Ông Táo lên trời

Cập nhật: 26-01-2011 | 00:00:00

Hăm ba tháng Chạp hàng năm là ngày nhà nhà sắm lễ tiễn ông Táo lên trời. Nhưng ngày nay với lối nghĩ thực dụng đã biến những giá trị tâm linh thiêng liêng ấy thành một ngày “hội” xả rác.

Ngày ông Táo lên trời giờ đang được cải biến đến mức khó có thể nhận ra là ngày gì nữa. Từ sáng sớm, dù ngoài trời lạnh giá hay ấm áp thì đã thấy ồn ã xe cộ. Không cần nhìn cũng biết trên xe nào cũng chất đầy hàng mã và lủng lẳng túi nilon đựng cá chép. Những tưởng đó là không khí rộn rã báo hiệu Tết đã về nhưng hóa ra ngày tiết độc đáo này lại thành một ngày đốt tiền. Khói vàng mã mù mịt, tàn lửa bay tứ tung. Nghe chị hàng xóm tôi kể càng ngày càng lắm thứ được “vàng mã” hóa: Từ bộ cánh cổ truyền như món quà thành kính biếu tổ tiên ông bà giờ đây cổng nhà, vỉa hè, ngõ phố lập lòe lửa đỏ đã biến thành nơi “xuất cảng” hàng hóa về cõi âm từ xe máy, ôtô, nhà cao tầng, đến máy tính iphone, ti vi…Hóa ra cái quan niệm về tam tài (thiên- địa- nhân) với ba tầng thế giới, với mô hình cuộc sống trần gian làm trung tâm giờ được thay thành quan điểm “trần sao âm vậy” để hợp lí hóa rất cả những món đồ không có trong xã hội cổ truyền.

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Nhìn đống vàng mã khổng lồ ấy con trẻ thì tròn mắt: Các cụ dưới đó sài sang vậy ta? Còn những người hiểu biết văn hóa thì chau mày: Như thế khác nào hối lộ các cụ nhà ta chứ. Trên đất là thế còn dưới sông, hồ cũng không kém phần nhộn nhịp. Không biết muôn vàn con cá chép nhỏ có thoát khỏi bàn tay của những người bắt lại hay không? Chỉ biết rằng mặt nước luôn trắng xóa túi nilon. Nhìn cảnh phóng sinh cá không khác mấy so với cảnh xả hàng vì ai cũng làm lấy được. Trên thành cầu, công viên đâu đâu cũng thành chỗ thả cá. Kì thực, không còn nhận ra một nếp văn hóa tinh thần đầy ý nghĩa nữa mà trở thành ngày tranh mua, tranh thả, tranh bắt lại và ngang nhiên xả rác. Có lẽ nếu một người nước ngoài nhìn thấy cảnh ấy (mà lại chưa hiểu về phong tục) sẽ nhầm là ngày…tạo ra rác.

Anh bạn tôi hẳn không quá lời khi nói đùa một câu: Thế này thì không biết ông Táo đi đường nào để lên trời nhỉ? Khi đường xá chen chúc, nhà nhà mù mịt khói và sông hồ ngập ngụa  lilon. Có lẽ, chỉ khi nào chúng ta có cái nhìn đúng đắn về phong tục này và hành động đúng mực thì mới có thể trở thành lòng thành kính đích thực để tiễn ông Táo lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng  những điều thật thật ý nghĩa về xanh-sach -đẹp của trần gian.

Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên