Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Hướng đi tất yếu

Cập nhật: 02-07-2020 | 08:30:51

Phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, áp dụng khoa học công nghệ với chuyển đổi mô hình sản xuất, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ… là một chủ trương lớn về phát triển nông nghiệp được huyện Dầu Tiếng tập trung thực hiện trong những năm qua. Tuy nhiên, để chủ trương này mang lại hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới cần nhiều “lời giải” từ cả chính quyền lẫn người nông dân.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang được nông dân huyện Dầu Tiếng áp dụng hiệu quả

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Trong những năm qua huyện Dầu Tiếng đã tích cực triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện bền vững theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, đạt năng suất, chất lượng, an toàn, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao, tăng giá trị và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích. Kế hoạch được thực hiện từ năm 2017 thông qua các dự án khuyến nông, các đề án nông nghiệp; phát triển các mô hình trồng cây ăn trái, mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp. Hiện nay, diện tích cây cao su của huyện còn khoảng 50.000 ha, giảm 1,2% so với đầu nhiệm kỳ, trong khi đó diện tích cây ăn trái có 650 ha, tăng 100% so với đầu nhiệm kỳ. Các loại cây ăn trái chủ yếu là măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, quýt, bưởi da xanh…

Ngoài ra huyện đang đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp với phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền; thực hiện mô hình thâm canh cây có múi đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại 2 xã Minh Hòa, Minh Thạnh. Địa phương cũng tập trung khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, trên địa bàn huyện có hàng trăm ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng liên doanh với Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I thực hiện dự án đầu tư trồng chuối cấy mô tại xã Thanh An với diện tích 117 ha và đang lập thủ tục đầu tư tại xã Long Hòa 2.300 ha cây có múi ứng dụng công nghệ cao. Riêng người dân trên địa bàn huyện đầu tư sản xuất các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 27 ha. Bà Trần Thị Ngọc Tuyết, hộ dân ấp Rạch Đá, xã Định Thành, cho biết khi chuyển đổi từ cây cao su sang trồng quýt và bưởi, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn hẳn.

Nhiều hộ dân trồng măng cụt, bưởi da xanh, sầu riêng… cũng thừa nhận hiệu quả vượt trội từ việc trồng cây ăn trái ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao. Hiện năng suất cây có múi của huyện Dầu Tiếng đạt từ 45 - 60 tấn/ha, đạt doanh thu từ 1,4 - 1,6 tỷ đồng/ha, lợi nhuận từ 800 triệu/ha/năm. Chất lượng trái cây của huyện ngày càng khẳng định được giá trị khi mới đây gần 10 ha măng cụt ở Thanh Tuyền đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Huyện cũng đã xây dựng “Nhãn hiệu tập thể cây măng cụt huyện Dầu Tiếng” và hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm cây ăn trái có múi huyện Dầu Tiếng.

Bên cạnh phát triển diện tích cây ăn trái, huyện Dầu Tiếng cũng định hướng phát triển ngành chăn nuôi tập trung. Đến nay toàn huyện có 218 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 68% với 149 trại. Các sản phẩm chăn nuôi ngày càng cải thiện chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đến nay giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 4.241 tỷ đồng, chiếm 23,73% trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Tiếp tục tìm tháo gỡ khó khăn

Những kết quả bước đầu trong thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng ở huyện Dầu Tiếng là minh chứng khẳng định chủ trương đúng đắn của huyện và phù hợp với xu hướng của thị trường. Tuy có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra giá trị gia tăng trên một đơn vị ha, song kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có của huyện. Có nhiều nguyên nhân tác động đến kết quả này, trong đó có những nguyên nhân chính đó là khi chuyển đổi qua các loại cây trồng khác thì người dân rất e dè, bởi đến nay trên địa bàn vẫn chưa có một mô hình nào khẳng định sự phát triển lâu dài.

Bên cạnh đó việc tiếp cận nguồn vốn hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, việc thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa được thực hiện tốt. Một nguyên nhân quan trọng và có tính quyết định đó là thị trường. Hiện nông dẫn chưa có thị trường ổn định, điều đó khiến nông dân trên địa bàn vẫn chưa mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Những nguyên nhân nói trên thực sự là bài toán cần sớm có lời giải để chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp  cũng như việc phát triển nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao của huyện đạt mục tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện tiếp tục thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với chế biến và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, huyện chú trọng lĩnh vực chế biến bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư khai thác sâu vào việc chế biến các sản phẩm nông nghiệp thành những sản phẩm cuối cùng chứ không phải xuất thô như hiện nay. Như thế, sản phẩm nông nghiệp của người dân mới nâng cao giá trị. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng mời gọi một số doanh nghiệp về đầu tư các khu công nghiệp mang tính chuyên ngành, chẳng hạn như tinh chế mủ, gỗ cao cấp hơn.

Huyện cũng sẽ tăng cường xúc tiến thị trường bảo đảm đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp và nông dân. Song song đó, trong thời gian tới huyện Dầu Tiếng tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công và chuyển giao công nghệ để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Huyện cũng sẽ sớm thành lập Chi hội Doanh nghiệp Dầu Tiếng để gắn bó các doanh nghiệp với nhau qua đó chia sẻ, hỗ trợ và phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ của từng doanh nghiệp.

Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang trở thành xu hướng tất yếu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vàhiệu quảkinh tếtrong nông nghiệp. Huyện Dầu Tiếng với tiềm năng và lợi thế sẵn có về khí hậu, thổ nhưỡng nếu những vướng mắc về cơ chế, chính sách, vốn và thị trường được giải quyết đồng bộ thì hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng sẽ có bước phát triển đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên