Ổn định giá cả, thị trường tiền tệ - cần nhiều giải pháp

Cập nhật: 11-11-2010 | 00:00:00

Giá USD biến động trong thời gian qua khiến các mặt hàng từ bánh, kẹo, hàng điện tử cho đến nhóm hàng nhập khẩu viễn thông, kỹ thuật số, máy tính xách tay... đều tăng giá theo. Làm sao để tỷ giá ổn định trong dài hạn là vấn đề đặt ra cấp thiết, bởi nó ảnh hưởng rất nhiều đến ổn định kinh tế vĩ mô và mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trong xã hội.

 Giá tăng theo USD

  Tỷ giá USD trên thị trường tự do đã liên tục leo thang, mức đỉnh là 20.700 - 20.900 VND/USD (mua vào - bán ra). Điều này đã khiến giá bán của nhiều mặt hàng nhập khẩu như điện tử, xe máy, bánh kẹo... cũng tăng giá theo. Trên thị trường các thiết bị như máy điều hòa, máy xay sinh tố, máy ép trái cây, máy sấy tóc, máy ảnh kỹ thuật số, hóa mỹ phẩm... đều tăng giá từ 3 - 5%. Theo người kinh doanh mặt hàng này, không riêng giá USD mà giá nhân dân tệ tăng cũng ảnh hưởng đến giá nhiều loại hàng hóa, nhất là những mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc được mua bằng USD. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng máy tính, linh kiện điện tử nhập ngoại, đã tăng ít nhất 20.000 - 300.000 đồng/thiết bị và tăng từ 300.000 - 700.000 đồng/máy tính. Thép xây dựng, phân bón, xi măng cũng điều chỉnh giá tăng 50.000 đồng/tấn (từ 2 tuần trước). Trong đó, có cả lý do vì một số nguyên phụ liệu đều phải nhập khẩu. Ngoài ra, còn do nguồn cung than đá đang gặp khó khăn, một số nhà máy không chủ động được kế hoạch sản xuất nên phải giảm công suất hoặc tạm ngưng sản xuất.

  Giá USD nhảy múa tác động đến chiều hướng gia tăng giá hàng hóa  Cũng từ đầu tháng 11 này, các công ty kinh doanh gas đã đồng loạt tăng thêm 25.000 đồng/bình 12kg. Đây là lần thứ 4 giá gas trong nước tăng kể từ giữa tháng 8-2010 đến nay, với mức tăng tổng cộng 57.000 đồng/bình 12kg... Ngoài ra, các siêu thị tại Bình Dương cho biết, từ đầu tháng 11, giá hàng loạt mặt hàng cũng tăng với mức tăng cao nhất lên đến 15%. Tại siêu thị Citimart Bình Dương, (ngoại trừ các sản phẩm tham gia bình ổn) giá các loại nước giải khát, bia, rượu... tăng 5 - 7%...

Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, giữa tháng 8-2010 đến nay sau khi có quyết định tăng tỷ giá USD của NHNN, cộng với sự leo thang của giá vàng cùng các yếu tố thời tiết thiên tai, dịch bệnh... đang có tác động không nhỏ tới sự biến đổi giá nhiều mặt hàng trên thị trường.

Người kinh doanh và tiêu dùng đều mệt

 Việc tăng giá mạnh mẽ của đồng USD so với VND trong thời gian qua đã khiến doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn trong việc mua, bán và thanh toán hàng hóa. Vì vậy, buộc các công ty phải điều tiết tăng giá lên. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh, việc tăng giá của các mặt hàng nhập khẩu do tỷ giá USD luôn được xem là điều bất lợi. Anh Nguyễn Ngọc Ẩn, Giám đốc Công ty TNHH máy tính Gia Bảo (TX.TDM) cho biết, vài tháng trước trung tâm đã nhập được một lô hàng máy tính khi tỷ giá USD chưa tăng, hiện công ty không điều chỉnh giá bán đối với những lô hàng này nhằm giữ chân khách hàng. Tuy nhiên, công ty cũng không tránh khỏi việc áp dụng bảng giá mới đối với nhiều mặt hàng còn lại vì hiện nay, các mặt hàng nhập về sau đều trong tình trạng giá lô hàng sau cao hơn lô hàng trước. Chính vì vậy, rất khó khăn cho người kinh doanh, vì nếu không tăng giá bán thì lỗ, mà điều chỉnh giá liên tục như thế thì rất khó bán được hàng”, vị này phân trần. Anh Mai Nguyên Duy, Quản lý siêu thị Citimart Bình Dương cũng xác nhận đã tiếp nhận đề nghị tăng giá của một số nhà cung cấp bánh, kẹo, rượu, bia... đây là những mặt hàng sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu hoặc 100% nhập khẩu đều chịu ảnh hưởng nhiều bởi giá USD tăng, do hàng nhập khẩu phụ thuộc hoàn toàn vào giá USD, mà một khi giá USD tăng thì giá bán bắt buộc phải điều chỉnh theo hướng tăng.

Một thực tế cần nhìn nhận trong thời gian dài vừa qua, trong nước hiện tượng đồng USD được sử dụng một cách rộng rãi, tràn lan và thường được thay cho đồng bản tệ trong các hoạt động kinh doanh. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy điều này tại các cửa hàng kinh doanh hàng điện tử, viễn thông, du lịch, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp... đều thông báo giá bán hoặc thanh toán bằng USD (hoặc cả 2 loại tiền). Trong khi đó, Nhà nước đã có quy định rất rõ ràng, mọi giao dịch, mua bán trên lãnh thổ Việt Nam chỉ được thanh toán bằng tiền đồng, trừ những giao dịch có liên quan đến yếu tố nước ngoài mà phải dùng ngoại tệ là điều bắt buộc. Từ hiện tượng trên, khi USD tăng giá đã tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh; đây là gánh nặng đối với các doanh nghiệp phải thanh toán bằng USD khi phải nhập khẩu vật tư nguyên liệu, máy móc thiết bị. Điều này làm cho đầu vào của sản phẩm hàng hóa tăng, làm giảm năng lực cạnh tranh. Trong khi đó, vàng biến động thì không đáng ngại vì vàng không phải là mặt hàng thiết yếu cho đời sống hàng ngày.

  Trước tình trạng trên, NHNN đã công bố cung ứng USD và cho vay ngoại tệ để nhập khẩu các nguyên vật liệu, máy móc thiết bị cần thiết ở thời điểm hiện nay. Đây được xem là giải pháp tình thế, giúp tháo gỡ phần nào tình trạng thiếu USD và giúp giảm thiểu hiện tượng găm giữ USD. Tuy nhiên, về lâu dài rất cần có các giải pháp giải quyết tận gốc việc đồng VND mất giá so với USD, tránh xu hướng USD hóa trong nền kinh tế.

TRÚC HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên