Ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp: Nguy cơ còn lớn

Cập nhật: 03-10-2013 | 00:00:00

Với quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh hàng năm rất lớn, nên lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), chất thải từ chăn nuôi... được người sản xuất và vật nuôi thải ra môi trường không chỉ dừng ở mức “báo động” mà nguy cơ ô nhiễm môi trường đã ở mức rất cao.  

 Trồng rau sạch là góp phần bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Nông dân xã Thạnh Phước (Tân Uyên) đang tách những cây con sang hộp xốp

Ô nhiễm từ vỏ chai, bao thuốc BVTV

Với diện tích đất nông nghiệp 207.308 ha trong toàn tỉnh, dù chưa thể thống kê được nhưng mỗi năm, nông dân có thể sử dụng hàng chục ngàn tấn phân bón, hàng chục ngàn tấn thuốc trừ sâu cùng các loại chất kích thích sinh trưởng có nguồn gốc hóa học. Việc lạm dụng nhiều thuốc BVTV, chất kích thích sinh trưởng, phân bón hóa học không đúng quy trình tác động đến các vi sinh vật, các thiên địch có ích trong môi trường, đồng thời làm phát triển thêm các sinh vật có hại và giảm đa dạng sinh vật có ích trong thiên nhiên, làm giảm độ phì nhiêu của đất trồng. Mặt khác, sau khi sử dụng, các loại hóa chất này một phần bị oxy hóa thành dạng khí bay lên, một phần được cây trồng hấp thụ vào nông sản, còn một lượng lớn được rửa trôi theo nguồn nước chảy vào kênh mương, ao, hồ và trầm tích ở đáy sông, ngòi. Các nhà chuyên môn phân tích thêm và cho rằng, đó là chưa kể đến số lượng lớn các loại chai, lọ, bao bì thuốc BVTV vốn là loại rác thải nguy hại nhưng hầu hết không được xử lý mà bị vứt bỏ bừa bãi.

Thực trạng trên là không mới trong sản xuất nông nghiệp, bởi trên những cánh đồng rau, vườn cây ăn trái..., nếu ai vô tình đến nơi đó sẽ dễ dàng nhận thấy rất nhiều vỏ chai, bao thuốc BVTV vứt lung tung, chưa kể việc sử dụng các loại thuốc BVTV chưa hợp lý gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái. Song song đó, trong lĩnh vực chăn nuôi, ô nhiễm môi trường cũng đang ở mức rất cao. Bên cạnh một số hộ nuôi có xây dựng hệ thống xử lý, còn phần lớn chất thải được thải trực tiếp ra sông rạch, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Theo ý kiến của các chuyên gia một trong những nguồn thải lớn ở nông thôn là rác thải chăn nuôi (phân, thức ăn thừa, xác gia súc, gia cầm chết...). Hiện nay, phương pháp xử lý chất thải rắn còn đơn giản, chủ yếu tận dụng làm thức ăn cho cá, ủ phân hoai mục để bón cho cây trồng và hoa màu. Hiện có khoảng 40 - 70% chất thải rắn trong chăn nuôi được xử lý, số còn lại được thải thẳng ra kinh rạch, ao hồ. Chất thải rắn, không được xử lý an toàn đã tích tụ lâu ngày trong môi trường đất, nước mặt, nước ngầm và không khí, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Ô nhiễm môi trường tự nhiên

Với quy mô sản xuất nông nghiệp như vậy, hàng năm lượng chất thải ra môi trường từ sản xuất nông nghiệp là rất lớn. Chính vì thế, theo các nhà chuyên môn để giữ vững năng suất, người sản xuất phải bón vào trong đất hàng năm một lượng phân bón vô cơ rất lớn, tương đương 69.000 tấn urê, 85.000 tấn lân các loại, 20.000 tấn kali, 17.000 tấn phân DAP và NPK các loại khoảng 20.000 tấn. Để bảo vệ cây trồng, lượng thuốc BVTV được sử dụng cũng rất lớn. Theo thống kê sơ bộ, trên cây ăn trái, nhà vườn sử dụng 1.170 tấn thuốc trừ sâu các loại, 1.404 tấn thuốc trị bệnh; 845 tấn thuốc kích thích sinh trưởng và 234 tấn thuốc diệt cỏ; tương đương 18kg thuốc trừ sâu/ha/ năm, trên 21kg thuốc trừ bệnh, 13kg thuốc kích thích và 3,6kg thuốc diệt cỏ. Trên cây rau màu, để quản lý các đối tượng dịch hại trên cây trồng này hàng năm người trồng sử dụng 320 tấn thuốc trừ sâu, 268 tấn thuốc trừ bệnh, 231 tấn thuốc kích thích sinh trưởng và 205 thuốc trừ cỏ; tương đương 10,7kg thuốc trừ sâu/ha/năm, 8,9kg thuốc trừ bệnh, 7,7kg thuốc kích thích. Ngoài ra, lượng vỏ thuốc BVTV hàng năm rất lớn, chủ yếu là các vỏ bao giấy tráng kẽm, túi nilon, các loại chai nhựa và thủy tinh không đáng kể. Vỏ bao thuốc BVTV hiện nay hầu như không được thu gom mà vứt vương vãi trên đồng ruộng, kênh mương là nguồn ô nhiễm khá nghiêm trọng.

Để giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, các ngành chức năng cũng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức của người dân và các giải pháp về mặt kỹ thuật. Theo đó, những năm gần đây, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã và đang thực hiện nhiều chương trình huấn luyện cho nông dân, đặc biệt là chương trình IPM và “3 giảm 3 tăng”, nhằm giúp nông dân hạn chế đến mức thấp nhất lượng phân đạm được sử dụng trên một diện tích; số lần và lượng thuốc BVTV phun trên cánh đồng. Đối với chăn nuôi, ngành tiếp tục khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn, xử lý chất thải thông qua xây dựng hầm biogas… Tuy vậy, ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nguy cơ rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.

Để BVMT bền vững, không bị ảnh hưởng nặng do sự lạm dụng thuốc hóa học trong sản xuất nông nghiệp, cần tiến hành đồng bộ các biện pháp trong tất cả các khâu của quy trình sản xuất. Đối với ngành trồng trọt, cần ứng dụng rộng rãi công nghệ IPM (công nghệ phòng trừ dịch hại tổng hợp) trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ việc lưu hành và sử dụng những loại thuốc BVTV không có trong danh mục cho phép. Sau khi phun thuốc phải bảo đảm đúng thời gian cách ly mới được thu hoạch sản phẩm. Để giảm bớt ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, các cấp, các ngành cần phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch tổng thể cho cả vùng nuôi, đưa các trang trại ra khỏi các khu dân cư.

H.ÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1057
Quay lên trên