Nữ nhà giáo đổi mới, sáng tạo trong quản lý giảng dạy

Cập nhật: 19-10-2019 | 07:20:00

 Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “đổi mới sáng tạo trong dạy và học” năm học 2018-2019. Riêng Bình Dương, đa số những đơn vị được Bộ GD-ĐT tặng cờ thi đua hoặc bằng khen có nữ làm cán bộ quản lý và 3/6 cán bộ, giáo viên được khen thưởng cũng là nữ giới.

 

Các tập thể được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen về thực hiện tốt phong trào “đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” năm học 2018-2019

 Với đặc thù nghề nghiệp, nữ nhà giáo chiếm gần 80% trong tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành. Yêu nghề đã chọn, các nữ nhà giáo đã thể hiện lương tâm, trách nhiệm, thi đua đổi mới, sáng tạo gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, lồng ghép với những phong trào thi đua, cuộc vận động khác của ngành trong từng năm học.

“Thực hiện đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, đội ngũ nhà giáo nữ cùng với toàn ngành GD-ĐT đã góp sức xây dựng môi trường giáo dục mở, xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Các cô có giải pháp sáng tạo, mang lại hiệu quả rõ rệt trong quản lý, giáo dục học sinh; đổi mới căn bản phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo dục học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực...”.

(Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)

Với trường Tiểu học Bình Hòa (TX.Thuận An), từ sự quản lý, điều hành sáng tạo của cô hiệu trưởng Lê Thị Ngọc Bích, chất lượng giáo dục của trường được giữ vững. Năm học 2018-2019, nhà trường đã được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Không riêng gì hiệu trưởng, 86/96 giáo viên nữ đã thực hiện phương châm “Đổi mới thực chất, hiệu quả nâng cao”. Theo đó, các cô đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện tích hợp trong dạy học các môn học; đổi mới đánh giá, xếp loại học sinh; chú trọng giáo dục đào tạo, kỹ năng sống cho các em; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý, góp phần ổn định chất lượng giáo dục.

Cô Nguyễn Ngọc Kim Anh, Hiệu trưởng trường Mầm non Họa Mi (huyện Dầu Tiếng) là một trong số những nhà giáo được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen về phong trào thi đua nêu trên. Cô có 2 sáng kiến được ngành đánh giá cao, đó là giải pháp sáng tạo, mang lại hiệu quả rõ rệt trong quản lý, giáo dục trẻ; giải pháp ứng dụng thực tiễn trong việc xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm. Cũng từ vai trò của người cán bộ quản lý, 100% cán bộ giáo viên của trường nêu cao tinh thần trách nhiệm, đồng lòng quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đổi mới của ngành; 100% giáo viên lên lớp đều có sử dụng thiết bị dạy học, phong trào tự làm dồ dùng đồ chơi được giáo viên hưởng ứng nhiệt tình.

Nhiều năm qua, trường THCS Phú Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) có chất lượng tuyển sinh vào lớp 10 ổn định, được ngành đánh giá cao. Kết quả được quyết định bởi tài lãnh đạo của người nữ hiệu trưởng Diệp Thị Ngọc Dung (năm học này cô là hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An). Trong suốt những năm làm công tác quản lý ở trường, cô đã đúc kết, để nâng cao chất lượng cần đổi mới tư duy trong công tác quản lý. Cô cũng nắm bắt thông tin, kiểm soát thông tin và biết cách xử lý thông tin hợp tình, hợp lý và phải có tính sáng tạo. Cô thường xuyên chia sẻ, động viên, giúp đỡ kịp thời các giáo viên và làm tốt công tác thi đua khen thưởng để động viên về mặt tinh thần cho anh chị em...

 HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X