Ông bà giáo già “diệt giặc dốt”

Cập nhật: 29-07-2011 | 00:00:00

Mặc dù đã bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng ông bà Tư Phê (Huỳnh Văn Phê, Huỳnh Thị Lan) vẫn ngày ngày đứng lớp dạy cho lũ trẻ nghèo “xóm 5 cái lò gạch”. Tiếng đánh vần ê, a của lũ trẻ vang khắp một vùng. Người qua đường lắm lúc băn khoăn chẳng hiểu tại sao giữa một đô thị giáo dục lại có một lớp học như vậy - lớp học tình thương Tân Lập (phường Đông Hòa, Dĩ An).

 Ông Tư đang miệt mài truyền chữ cho học trò nghèo

Ông bảo vệ làm thầy...

Khoảng 25 năm về trước, khu đất của Đại học Quốc gia TP.HCM hiện nay là xóm 5 cái lò gạch (thuộc Công ty Đại Dương). Công nhân của 5 cái lò gạch phần nhiều là người miền Tây và miền Trung, họ đến sống, làm việc rồi lập gia đình ở đây luôn. Trẻ con được sinh ra ngày càng nhiều mà trường học thì không có. Lũ trẻ cứ thế lớn lên với nhiều thiếu thốn.

Thời đó ông Tư là bảo vệ của Công ty Đại Dương. “Nhìn thấy cảnh lũ trẻ nheo nhóc lớn lên mà thương” nên ông đã trình bày với công ty về việc xin đất để mở lớp dạy học cho con em của công nhân toàn công ty. Sau khi tiếp nhận đề xuất, ban lãnh đạo công ty quyết định trích ra 200m2 đất để dựng lớp học. Với sự góp sức của anh chị em công nhân, sau nửa tháng lớp học của ông bà căn bản được hoàn thành.

Mở lớp học đã khó, vận động mọi người đưa con em đi học càng khó hơn. Sau khi nắm vững danh sách các hộ gia đình nghèo, có con nằm trong độ tuổi đi học, ông bà Tư bắt đầu đi gõ cửa từng nhà để vận động. Có nhiều nhà, khi ông bà đến vận động thì từ chối thẳng thừng: “Ông bà vẽ chuyện quá, tụi tui không học mà vẫn sống được đó thôi. Việc gì phải đi học cho rách việc, tốn thời gian”. Có người thì từ chối khéo: “Chỉ mong tụi nó chóng lớn mà đi làm ăn thôi, nghèo như mình học thì làm được gì chứ?”. Hồi tưởng chuyện năm xưa, ông Tư bùi ngùi: “Đi vận động các hộ gia đình mà bị đuổi như đuổi ma”.

Không vì thế mà bỏ cuộc, ông bà tiếp tục đi đến nhà của các hộ khác để vận động. Tấm lòng nhiệt thành của ông bà cuối cùng cũng được đền đáp, sau 2 tháng ông bà Tư vận động được 10 cháu đi học. Trong cái gian nhà lá nhỏ ngày ấy, tiếng đánh vần ê, a của lũ trẻ ngày một to và rõ hơn: “Dấu sắc hất qua, dấu huyền kéo lại, dấu hỏi thì cong cong, dấu ngã nằm ngang...”. Được một thời gian, lớp học bỗng đông lên 15, 20 rồi 30 đứa. Phòng học đang rộng nay bỗng trở nên chật chội. Nhìn thấy cảnh tụi nhỏ phải ngồi chen chúc nhau học bài, phụ huynh bàn nhau cất thêm một gian nữa. Ông bảo vệ mê nghiệp “trồng chữ” ngày nào nay đã trở thành “ông giáo Phê”. Lớp học tình thương càng dạy càng hiệu quả. Lũ trẻ nườm nượp kéo nhau đến xin học, cuối năm 2004 đã lên đến 50 học sinh. Tiếng lành đồn xa, từ năm 2005 bắt đầu có những tổ chức, cá nhân tham gia quyên góp vốn giúp ông bà Tư xây phòng học. Cuối năm 2006, lớp học được xây mới với quy mô 2 phòng học tương đối rộng rãi, thoáng mát.

Từ ngày mở lớp học đến nay, con đò chở chữ của ông bà Tư đã đưa không ít khách qua sông. Học trò của ông bà giờ đây có người đã làm ở tỉnh, thành phố. Nhưng mỗi lần về thăm ông bà Tư, “tụi nó vẫn chỉ là những đứa trẻ của xóm 5 cái lò gạch cũ” mà thôi. Khi được hỏi về lớp học tình thương Tân Lập, chị Trần Thị Hạnh, công nhân Công ty Đại Dương, có 4 người con theo học ở lớp ông Tư, tâm sự: “Nếu không có ông bà Phê bỏ công sức ra dạy học cho tụi nhỏ thì gia đình tôi không biết phải cho con mình đi học bằng cách nào. Nhìn tụi nhỏ ngày tới lớp, tối về bảo nhau học bài không còn quậy phá như trước, tụi tôi thấy yên tâm hơn”.

18 năm diệt giặc dốt...

Ngày xưa, ở đây chỉ có 5 cái lò gạch. Ban ngày, người lớn đi làm ở các lò gạch, khu công nghiệp lân cận. Con cái của họ, đứa nào được việc thì theo phụ giúp cha mẹ, những đứa nhỏ, không làm phụ được thì để ở nhà mặc cho chúng tụ tập, chơi bời lêu lổng. Lâu ngày bọn con nít đâm quậy phá, hư hỏng. Giặc dốt và mầm mống của tệ nạn xã hội cũng từ đó mà phát sinh. “Giặc dốt là loại giặc nguy hiểm nhất; giặc đói, giặc ngoại xâm... cũng từ giặc dốt mà ra”, với suy nghĩ đó, ông bà Tư quyết tâm mở lớp học cho kỳ được.

Những ngày đầu, lớp học tình thương Tân Lập chỉ có 2 lớp: lớp vỡ lòng và lớp cao. Về sau, lũ trẻ đến học đông hơn về số lượng và đa dạng về độ tuổi nên được chia ra làm 3 lớp: Lớp 1 được dạy tập đọc, tập viết chính tả và cộng trừ các con số đơn giản; lớp 2, lớp 3 và lớp 4 được học chương trình cao hơn, phức tạp hơn; riêng lớp 5 (lớp ôn) thì được đào tạo đặc biệt nhất, đây là lớp học chuẩn bị thi vào các trường THCS công lập.18 năm đứng lớp, với biết bao nỗi niềm vui buồn đan xen, nhưng ông bà Tư chưa bao giờ có ý định từ bỏ lớp học - từ bỏ lũ trẻ nghèo. Nhìn lũ trẻ nheo nhóc, đen đúa ngày nào nay đã biết đọc, biết viết, bà Tư vui mừng đến chảy nước mắt: “Tụi nó lớn thật rồi!”.

Cùng với nhiều bằng khen, giấy chứng nhận khác, năm 2004 ông bà Tư đã vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng huy chương Vì sự nghiệp giáo dục. Đó là niềm an ủi, động viên rất lớn để ông bà vững bước hơn trong những chuyến đò chiều sắp tới. Ông bà Tư vẫn thường tự nhủ: “Sẽ tiếp tục dạy đến khi nào không còn sức thì thôi!”. Không tuyên thệ, không hứa hẹn nhưng ông bà giáo già này vẫn đang ngày ngày cầm bút, cầm phấn chiến đấu với giặc dốt. Ông Tư tâm sự: “Nhìn tụi nhỏ biết đọc, biết viết vợ chồng tui mừng lắm. Ít ra thì sau này khi ra ngoài đời, muốn đi xin việc còn phải biết làm tờ đơn xin việc làm chứ!”.

 Ông Tư đang phát quà (tập, viết và bánh kẹo) cho học trò

Niềm vui chưa trọn vẹn...

Cái nghiệp gieo chữ ở xóm lò gạch của ông bà Tư đã đi được gần 20 năm. Ngần ấy thời gian “chèo đò” chẳng làm ông bà chơi vơi lấy một lần. Nhìn tụi nhỏ chăm chú học bài mà ánh mắt của ông Tư cứ đăm chiêu. Rồi đây, khi Đại học Quốc gia TP.HCM lấy đất để xây dựng cơ sở vật chất, lớp học này cũng phải dời đi. Theo thỏa thuận giữa ông bà Tư và chính quyền địa phương (phường Đông Hòa) thì toàn bộ khoản tiền đền bù của lớp học này sẽ do phường giữ. Sau khi lớp học tình thương của ông bà Tư đóng cửa, địa phương sẽ dùng khoản tiền đền bù trên để xây một lớp học khác. “Nhưng đến bây giờ, khi mà lớp học sắp bị giải tỏa, vẫn chưa thấy bên phường có động tĩnh gì. Tui lo lắm! Sẽ có một lớp học khác được mở ra hay tụi nhỏ phải chia tay với việc mưu cầu con chữ?”, nói đến đây, mắt ông Tư đã rưng rưng nước.

Nghĩ đến chuyện rồi đây lớp học sẽ phải đóng cửa, ông bà cũng không còn được đứng lớp. Lũ trẻ cũng sẽ theo cha mẹ dạt về nơi khác, với một tương lai vô định. Ông bà Tư chỉ biết cố gắng hết sức chèo những chuyến đò chiều cho qua sông chữ, bởi không biết rồi đây những chuyến đò như vậy có duy trì được nữa hay không!?

Theo ông Nguyễn Tấn Đức, cán bộ địa chính phường Đông Hòa thì hiện tại địa phương đang giữ số tiền đền bù của lớp học tình thương Tân Lập, nhưng do chưa có đất, chưa đủ vốn để xây lại lớp khác nên địa phương vẫn chưa thể triển khai kế hoạch. Ông Đức cho biết, hiện tại địa phương đang cố gắng liên hệ phía bên Ban Quản lý dự án khu quy hoạch Đại học Quốc gia để xin đất, nhưng chưa nhận được phản hồi.

 

ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên