làm ra đều có chất lượng cao và đạt hiệu quả kinh tế cao, an toàn. Tuy chỉ mới dừng lại ở mức thử nghiệm nhưng có thể thấy mô hình trồng cà chua, dưa leo trong nhà lưới kín, sử dụng hệ thống tưới tự động của ông Đẹp là một mô hình tiềm năng, có khả năng nhân rộng. Ông Đẹp cho biết trong thời gian tới ông sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm mô hình, nhất là việc khắc phục nhiệt độ trong nhà lưới và trồng thử nghiệm thêm một số loại cây trồng khác như ớt ngọt, rau gia vị...

Ngoài các mô hình kể trên, ở Bến Cát còn nhiều điển hình nông dân rất năng động, có ý thức trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng các phương thức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất. Cụ thể là mô hình trồng bưởi da xanh của bà Nguyễn Thanh Thủy tại xã Long Nguyên hay mô hình trồng nấm của ông Phan Văn Thêm tại xã Phú An. Mô hình trồng bưởi da xanh của bà Thủy nhờ ứng dụng hệ thống tưới phun tự động đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Còn mô hình trồng nấm của ông Phan Văn Thêm tại xã Phú An thì nhờ ứng dụng công nghệ cao mà phát triển tới 88 trại chuyên trồng các loại nấm có giá trị kinh tế cao như nấm linh chi, vân chi, hầu thủ, thái dương... tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động tại địa phương. Sản phẩm nấm của ông Thêm hiện đã tạo được thương hiệu và có uy tín với người tiêu dùng.

Ngoài ra, tại Bến Cát còn có rất nhiều mô hình nuôi heo, gà trại lạnh với quy mô lớn. Các trại chăn nuôi kiểu này đã góp phần tích cực trong việc tạo ra nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành chế biến thực phẩm và mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân. Điều đó cho thấy, nông nghiệp công nghệ cao ở Bến Cát phát triển rất đa dạng trên cả 2 lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Nhiều mô hình tuy chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm, nhưng có khả năng ứng dụng cao vào thực tế và hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao nếu được nhân rộng bằng các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.

CAO SƠN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam: “Có thể ứng dụng mô hình nông nghiệp kỹ thuật cao vào đô thị”

Sau khi khảo sát các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Bến Cát, tôi đánh giá cao các mô hình này. Nhiều nông dân đã rất cần cù, chịu khó, áp dụng một cách nhuần nhuyễn các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đây là những mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, mang ý nghĩa xã hội lớn và hoàn toàn có thể nhân rộng được. Theo tôi, mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao tại Bình Dương đã có, nhưng vấn đề quan tâm hiện nay là làm sao để nhân rộng các mô hình này. Những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Bến Cát không phải quá đắt tiền và hoàn toàn có thể ứng dụng vào đô thị được. Vấn đề còn lại là chúng ta cần tính toán các cơ chế thích hợp, rõ ràng hơn về đất và đặc biệt là về vốn; còn việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ thì người nông dân đã chủ động được.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên