Nông nghiệp công nghệ cao phát triển mạnh 

Cập nhật: 22-01-2015 | 08:54:55

Trong xu thế phát triển hiện nay, việc xây dựng một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường là yêu cầu cần thiết. Để phát triển phù hợp trong giai đoạn mới, nông dân trong tỉnh đã chủ động thay thế mô hình sản xuất nhỏ lẻ, giản đơn sang đầu tư mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất. Qua đó đã khẳng định bước đi mới của nền nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế ở địa phương.

Nhiều mô hình áp dụng công nghệ cao

Hiện nay, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai ở nhiều địa phương trong tỉnh theo các mẫu cải tiến nhà kính, nhà lưới. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 4 khu nông nghiệp kỹ thuật cao với diện tích 979 ha phát triển hiệu quả. Nhiều mô hình áp dụng công nghệ cao đem lại doanh thu từ 500 - 600 triệu đồng/ha/ vụ. Bên cạnh 4 khu nông nghiệp công nghệ cao, tổng diện tích ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất trên 860 ha gồm các loại cây trồng có giá trị như: rau, nấm, cây ăn trái...

Ứng dụng công nghệ mới là điều cần thiết đối với sản xuất nông nghiệp hiện nay. Trong ảnh: Ông Nguyễn Minh Dũng đang chăm sóc vườn rau của gia đình. Ảnh: N.TRẦN

Để phát triển hơn nữa ngành nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương, năm 2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện 23 mô hình khuyến nông, khuyến ngư với 224 điểm trình diễn trên địa bàn tỉnh; đồng thời tổ chức 181 lớp tập huấn về quy trình sản xuất rau sạch, trái cây an toàn theo hướng VietGap, chăm sóc và phòng ngừa sâu bệnh… Bên cạnh đó, sở phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố tổ chức 7 hội nghị chuyên đề, 23 lớp tập huấn, 10 chuyến tham quan nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu đưa quy trình kỹ thuật cho bà con nông dân áp dụng vào thực tế sản xuất.

Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong giai đoạn 2015-2020, sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện xây dựng Trạm Thực nghiệm và huấn luyện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tại xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng và Trạm Chẩn đoán xét nghiệm động vật tại phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An. Sở cũng đề nghị Sở Khoa học - Công nghệ xem xét hỗ trợ vốn khoa học công nghệ cho hai trại này với tổng số tiền hơn 8,6 tỷ đồng; phối hợp với các ban, ngành tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến; đồng thời đẩy mạnh thu hút nguồn lực kinh tế tư nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đi đôi với tăng cường quản lý dự án đầu tư.

Hiệu quả kinh tế tăng cao

Việc nông dân quyết tâm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên cùng 1 đơn vị diện tích. Cụ thể, mô hình trồng rau thủy canh ăn lá tại TP.Thủ Dầu Một đạt lợi nhuận bình quân 23 triệu đồng/tháng; một số trại trồng cây có múi đạt lợi nhuận từ 200 triệu - 1 tỷ đồng/ha; đối với chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học cũng đạt lợi nhuận trên 100 triệu đồng/lứa…

Ông Nguyễn Minh Dũng ở khu phố Mỹ Hảo, phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một đã tìm tòi xây dựng nên mô hình sản xuất nông nghiệp mới, hiệu quả. Năm 2011, ông được chọn là người thụ hưởng dự án “Xây dựng mô hình khu canh tác rau sạch thương phẩm bằng kỹ thuật thủy canh hồi lưu” trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một do UBND TP.Thủ Dầu Một phối hợp với Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm trường Đại học Công nghiệp TP.HCM thực hiện. Với diện tích nhà lưới 200m2 và đầy đủ trang thiết bị cần thiết cùng sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của các chuyên gia, ông bắt tay vào sản xuất rau an toàn theo phương pháp thủy canh hồi lưu mới mẻ. Đến nay, vườn của ông đã tăng diện tích lên 450m2. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, ông đầu tư vốn xây dựng hệ thống nhà kính, đấu nối hệ thống thiết bị máy móc điều khiển tự động để trồng cà chua và rau ngắn ngày.

Làm nông nghiệp theo công nghệ mới, lại tốn ít công chăm sóc, trên diện tích 450m2, ông chia nửa diện tích trồng cà, nửa diện tích trồng rau ăn lá để có thu hoạch đều đặn trong năm. Trồng rau theo quy trình khép kín, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên sản phẩm làm ra không đủ bán. Chỉ tính diện tích 200m2, mỗi vụ thu hoạch cho ông thu nhập 30 triệu đồng, mỗi năm thu hoạch 2 vụ. Vì thế, cuộc sống gia đình ông khá lên rất nhiều. Ông Dũng chia sẻ, so với trồng rau trên đất, trồng rau thủy canh hồi lưu có những ưu điểm vượt trội như thời gian chăm sóc ít, không tốn quá nhiều diện tích nhưng lại cho sản phẩm rau sạch và năng suất cao...

Trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nông dân trong tỉnh còn nghiên cứu chọn các giống có chất lượng cao, chọn cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao được nông dân chủ động áp dụng đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Do vậy, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ nông dân trong chuyển giao công nghệ sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và chuyển giao mô hình nông nghiệp tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng trai trạng góp phần tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.

NHIÊN TRẦN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên